Những điều ước của bóng đá Việt năm 2013

Trong thời khắc năm mới, bóng đá Việt Nam có rất nhiều mơ ước để mong có sự 'thoát xác' trong năm 2013.

Các CĐV Việt Nam luôn tràn đầy khát khao và sự tin tưởng. Ảnh: Thế Ngọc.

Các CĐV Việt Nam luôn tràn đầy khát khao và sự tin tưởng. Ảnh: Thế Ngọc.

Cuộc khủng hoảng ảnh hưởng trầm trọng tới đời sống bóng đá nước nhà trong năm 2012. Năm nay, bóng đá Việt Nam tiếp tục được dự báo còn nhiều khó khăn hơn nữa. Bởi vậy, không chỉ có các nhà quản lý, mà các HLV, cầu thủ, người hâm mộ… đều có những mơ ước về điều tốt đẹp và những tín hiệu tích cực trong sự phát triển của bóng đá nước nhà.

Đầu tiên, chắc chắn VPF sẽ ước về một giải đấu không bị vỡ. Sau nhiều lần lùi thời hạn, VPF đã chốt lại ngày khai mạc V-League vào đầu tháng 3. Chưa thể nói trước được điều gì vào lúc này bởi không ai dám chắc sẽ lại có một vài đội bóng nữa tuyên bố giải thể, sau khi có tới 8 đội bóng ở V-League và hạng Nhất mất tên khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam cuối năm 2012.

Nhiệm vụ của VPF lúc này, chính là tăng cường công tác quản lý, điều hành và có sự hỗ trợ tối đa giúp các đội bóng vượt qua giai đoạn khó khăn. Sự nỗ lực đến từ chuyện lùi thời hạn, tăng tiền giải thưởng cao kỷ lục (10 tỷ đồng cho ngôi vô địch mùa giải 2013), đến chuyện mời về chuyên gia ngoại người Nhật Bản để giúp VPF điều hành giải đấu tốt hơn.

Dẫu sao thì VPF cũng không quá bi quan, lo lắng bởi công ty này cũng đã chuẩn bị mọi phương án đối phó. Thậm chí, sau khi các ông bầu bỏ cuộc, nhiều đội bóng giải thể, lại giúp cho bóng đá Việt Nam trở về với giá trị thực.

VPF khẳng định có bao nhiêu chơi bấy nhiêu và quyết nâng chất V-League, xứng đáng với giải đấu hàng đầu khu vực. Hy vọng mà mọi thứ diễn ra suôn sẻ, cuộc khủng hoảng sẽ lắng xuống, để bóng đá Việt Nam trở lại đường ray của mình.

Sự trở lại của V-League, cũng có nghĩa hàng trăm cầu thủ sẽ không bị thất nghiệp. Trong dịp đầu năm, hầu hết cầu thủ đều ước có một công việc ổn định. Cuộc khủng hoảng vừa qua khiến đa số cầu thủ ý thức được việc phải trân trọng với những đồng tiền mà mình kiếm được, đồng nghĩa với việc sẽ phải thi đấu hết mình, cống hiến, để tôn trọng khán giả cũng như bảo vệ hình ảnh của mình.

Còn ở trên đội tuyển quốc gia, năm nay hai đội tuyển nam và nữ sẽ bước vào chiến dịch chinh phục HC vàng SEA Games 27. Chưa bao giờ đội U23 lại được quan tâm như năm nay. Thậm chí trong đợt tập trung tuyển Việt Nam tới đây, cầu thủ U23 sẽ là nòng cốt. Sẽ có một năm chuẩn bị với rất nhiều trận giao hữu quốc tế. VFF cũng không giấu giếm kế hoạch thuê HLV ngoại dẫn dắt U23. Sau hơn 50 năm không lên được ngôi vô địch tại sân chơi SEA Games, U23 lần này lại mang tới nhiều khát khao cháy bỏng. Dẫu niềm tim của người hâm mộ đang xuống rất thấp, nhưng chỉ cần U23 thi đấu thành công tại SEA Games 23, cụ thể là chức vô địch, bóng đá Việt Nam sẽ lấy lại những gì đã mất.

Niềm vui sẽ nhân đôi nếu tuyển nữ bảo vệ được ngôi hậu của mình. Sau kỳ SEA Games 26 không có bóng đá nữ, lần này thầy trò HLV Trần Vân Phát sẽ gặp thách thức rất lớn khi hành quân tới sân nhà của Myanmar - đối thủ đang được dự đoán là ứng cử viên nặng ký cho ngôi vô địch.

Trong dịp năm mới, bóng đá Việt Nam còn rất nhiều mơ ước khác. Những nhà quản lý mong các ông bầu sau bài học xương máu từ cách làm ăn xổi, thành tích, sẽ làm bóng đá chuyên nghiệp hơn. Bóng đá Việt Nam cũng bắt buộc phải quan tâm một cách đặc biệt tới công tác tuyển chọn và đào tạo trẻ, nâng chất V-League, xây dựng lực lượng cho các đội tuyển quốc gia.

Một điều cũng rất được chờ đợi ở năm nay nữa với bóng đá Việt Nam, chính là việc VFF sẽ tiến hành tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VII vào tháng 6 tới. Sau những gì đã xảy ra, người hâm mộ mong muốn VFF cần có sự cải tổ mạnh mẽ ở đội ngũ quản lý. Những ai không làm được việc, cần được nghỉ để nhường cho người có khả năng hơn. Chính đội ngũ lãnh đạo VFF yếu kém đã khiến bóng đá Việt Nam tụt lùi những năm qua.

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast