Biến đổi khí hậu ở Hà Tĩnh - Thực trạng và giải pháp

Cùng với tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) chung của thế giới, những năm gần đây, khí hậu Hà Tĩnh cũng có những biến đổi bất thường, khiến cho vùng đất lắm thiên tai này càng phải chịu thêm nhiều khốn khó, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển KT – XH, QPAN… Việc nâng cao nhận thức cho nhân dân về ứng phó với tình trạng này và đề ra những giải pháp phù hợp là hết sức cần thiết.

Thực trạng và xu hướng BĐKH ở Hà Tĩnh

Ngoài những đợt thiên tai như bão, lũ có tính thường niên, thời gian qua Hà Tĩnh còn phải đối mặt với những biến đổi bất thường như nắng nóng gay gắt, rét đậm, rét hại kéo dài như đợt rét hại kéo dài mùa đông xuân 2008 – 2009 với nhiệt độ xuống thấp nhất trong vòng 40 năm qua hay là đợt nắng nóng trên dưới 40oC trong suốt 10 ngày liền hồi tháng 7 vừa qua gây nên sự cạn kiệt ở các con sông. Tháng 6/2010, sông La tại Linh Cảm mực nước tụt xuống -143cm, thấp nhất trong chuỗi quan trắc từ trước tới nay. Thêm vào đó, thời gian ngập lụt ở các con sông cũng kéo dài hơn so với những thập niên trước, như sông Ngàn Sâu trong các năm 2008, 2009, 2010 đều kéo dài trên dưới 20 ngày….

Nhiều diện tích lúa hè thu 2010 ở Nghi xuân bị mất trắng vì hạn hán

Nhiều diện tích lúa hè thu 2010 ở Nghi xuân bị mất trắng vì hạn hán

Theo nghiên cứu gần đây nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh tính theo thập kỷ tăng từ 0,1 – 0,2oC, nhiệt độ trung bình giai đoạn 2000 – 2010 so với 10 – 30 năm trước tăng từ 0,3 – 0,6oC, riêng vùng Hương Khê tăng từ 0,7 – 1,4oC. Trong khi đó, lượng mưa lại có xu hướng giảm hẳn với sự biến động lớn cả về không gian, thời gian cũng như cường độ. Tuy lượng mưa ít nhưng cường độ mưa lớn gây lũ, lũ quét ngày một gia tăng. Theo đó, tần suất và quy luật của các cơn bão cũng thay đổi. Thông thường mùa mưa bão ở Hà Tĩnh là từ tháng 9 đến tháng 11 và chỉ các cơn bão số 7, 8, 9 mới đổ bộ vào. Thế nhưng, gần đây, xu hướng bão có sự thay đổi rõ rệt. Khoảng thời gian có khả năng xẩy ra bão mở rộng từ tháng 8 đến tháng 12 và ngay từ cơn bão số 1 đã có thể đổ vào Hà Tĩnh.

Hàng ngàn người dân Hà Tĩnh phải sống chung với lũ trong thời gian dài do BĐKH

Hàng ngàn người dân Hà Tĩnh phải sống chung với lũ trong thời gian dài do BĐKH

Bên cạnh đó, tần suất và quy luật lũ lụt cũng thay đổi. Nếu như trước đây, lũ chỉ xuất hiện từ tháng 8 – tháng 10 thì nay lũ có thể xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 12, ví như cơn lũ tháng 4/2003 gây thiệt hại nặng nề. Không chỉ có thế, các cơn lũ còn xẩy ra với dòng chảy mạnh hơn, tốc độ nhanh hơn, đỉnh lũ cao hơn khiến người dân không kịp ứng phó, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Đặc biệt, nguy hại hơn là sự gia tăng của hiện tượng xâm thực bờ biển và nước biển lấn sâu vào các sông. Đến nay, nước biển đã lấn sâu vào các con sông hơn 10 km nữa và hiện tượng nước biển dâng cũng cao hơn 10 năm trước từ 10 – 20cm. Tình trạng đó dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là sự xâm mặn ngày càng mở rộng. 100% giếng khơi mới đào 2 năm trở lại nay ở Hộ Độ (Lộc Hà) đã bị nhiễm mặn không sử dụng được. Còn ở cống Trung Lương (Hồng Lĩnh) thì độ mặn đo đươc hồi tháng 6/2010 ở mức 4,5 – 5,5 %o, có khi lên mức 7 – 8%o, do đó vụ hè thu không có nước ngọt để tưới dẫn đến mất mùa nặng.

Những tác động của BĐKH và giải pháp ứng phó

Tình trạng BĐKH đã có tác động lớn tới nhiều lĩnh vực. Đối với nông nghiệp, có tác động lớn đến năng suất, thời vụ gieo trồng, tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh trên cây trồng, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm. Trong thời gian qua, hiện tượng mất trắng mùa màng xẩy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại nặng nề đến nền kinh tế.

Đối với sức khỏe cộng đồng, BĐKH cũng đe dọa nhiều hơn đến tính mạng người dân và nguy cơ bùng phát bệnh dịch cũng như nhiễm nhiều bệnh tật do ô nhiễm môi trường sống là điều không thể tránh khỏi. Ngoài ra sự BĐKH còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự da dạng sinh học, làm biến mất hoàn toàn một số loài thực vật và động vật bởi hiện tượng nước biển dâng.

Theo tính toán của các chuyên gia, trong thời gian tới mực nước biển dâng cao, mưa bão lớn với triều cường mạnh có thể sẽ gây ngập tới 114 km2 diện tích đất toàn tỉnh. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tuyến đường giao thông nông thôn và các công trình giao thông, đê ngăn mặn được xây dựng trước đây sẽ không còn phù hợp nữa, vì vậy nguy cơ tổn thất là rất lớn.

Trước tình hình phức tạp đó, biện pháp hàng đầu vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về các phương án và cách thức giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, tăng cường năng lực quản lý tổng hợp vùng bờ một cách có hiệu quả để toàn xã hội nhận thức đầy đủ về tính tất yếu phải ứng phó với BĐKH và những tác động nguy hại của nó đến tự nhiên, KT – XH, QPAN… Thực tế tại nhiều xã ở các huyện thường xuyên có thiên tai như: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ, Lộc Hà…, người dân đã nhận thức rất tốt về BĐKH và đã có nhiều biện pháp chủ động ứng phó với tình hình đó. Nhờ vậy, những năm gần đây đã hạn chế rất nhiều thiệt hại về người và của trong thiên tai.

Hiện nay, các ngành chức năng cũng như một vài dự án của nước ngoài đã hỗ trợ người dân rất nhiều về kiến thức cũng như khả năng thích ứng, năng lực phòng chống các hiện tượng thiên tai. Hà Tĩnh cũng đã đẩy mạnh chương trình bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển; cải tạo vùng cát ven biển, chống hoang mạc hóa; đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp một số tuyến đê biển, đê sông, xây dựng một số công trình nhà trú ẩn đa năng kiên cố phục vụ nhân dân trong mùa bão, lũ, xây dựng các khu vực trú ẩn cho tầu thuyền trong mùa mưa bão… Tuy nhiên, về lâu dài, tỉnh vẫn cần một quy hoạch tổng thể phát triển KT – XH cho cư dân những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai; cần nghiên cứu, tuyển chọn và lai tạo những giống cây trồng - vật nuôi có khả năng thích ứng cao, sức chống chịu lớn với sự biến đổi thất thường của thời tiết, đặc biệt là các vùng ven biển bị nước mặn xâm thực…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast