Nhà văn Văn Linh và một trời thương nhớ Xứ sở Hoa Chăm - pa

Cuộc hành hương trở lại thành phố Thà Khẹc (Lào) của nhà văn Văn Linh đúng vào dịp thời tiết ở Việt Nam cũng như Lào đang chuyển mùa. Ấy là khi những vạt nắng muộn bắt đầu chùng xuống dưới chân Trường Sơn Đông và những hạt mưa bụi bên phía Trường Sơn Tây cũng đang loay hoay tìm về nơi trú ngụ cuối cùng để nhường chố cho cả một mùa khô với trời trong mây trắng

Nhà văn Văn Linh với những tác phẩm đi vào lòng người như: Mùa Hoa Dẻ, Pả Sua, Xáo Khay, Con Ngựa Bốn Vó Trắng, Sông Gianh… từng là lính tình nguyện và chuyên gia văn học nhiều năm sống chiến đầu làm việc tại Lào.

Nhà văn Văn Linh
Nhà văn Văn Linh

Đất nước hoa Chăm Pa cưu mang ông và đã thổi vào cuộc đời ông một sức sống sáng tạo đầy cuốn hút. Có lẽ chính vì vậy mà sau khi anh Tùng Linh người con trai xấu rồi tiếp đến bà Hoa vợ ông đột ngột qua đời chỉ trong vòng một thời gian ngắn, cứ ngỡ ông hoàn toàn suy sụp không thể gượng dậy được, nhưng chính trong hoàn cảnh đó ông càng khát khao cháy bỏng hơn bao giờ hết được trở lại thành phố Thà Khẹc - mảnh đất luôn đầy ắp những kỷ niệm nhớ nhung - được tận mắt nhìn thấy và hít thở không khí ở đây giửa quá khứ và hiện tại để hoàn thành nốt cuốn hồi ký đầy trăn trở của mình.

Năm 2007, mặc dù đã 78 tuổi nhưng ông vẫn kiên trì chay tịnh cầu siêu cho linh hồn vợ, con đâu vào đó rồi lẩn thẩn về quê tạ mộ ông bà, tổ tiên dưới chân Núi Nài, phường Đại Nài - thành phố Hà Tĩnh và quyết định sang Thà Khẹc nhờ sự giúp đỡ tận tình của thiếu tá Võ Trọng Hải lúc ấy là Trạm trưởng Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo. Cung đường từ Hà Tĩnh đến Thà Khẹc chưa đầy 400 km nhưng phải mất 52 năm trời mới có dịp được trở lại bởi những lý do khác nhau, thậm chí có những lý do mà theo ông không thể nào lý giải được mới ngộ rằng, đời người là quả kiếp, nhân duyên; buồn, vui âu cũng lẽ vô thường.

Cái mốc đáng nhớ hơn nửa thế kỷ ấy là năm 1953. Lúc đó ông thuộc đại đội 9, trung đoàn đoàn 280 mặt trận Trung Lào trên đường truy kích địch, sau khi đánh tan tuyến phòng thủ Đông Dương ở Ba Na Phào, tiêu diệt hoàn toàn trận địa Pháo Khăm He và đồn Pha Khống được lệnh cấp trên do Võ Thúc Đồng - Chính ủy mặt trận trực tiếp điều về Ma Xay phong ông chức đại đội trưởng để chuẩn bị phương án tiếp quản thành phố Thà Khẹc, thủ phủ của tỉnh Khăm Muộn.

Trên đất nước Hoa Chăm - pa
Trên đất nước Hoa Chăm - pa

Nhờ vốn tiếng Pháp của mình, ông đã vận động những hàng binh của Pháp điều khiển ba chiếc xe RMC (chiến lợi phẩm thu được của địch) làm mũi tiên phong tiến thẳng vào giải phóng Thà Khẹc. Bị đánh úp bất ngờ địch lúng túng bỏ thạy theo Quốc lộ 13A về cố thủ ở Xê Nô. Tiếp quản Thà Khẹc, không ngờ Văn Linh gặp lại Xiêng Hàm du kích Lào, người từng là đồng đội cũ ở đơn vị cơ sở 103 của Lào. Được Xiêng Hàm giúp đỡ, Văn Linh đã nhanh chóng thành lập được hai trung đội tự vệ Việt - Lào và cử Xiêng Hàm làm ủy viên quân quản thành phố.

Một hôm đang ở đơn vị, Văn Linh chợt thấy có một người Việt Kiều tìm đến hỏi: “Thưa cán bộ, ở đây có ai là người Thạch Hà không, có người muốn gặp”. Văn Linh mời khách vào tiếp chuyện rồi tự giới thiệu: “Tôi chính là người Thạch Hà đây”. Câu chuyện qua lại một lát rồi người khách chào về. Không ngờ sáng sớm hôm sau vừa mở cửa ra ông thấy một bà già dắt một người con gái khoảng 16 tuổi có tên là Nam đứng chờ dưới sân xin gặp cho được quan ba chỉ huy thành phố, tức ông.

Mẹ con cô Nam tự giới thiệu với ông là giáo dân quê xóm cầu Soong ở xã Việt Xuyên sang Lào đã từ lâu, nhưng chiến tranh tao loạn. Bây giờ, thành phố đã được giải phóng, tranh thủ tìm đồng hương để hỏi thăm chuyện quê nhà. Trong lúc đang chuyện trò bỗng có một cán bộ cấp dưới vác một bao tải vào phòng ông nói rằng đây là thịt hộp, chiến lợi phẩm của Pháp chúng em mang về biếu anh. Vừa nói người này vừa đổ bao tải ra, không ngờ trong đó toàn hộp sơn màu xanh bị vung vãi khắp nhà làm ông ngượng chín mặt!

Thành phố Thà Khẹc mặc dù đã tự do, nhưng không khí chiến tranh vẫn còn bao trùm khắp nơi nên vẫn luôn đặt trong tình trạng báo động. Mọi sinh hoạt ở đây đều theo giờ giấc thiết quân luật, ngoài phố hết sức vắng lặng. Văn Linh cũng không ngờ được ngay chiều hôm đó cô Nam ăn vận rất đẹp, đạp một chiếc xe đạp nhãn hiệu Pơ-rô của Pháp mang theo một chiếc cặp lồng cơm đến đưa mời ông dùng và nói: “Mẹ bảo anh đừng ăn cơm ở bốt, hằng ngày em sẽ mang cơm nhà đến để anh ăn cho hợp khẩu vị ở Thạch Hà quê ta”.

Với ông, cuộc sống ở Thà Khẹc những ngày đó hết sức đẹp đẽ thì bỗng nhận được tin từ cấp trên là có khả năng cuối năm địch sẽ quay lại. Như nhận định, giửa tháng 12, năm 1953 địch điều quân từ đồng bằng Bắc bộ đổ bộ xuống Xê Nô chiếm huyện Ma Xay. Trước tình hình gấp rút đó, bộ chỉ huy mặt trận điện cho đơn vị khẩn trương cho dân đi sơ tán và rút quân ra khỏi thành phố để bảo toàn lực lượng, đồng thời trực tiếp chỉ thị cho ông phải tổ chức một trân đánh lớn để gây tiếng vang.

Chiếm huyện May Xay, địch tiếp tục bao vây Thà Khẹc. Hôm đó là ngày 24 tháng 12 năm 1953, đúng vào dịp Noel có trinh sát về báo vẫn còn một cô gái không chịu di tản. Ông bảo cho họ về đơn vị gặp hỏi rõ lý do, không ngờ hóa ra người đó lại là cô Nam. Hỏi tại sao cô không đi sơ tán thì cô bảo em xin ở lại với anh. Nghiêm mặt lại, ông nói: Cô phải rời khỏi thành phố ngay bây giờ. Tuy vậy, sau một lát đắn đo ông gọi liên lạc dắt tới một con ngựa thu được ở đồn khố xanh lệnh cô Nam lên ngựa rồi ông nhảy lên ngồi sau thúc ngựa chạy ra Quốc lộ 13A theo hướng Bắc phi nước đại.

Nhìn từ xa thấy có ánh lửa, xác định địch đã chiếm giữ Ngã ba cây số 4 (Km 4) nối Quốc lộ 13A và 12A. Biết tình thế hết sức hiểm nguy, ông kéo cô Nam ra ngồi sau bảo ôm chặt lấy ông vì nghĩ rằng nếu bị địch bắn thì ông sẽ làm lá chắn cho cô. Đến ngã ba Km 4 khoảng 20 giờ, gió từ sông Mê Kông thổi lên lạnh buốt. Không còn cách nào khác, ông bảo cô Nam nhắm mắt lại rồi giật giây cương, quất ngựa lao qua vọng gác. Hành động của ông khiến địch bị bất ngờ, chúng nã súng bắn theo như mưa nhưng cả người lẫn ngựa đều an toàn.

Trong đêm tối, ông vẫn thúc ngựa phóng như điên theo Quốc lộ 12A theo hướng về Việt Nam. Đi được khoảng 40 km phát hiện thấy tiếng người phía trước mới biết đó là đoàn dân công và Việt kiều trong đó có mẹ của cô Nam đang đi sơ tán. Bắt vào đoàn người, cô Nam chưa kịp định thần bỗng thất thần nói: “Anh ơi! em quên mất chiếc va ly trong thành phố, trong đó toàn là vàng và đặc biệt có một món quà Noel mẹ mua cho em để tặng anh”.

Không thể đưa cô Nam trở lại Thà Khẹc trong hoàn cảnh ấy nên ông động viên cô theo đoàn di tản về nơi an toàn và không quên cầm tay nhau hẹn hò gặp lại. Chia tay nhau lúc đó đã khoảng 22h, ông thúc ngựa quay lại. Trên trời vầng trăng non vẫn rười rượi trườn qua từng kẽ lá rừng rụng đầy dưới vó ngựa. Chẳng mấy chốc ông đã tới vọng gác ngã ba Km 4. Như lần trước bất ngờ ông thắng cương quất ngựa vụt qua mặc cho đạn địch bắn ào ào phía sau.

Sư khất thực, hình ảnh thường thấy trên nhiều tuyến đường ở Lào
Sư khất thực, hình ảnh thường thấy trên nhiều tuyến đường ở Lào

Mấy ngày sau thành phố vãn yên tĩnh, Văn Linh cho trinh sát tìm đường rút lui và điều một trung đội chốt ở dốc ngã ba Km 2 đoạn qua nhà ông Võ Văn Ban - một cơ sở người Việt kiều ở Thà Khẹc. Tại đây, ông cho bố trí trận địa mìn định hướng và đặt hai khẩu đại liên để chốt chặn mũi tiến quân của địch. Xong đâu vào đó, ông cho đốt một số kho hàng để nghi binh. Phát hiện thấy khói ngút trời, địch ngỡ ta đã rút lui, chúng vội điều một trung đội tiến vào Thà Khẹc. Không ngờ tới đoạn cây số 2 chúng mắc phải trận địa mìn và hỏa lực của ta đánh chặn tiêu diệt hoàn toàn.

Bị thua to, địch hạ lệnh cho pháo binh hạng nặng và máy bay tập trung bắn phá xuống đoạn Km 2 nhưng không gây thương vong cho quân ta vì đơn vị nhận được lệnh rút về cố thủ ở trường Tiểu học ở gần nhà thờ Thà Khẹc. Địch chốt hết tất cả các ngã đường rút lui của ta và bao vây thành phố. Dưới sông Mê Kông chúng cho hai chiếc tàu chiến dùng đèn pha quét khắp nơi, phát hiện có gì nghi vấn là sẵn sàng nổ súng ầm ầm.

Mê Kông vào mùa ấy có rất nhiều cỏ rác trôi theo, lợi dụng yếu tố đó ông ra lệnh cho một tổ ba người chặt chuối đóng bè kết cỏ rác lên thả xuống rồi bám vào dưới bơi về điểm tập kết đã được vạch sẵn cách Thà khẹc 3 km về phía Nam. Chỉ trong một đêm đơn vị của ông đã rút khỏi Thà Khẹc một cách an toàn được cấp trên khen thưởng và lập tức điều cả đơn vị về mặt trận làm mũi tiên phong tham gia các chiến dịch lớn ở Trung Lào.

Nhắc tới những kỷ niệm đời lính trên đất nước hoa Chăm Pa nhất là giai đoạn trước khi giải phóng Thà Khẹc. Lúc đó ông giữ chức trung đội trưởng chịu trách nhiệm phát triển chiến tranh du kích và xây dựng cơ sở dọc tuyến 12A. Một lần đang nghỉ tại một nhà dân tại làng Na Muôn dưới chân dãy Phù Hác, huyện Ma Xay biết bị địch vây ngoài ông nhanh trí lấy chiếc gùi ném qua cửa sổ. Bọn lính tưởng người thật tập trung bắn vào, lợi dụng lúc đó ông nhảy ra phía chái nước phía sau chạy vào rừng. Từ đó tin đồn Thao Bun Lin (chàng trai đi trẩy hội) do mẹ Lào đặt tên cho ông súng bắn không chết.

Một lần khác vào làng Phu Khe vận động quần chúng bị dân vệ theo Pháp theo dõi, ông tìm vào gặp nhà sư xuất giấy cách mạng, nhà sư đánh trống thu dân để bảo vệ ông. Trước đám đông có một tên dân vệ nói: Nghe bảo Thao Bu Lin súng bắn không chết vậy tôi bắn thử xem sao. Ông bình tĩnh nói: “Các anh bắn tôi là có lỗi với dân, tôi cũng là người trần mắt thịt đưa dao ra chích tại sao không ra máu, nhưng vì tôi đi làm việc cho lẽ phải nên tôi không sợ chết”. Ông vừa nói xong thì một viên chỉ huy dân vệ tên là Boon cầm súng Lây Phơn nhằm vào ông bắn một phát nhưng cốt sợt tóc rồi lặng le ra bun (hội) đưa ông vào rừng trốn thoát và bảo ông cấm không được nói với ai.

Tiếng đồn Thao Bu Lin súng bắn không chết ngày càng đồn ra khắp nơi, bọn Pháp sức cho dân vệ ai bắt được Thao Bu Lin sẻ thưởng lớn, nhưng suốt những năm tháng ở đây ông vẫn được an toàn. Sau ngày hòa bình trên đường về nghỉ phép ông quay lại làng Phu Khe thắp hương cho đồng đội bất ngờ thấy một nấm mộ ở gần đó có tấm bia đề tên Thao Bu Lin. Ông đang loay hoay chưa biết sự thể thế nào thì chợt có một người dân trong làng bước tới cầm tay ông nói: “Tôi đắp mộ giả của ông rồi đồn tin ra ông đã chết để những người tham tiền của Pháp mất đối tượng bắt".

Cuối năm 1954, ông về Hương Sơn an dưỡng rồi được điều làm Đồn trưởng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) một thời gian ngắn. Sau đó được điều về đơn vị CP 31 Ban công tác Lào làm Chuyên gia Văn học dạy văn cho cán bộ Lào tại trường Trung học Na Khao (Viêng Chăn) trong nhiều năm liền. Một trong số những học sinh xuất của ông có nhà văn Chăn Thi nay Chủ tịch Hội nhà văn Lào và Xu Văn Thon nguyên chủ tịch Hội Nhà văn Lào từng được giải thưởng Văn học Đông Nam Á.

Cuộc đời của nhà văn Văn Linh như một nốt nhạc thăng trầm nhưng ông không màng tới số phận, ông từng nói:"Tâm hồn cùng trí tuệ mà thượng đế ban phát cho nhà văn khác nào một đôi cánh khỏe hơn triệu triệu lần những cánh chim hồng chim hộc. Với đôi cánh ấy, nhà văn vượt lên trên mọi cám dỗ, tráng men, mọi dục vọng thơm tho, mọi lâu đài quyền quý nguy nga, đến thẳng với cõi sáng ánh sáng trác tuyệt đặng".

Văn Linh viết rất nhiều về những kỷ niệm của đời mình, nhưng điều khiến ông trăn trở nhất vẫn là mong một lần được gặp lại cô Nam, người dân vệ có tên là Boon và người đắp mộ giả cho ông tại làng Phu Khe (Lào) để thanh thản về với linh hồn vợ con nơi suối nguồn thanh tịnh. Trở lại Thà Khẹc hình như linh cảm mách bảo với ông rằng, hai người Lào cưu mang ông và mẹ cô Nam đã qua đời từ lâu. Còn cô Nam có thể đã lấy chồng nhưng bị chồng bỏ vì tấm lòng quá chân thật của cô dễ bị người ta lợi dụng, và cũng rất có thể cô đang sống đâu đó trên đất Lào để nuôi dưỡng những kỷ niệm về ông?

Trăng thượng tuần vẫn lửng lơ treo trên tháp chuồn nhà thờ Thà Khẹc rồi loang dần theo sóng nước Mê Kông. Những dấu tích xưa dường như vẫn còn nguyên vẹn, nhưng đêm càng về khuya, trên đường phố chỉ còn lại một cụ già lẩn thẩn bước đi chầm chậm và đang nguyện cầu điều gì đó giữa màn trời hư vô!..

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast