Dai dẳng nỗi đau

(Baohatinh.vn) - Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng nỗi đau, thảm họa da cam vẫn còn dai dẳng đến ngày hôm nay. Vẫn có những bậc làm cha, làm mẹ vô tình bị phơi nhiễm chất độc da cam (CĐDC) mà sinh ra những người con dị dạng. Nếu không có sự quan tâm, sẻ chia của xã hội, cuộc sống của họ có lẽ chỉ cô lại trong những nỗi niềm...

10 năm thành lập Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin (10/1/2004 - 10/1/2014)

Hội nạn nhân CĐDC huyện Nghi Xuân thăm và tặng quà anh Nguyễn Minh Gắng (32 tuổi) ở xóm An Toàn, xã Xuân Hội (Nghi Xuân)
Hội nạn nhân CĐDC huyện Nghi Xuân thăm và tặng quà anh Nguyễn Minh Gắng (32 tuổi) ở xóm An Toàn, xã Xuân Hội (Nghi Xuân)

Biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về cuộc sống của những nạn nhân CĐDC, ông Hoàng Xuân Việt - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Thạch Hà tạm gác công việc còn dang dở, dẫn chúng tôi đi ngay. Ông cho biết: “Có người đến thăm, họ vui lắm vì biết cộng đồng vẫn đang hướng về họ, quan tâm, giúp đỡ họ. Đặc biệt là trong những ngày cận tết càng làm cho họ phấn khởi hơn”.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Đặng Bá Diệu (SN 1932, ở xóm Kỷ Các, xã Thạch Lâm). Sáng sớm, căn nhà nhỏ 2 gian xập xệ của ông Diệu cửa đóng then cài, nhìn vào như bỏ hoang đã lâu. Chỉ khi cán bộ xã đến gọi cửa, chúng tôi mới biết ông Diệu ở bên trong. Ông Diệu bị nhiễm CĐDC ở chiến trường Quảng Trị.

Ông có con gái Đặng Thị Liên bị nhiễm CĐDC gián tiếp và mắc bệnh tâm thần. Vợ ông Diệu sau nhiều lần sinh đẻ không thành, sức khỏe cạn kiệt nên đã mất cách đây 20 năm. Lúc còn khỏe, ông Diệu có thể chăm sóc con gái, nhưng hơn 10 năm nay, ông vừa bị mù, vừa điếc, không đi lại được, thành ra Liên cứ đi lang thang đầu đường, xó chợ. Kết quả, Liên bị người ta làm nhục và sinh một đứa con trai.

Bà Đặng Thị Xuân, hàng xóm của ông Diệu, đau lòng kể: “Nó cứ đi lang thang 4-5 ngày mới về 1 lần. Thằng Ái (cháu ông Diệu – PV) không có ai chăm sóc cũng lêu lổng, còn ông Diệu thì nằm một chỗ, khổ không nói hết”. Nhìn nồi cơm mốc thiu đặt bên cạnh chậu đi vệ sinh, ai chứng kiến đều không khỏi chạnh lòng xót xa cho hoàn cảnh của ông.

Còn gia đình bà Phan Thị Nguyên (xóm Yên Phượng, Nam Hương) lại là một hoàn cảnh khác. Chồng bà Nguyên bị nhiễm CĐDC và mất cách đây 10 năm. Thật không may, 2 người con của ông bà từ khi sinh ra đã mang di chứng nặng nề của CĐDC. Bà Nguyên chua xót: “Dứt ruột đẻ ra đứa con mà nó cứ ngây ngô, ốm đau liên miên, xót xa lắm. Chứng bệnh tâm thần lúc tỉnh thì không sao, chứ lúc lên cơn nó đập phá, la hét, vừa giận vừa thương con, lại sợ làm phiền, ảnh hưởng đến hàng xóm, láng giềng. Cũng may, bà con làng xóm hiểu và thông cảm nên cũng hay thăm hỏi động viên. Vào các dịp lễ, tết, địa phương và các đoàn thể, tổ chức hội cũng đến hỏi thăm, tặng quà. Những món quà tuy không lớn, nhưng đối với chúng tôi thật quý giá và cảm động. Nhờ vậy mà phần nào nguôi ngoai đi những nỗi buồn”.

Ông Hoàng Xuân Việt cho biết thêm: “Năm 2013, Chính phủ ban hành hướng dẫn một số chế độ, chính sách ưu đãi đối với nạn nhân CĐDC. Thế nhưng, do thiếu hướng dẫn cụ thể tại địa phương nên đến thời điểm này, nhiều đối tượng nhiễm CĐDC vẫn chưa được hưởng trợ cấp của Nhà nước”. Trường hợp của ông Nguyễn Văn Bình (xóm Yên Trung, Thạch Hương) là thương binh, mắc rất nhiều chứng bệnh và được xác định là nhiễm CĐDC. Con trai ông là nạn nhân CĐDC, năm nay đã 31 tuổi mà trông như một đứa trẻ, hiện đang hưởng chế độ. Là đối tượng phơi nhiễm chất độc hóa học, nhưng hiện ông Bình vẫn chưa được thông qua thủ tục để giám định nhiễm CĐDC, trong khi, sức khỏe của ông ngày càng yếu. Trong tiếng thở dài khó nhọc, ông Bình thều thào: “Có khi đến lúc nhắm mắt xuôi tay, tôi mới được hưởng chính sách”.

Cũng theo ông Việt, những người nhiễm CĐDC, bản thân họ nhiều khi còn ngại không đi làm thủ tục để được hưởng chính sách của Nhà nước. Nhiều đối tượng là nạn nhân, nhưng do mặc cảm, tự ti nên không làm thủ tục hưởng chế độ. Bởi vậy, những quan tâm, động viên, sẻ chia của cộng đồng là “liều thuốc” tốt nhất để họ vượt qua mặc cảm bệnh tật, hòa nhập cộng đồng. Những tấm lòng dù nhỏ bé thôi, cũng nên dành một chút yêu thương gửi tới họ trong mùa xuân này…

Theo số liệu điều tra năm 2013, Hà Tĩnh có hơn 13.000 người bị phơi nhiễm CĐDC, nhưng đến nay, chỉ có trên 6.053 người được công nhận là nạn nhân CĐDC/dioxin và hưởng chế độ của Nhà nước. Còn lại hơn 7.000 đối tượng do nhiều nguyên nhân, chưa được hoặc đang xem xét giải quyết chế độ. Trong số nạn nhân đã được hưởng chế độ, có 3.423 người cần phải điều trị, 1.336 hộ có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn, 769 hộ có nhà phải sửa chữa và làm mới, 1.770 nạn nhân cần được nuôi dưỡng tập trung, phục hồi chức năng, dạy nghề và giải quyết việc làm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast