Nhớ thương còn mãi!

(Baohatinh.vn) - Có một ngày đặc biệt trong năm mà từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ quên, đó là ngày giỗ anh tôi. Anh là con trai cả của bác ruột tôi, đi bộ đội và hy sinh trong chiến trường miền Nam năm 1970, khi vừa tròn 20 tuổi.

Lúc ấy tôi chưa ra đời. Ký ức về anh là những câu chuyện kể của bố mẹ, của bác tôi hay những người hàng xóm. Mẹ tôi bảo rằng, mùa thu năm 1968, anh hoàn thành bậc học phổ thông. Dáng anh gầy gò nhưng gương mặt thanh tú, điển trai, tính tình vui vẻ, hài hước. Đi làm hợp tác, anh nhanh nhẹn, hoạt bát, hay giúp đỡ mọi người nên ai cũng yêu cũng quý. Anh thường đến nhà tôi chơi, kể cho mẹ tôi nghe về rất nhiều điều anh mơ ước. Nào là sửa soạn lại căn nhà cho bố mẹ và các em, nào là đi làm để đủ cơm ăn áo mặc hằng ngày... Tình yêu trong anh cũng bắt đầu chớm nở nhưng anh chưa dám ngỏ lời.

Nhớ thương còn mãi!

Một bà mẹ tiễn con lên đường ra trận ở Vinh, Nghệ An năm 1970. Ảnh tư liệu/minh họa.

Thế rồi năm ấy, chiến trường miền Nam bước vào thời kỳ ác liệt. Anh và rất nhiều thanh niên trong làng xung phong lên đường nhập ngũ. Trước sứ mệnh thiêng liêng, anh gác lại ước vọng thanh xuân, khép trang vở khi dòng lưu bút còn đang viết dở. Ngày tiễn anh đi, trời mưa như trút, anh ôm chặt lấy bố mẹ và mấy đứa em hứa hẹn bao điều.

Có vài lần bác nhận được thư anh, anh bảo nhớ nhà, nhớ quê hương nhiều lắm, chiến trường bom đạn ác liệt nhưng đồng đội luôn nắm chặt tay nhau, yêu thương nhau hết mực và luôn nhường cơm sẻ áo. Lúc nào anh cũng dặn bố mẹ ở nhà cứ yên tâm nuôi nấng, dạy dỗ các em. Hòa bình con sẽ về. Vậy mà, chẳng bao lâu tờ giấy báo tử của anh từ chiến trường gửi về như tiếng sét bên tai làm bác như chết đi sống lại không biết bao lần. Không biết chính xác thời điểm anh hy sinh nhưng bác lấy ngày nhận được tin làm ngày giỗ cho anh đó là ngày 15/6 âm lịch.

Nhớ thương còn mãi!

Mẹ ngồi đợi con về (tranh: Minh Sơn)

Tôi nhớ như in, hình ảnh bác tôi chiều chiều ra trước ngõ, mắt nhìn xa xăm về phía cuối chân trời, ánh mắt trầm ngâm, mờ đục, miệng lẩm bẩm khấn nguyện điều gì rất lâu. Những hôm mưa bão trắng trời, bác thẫn thờ ngồi bên khung cửa ôm chiếc áo của anh sót lại. Càng gần ngày giỗ anh, đêm nào bác cũng ôm lấy di ảnh con, nước mắt chảy dài. Đã đành là anh hy sinh vì Tổ quốc nhưng nỗi đau không tìm thấy mộ anh vẫn còn theo năm tháng. Những cuộc tìm kiếm cứ kéo dài, hễ có manh mối là gia đình, họ hàng đều tìm đến.

Gần 70 tuổi, bác bị tai biến nặng, bác lẩn thẩn chẳng nhớ gì nhiều ngoài tên anh. Trước lúc lâm chung, bác vẫn dặn các con không được từ bỏ ý định tìm anh. Ở làng tôi lúc ấy có rất nhiều gia đình cùng cảnh như thế!

Hơn 50 năm đã trôi qua, anh tôi và rất nhiều đồng đội của anh đã yên nghỉ đâu đó trong lòng đất mẹ. Những bậc sinh thành các anh giờ kẻ mất, người còn nhưng những cuộc kiếm tìm chưa bao giờ ngừng nghỉ. Máu thịt của các anh đã hóa phù sa cho cây đời xanh tốt. Trong mây gió, hẳn các anh mỉm cười hạnh phúc vì quê hương thanh bình, từng ngày thay da đổi thịt.

  • Nhớ thương còn mãi!
    “Những buổi ngày xưa vọng nói về”

    Tháng Bảy, suốt 75 năm qua đã trở thành tháng tri ân của cả dân tộc Việt Nam. Vào những ngày tháng Bảy, trong tâm khảm bao người lại thầm thì: “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về” (*), để rồi trong lòng người lại thôi thúc những nghĩa cử ấm áp và chan chứa nghĩa tình, thôi thúc những khát vọng dựng xây đất nước…

  • Nhớ thương còn mãi!
    “Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau...”

    Những ngày tháng 6, người Hà Tĩnh có chung một niềm thương nhớ. Niềm thương nhớ mang tên Hồ Chí Minh. Niềm thương nhớ ấy bắt nguồn từ một ngày mùa hè ngan ngát hương sen khi Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh. Niềm thương nhớ như một chiếc đàn trong ký ức của nhiều thế hệ, bất kỳ lúc nào chạm vào cũng ngân lên những giai điệu xúc động và tự hào...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast