Thăm vườn Nguyễn, nhớ kỷ niệm với bác sỹ người Anh về Truyện Kiều

(Baohatinh.vn) - Bây giờ, khi quê hương đang chuẩn bị kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, tôi lại nhớ kỷ niệm lần về thăm vườn Nguyễn với Thomas - một bác sỹ người Anh.

Thăm vườn Nguyễn, nhớ kỷ niệm với bác sỹ người Anh về Truyện Kiều

Tưởng nhớ đại thi hào, trong một số dịp đặc biệt, Khu lưu niệm Nguyễn Du đã đón du khách bốn phương về tham quan. Ảnh tư liệu Đậu Hà

“Nghi Xuân là huyện ven biển, hữu ngạn sông Lam phía Đông Bắc của tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam 13.40 pm 2019” - Tôi đã thực sự xúc động khi đọc được những dòng chữ tưởng chừng rất đơn giản này trong cuốn sổ tay đi đường của Thomas. Anh là bạn của chị tôi. Khi đến Việt Nam, Thomas khăng khăng đòi gặp bằng được đứa em nhà văn mà chị tôi có lần đã kể. Và cũng khăng khăng đòi tôi phải đưa anh đến vườn Nguyễn.

Ấy là một ngày mưa sụt sùi, vườn Nguyễn vắng lạnh, phủ đầy xà cừ rải vàng khắp lối đi như đưa chúng tôi lạc vào một cõi xa xăm vô định nào đó. Thú thật, ban đầu tôi hơi ngần ngại vì anh là một bác sỹ, liệu có đủ lòng để hiểu sâu sắc và yêu mến văn chương ở một đất nước xa lạ về ngôn ngữ. Hơn nữa, Truyện Kiều lại có rất nhiều những điển cố, điển tích mà ngay cả người Việt Nam cũng không mấy ai hiểu hết.

Tôi bước song song bên Thomas, cố cầm chừng nhịp đi để có thể giới thiệu với anh được nhiều điều về xuất xứ và lai lịch Nguyễn Du. Thomas nghiêm cẩn lắng nghe qua người thông ngôn là chị tôi, thi thoảng quay sang cười thú vị khi tôi nói đến những câu thơ hay trích từ Truyện Kiều hoặc khi tôi lấy các tích cũ, giải thích một cách tâm linh để Thomas hiểu về vùng đất khoa bảng có nhiều người đỗ đạt này một cách dễ hiểu nhất;

về làng Tiên Điền có nhiều địa điểm gắn với danh thế và sự tích của dòng họ; về một mô đất cao, nhìn từ xa như một cái ấn vuông mà người dân ở đó gọi là cái ấn nổi. Sau đó, còn có một doi đất chạy dài, trông hình như cái bút lông. Cả đám đất ấy được gọi là gò Bút. Người ta tin rằng, có thế đất ấy nên làng này mới có người văn chương kiệt xuất.

Thăm vườn Nguyễn, nhớ kỷ niệm với bác sỹ người Anh về Truyện Kiều

Những kỷ vật về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du được lưu giữ, trưng bày trong khu lưu niệm đã giúp Thomas hiểu sâu hơn về những giá trị mà đại thi hào để lại cho hậu thế. Ảnh Võ Khánh

Thomas ngồi nghỉ bên ghế đá ngay dưới gốc cây thông phủ đầy lá rụng. Anh cẩn thận lấy sổ tay ghi chép rất nhiều điều. Anh mua nhiều sách nghiên cứu, các bản in Truyện Kiều và cẩn thận cất vào ba lô. Tôi ngồi kế bên, lục lọi những kiến thức đã được học về vùng đất duyên hải này để có thể nói cho một du khách hiểu hơn về quê hương tôi. Thomas chăm chú nhìn lên bầu trời.

Những cánh chim bạt gió chấp chới vạch ngang bầu trời phù thũng. Tôi tự nhủ trong lòng, giá như anh đến đây vào mùa xuân hay mùa hè thì sẽ thấy được không gian lễ hội sôi động và rất nhiều du khách để anh không còn thấy sự trống vắng của mênh mông vườn Nguyễn. Thomas hình như không để ý đến những điều tôi nghĩ. Hay đúng ra, những điều tôi lo ngại hóa ra lẩn thẩn khi chính anh thốt ra một câu tiếng Việt đơ đớ rằng: “Đây mới là vườn Nguyễn”.

Không thể dùng bất cứ từ ngữ nào để diễn tả tâm trạng tôi lúc đó. Không, anh không thể là một bác sỹ, cũng không thể là một nhà khoa học mà anh đúng là một học giả, một nhà nghiên cứu văn hóa, một người say mê Truyện Kiều và tiếng Việt mới có thể nói một câu đầy ý nghĩa như thế. Tôi ngại ngần thú nhận với chính mình rằng, đây là lần thứ hai tôi thấy chuyến đi của mình thực sự có ý nghĩa.

Thăm vườn Nguyễn, nhớ kỷ niệm với bác sỹ người Anh về Truyện Kiều

Không gian Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh P.V

Tôi kể cho Thomas nghe chuyến đi thứ nhất đến vườn Nguyễn cùng một nhà thơ. Nhà thơ đến gặp nhà thơ, vai trò của tôi lúc ấy chỉ là một người đưa đường nhưng tôi thấy gần gũi và thiêng liêng lắm. Tôi thấy mình như một cầu nối linh cảm giữa hai người, hai thế hệ trong sự im lặng cảm thông đầy sâu sắc.

Khi nhìn hai nhà thơ trẻ kính cẩn chắp tay trước bậc tiền bối, tôi bỗng nhớ đến câu nói: “Truyện Kiều đã dạy cho con người ta biết trân trọng cả những nỗi buồn của con người, vì thế mà sống nhân ái hơn, bao dung hơn với đời”.

Chiếc xe vun vút lao đi trong mưa. Con đường làng quanh co đem chúng tôi ra mộ Nguyễn Du. Mộ cụ nằm giữa cánh đồng mênh mông gió. Những bụi hoa dại trắng muốt xập xòe nở bên mộ cụ e ấp. Dừng chân bên mộ cụ, ai cũng đều có một cảm giác u trầm thấm thía, đầy cảm xúc nội tâm thế sự và xót thương thân phận của cụ với những người cùng khổ.

Thăm vườn Nguyễn, nhớ kỷ niệm với bác sỹ người Anh về Truyện Kiều

Những hiện vật về cuộc đời Đại thi hào Nguyễn Du luôn gây xúc động sâu sắc đối với các thế hệ. Ảnh Võ Khánh

Lại nhớ đến câu thơ nghiền ngẫm buồn thương và bế tắc: “Tráng sỹ bạch đầu bi hướng thiên/ Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên” (Tráng sỹ ngẩng mái đầu tóc bạc bi thương than với trời xanh: chí lớn một đời và miếng ăn hàng ngày cả hai đều mờ mịt).

Tôi đọc hai câu thơ đó một cách vô thức rồi quay sang Thomas. Tự nhiên thấy anh đang nhìn tôi chăm chú. Thomas đang định nói điều gì đó nhưng rồi im lặng. Tôi nói với Thomas, tôi muốn đưa anh đi xem những doi cát dài giữa ngã ba sông đổ xuôi ra biển.

Ở đó nhờ gió thổi, hoặc sóng dồn, những doi cát cứ nhấp nhô cao thấp. Chỗ cao là những cồn, chỗ thấp là những vùng đất trũng. Làng mạc do dân chài, dân cày xây dựng theo chiều dài bờ biển. Mỗi buổi chiều, đi, đứng ở bất cứ vị trí nào, bên cảnh trời xanh, sóng bạc, ánh tà dương nhuộm thắm một vùng là người dân Nghi Xuân ở đây cũng có thể cất cao tiếng hát.

Tôi cũng muốn nói thêm với Thomas nhiều điều về làng Tiên Điền, về những ảnh hưởng tốt đẹp từ ngôi làng đó tới các làng quây quần xung quanh, tạo nên một non nước Hồng Lam nổi danh trong lịch sử.

Chia tay nhau, Thomas bắt tay tôi rất chặt và ngập ngừng đọc một câu Kiều: “Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không”. Đúng là Thomas! Đến phút cuối cùng rồi anh vẫn còn mang lại cho tôi những điều quá đỗi bất ngờ. Tôi nắm chặt tay anh rạng cười: “Có Thomas ạ, cái duyên đã cho mình gặp nhau trong vườn Nguyễn. Đó là mối duyên tuyệt vời, sẽ khiến tôi nhớ mãi”.

Tiếc rằng, những tấm ảnh tôi ghi lại cuộc gặp gỡ giữa tôi và Thomas, giữa Thomas với cuộc đời và sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du đã bị mất trong một sự cố. Chiều nay, một mình đi trong vườn Nguyễn, tôi vẫn hình dung ra dáng ngồi của Thomas khi anh nói: “Đây mới là vườn Nguyễn”.

Vườn Nguyễn nay đã trở thành một khu di tích đặc biệt cấp quốc gia. Hằng năm, Khu lưu niệm Nguyễn Du đón nhận rất nhiều tình cảm của du khách trong nước và quốc tế. Tôi thầm nghĩ, rồi sẽ có những người yêu Truyện Kiều hết mình như bạn tôi, để cho chúng tôi - những người con trên quê hương biết yêu thêm và biết gìn giữ những di sản quý giá mà cha ông để lại.

Chủ đề 255 NĂM NGÀY SINH ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast