Tiến sỹ Văn học và bảo tàng văn hóa ở làng quê Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Luôn tâm niệm lưu giữ hiện vật quá khứ ngay trên quê hương, Tiến sỹ Văn học Nguyễn Quang Cương (SN 1957) đã cho ra đời Bảo tàng Hoa Cương (thôn Chân Thành, xã Bình An, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).

Người lưu giữ quá khứ

Tiến sỹ Văn học và bảo tàng văn hóa ở làng quê Hà Tĩnh

Tiến sỹ Văn học Nguyễn Quang Cương từng có 40 năm giảng dạy tại Trường Đại học Quy Nhơn.

Gặp vị TS. Nguyễn Quang Cương tại thôn Chân Thành, xã Bình An (huyện Lộc Hà) sau rất nhiều lần hẹn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước “gia tài tinh thần” đồ sộ của ông.

Ngay từ những ngày thơ bé, “báu vật” của cậu học trò quê Lộc Hà Nguyễn Quang Cương chính là những tấm giấy khen đầy tự hào. Nhiều lần thất lạc kỷ vật đã khiến cậu học trò cấp 3 ngày ấy ý thức hơn việc cất giữ kỷ niệm của bản thân.

Tiến sỹ Văn học và bảo tàng văn hóa ở làng quê Hà Tĩnh

Năm 2004, TS. Nguyễn Quang Cương sáng lập Nhà Khuyến học Hoa Cương tại thôn Chân Thành, xã Bình An.

40 năm làm “người lái đò” tại Trường Đại học Quy Nhơn nhưng TS. Cương vẫn luôn đau đáu về ước mơ xây dựng một công trình bảo tồn văn hóa ngay tại quê hương. Năm 2004, ông bỏ ra hàng tỷ đồng để xây dựng Nhà Khuyến học Hoa Cương ở thôn Chân Thành, xã Bình An. Địa điểm này đã trở thành không gian văn hóa cho cả vùng quê.

Với gần 2 vạn đầu sách, nhà khuyến học đã đáp ứng được niềm “khát sách” của người dân và dấy lên phong trào học tập ở xã Bình An cùng các vùng lân cận. Nhà Khuyến học Hoa Cương được Bộ Văn hóa - Thông tin đánh giá là thư viện tốt nhất trong 47 thư viện tư nhân trên cả nước thời bấy giờ.

Tiến sỹ Văn học và bảo tàng văn hóa ở làng quê Hà Tĩnh

Suốt 50 năm, ông dành trọn tâm huyết tìm tòi các hiện vật cổ quý hiếm còn lưu lại trên khắp mọi miền đất nước.

Không chỉ dừng lại ở đó, ông đã dành trọn tâm huyết của mình tìm tòi các hiện vật cổ quý hiếm còn lưu lại trên khắp mọi miền đất nước. Đổ mồ hôi, công sức và cả tiền bạc để tìm kiếm những hiện vật cổ có niên đại hàng trăm triệu năm gắn với đời sống của người Việt, TS. Nguyễn Quang Cương đã từng bước hiện thực hóa giấc mơ của mình.

“Tôi muốn ngược nguồn thời gian để tầm tìm những hiện vật cổ - di sản của quá khứ đang bị mai một. Tôi sợ quá khứ sẽ làm phôi phai, mất bóng những giá trị truyền thống...”- TS. Cương bày tỏ.

Hiện thực giấc mơ bảo tàng văn hóa

Tiến sỹ Văn học và bảo tàng văn hóa ở làng quê Hà Tĩnh

Bảo tàng Hoa Cương nằm sát Quốc lộ 281 (đường 22/12 cũ).

Càng yêu quá khứ, càng vội vã với thời gian, năm 2017, Tiến sỹ Nguyễn Quang Cương cùng vợ là Trần Thị Nguyệt đã bắt tay xây dựng Bảo tàng Hoa Cương từ nhà khuyến học cũ. Đến nay, công trình tâm huyết đã hoàn thành sau hành trình 50 năm tìm kiếm, lưu giữ hiện vật và xây dựng theo các quy định, nghiệp vụ của bảo tàng.

Tháng 7/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định số 2067/QĐ-UBND ngày 3/7/2020 về việc thành lập Bảo tàng Hoa Cương và sẽ được khai trương vào ngày 9/11 sắp tới.

Tiến sỹ Văn học và bảo tàng văn hóa ở làng quê Hà Tĩnh

Quyết định thành lập Bảo tàng Hoa Cương của UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng các hồ sơ về bảo tàng.

Trung tâm bảo tàng có 1.000m2 trưng bày 4.000 hiện vật và 3.700 đầu sách, tài liệu, bút tích, hình ảnh quý hiếm theo 13 chủ đề, phản ánh khá đa diện về truyền thống của người Việt.

Trong số 4.000 hiện vật đã được lập hồ sơ, Bảo tàng Hoa Cương còn là bảo tàng có nhiều kỷ vật đặc biệt quý hiếm như: khối mộc hóa thạch 300 triệu năm, bộ dụng cụ bằng đá thời tiền sử có niên đại trên 4.000 năm cùng hàng ngàn hiện vật cổ xưa có từ thời Lý - Trần - Lê, thời nhà Nguyễn, thời chiến tranh và bao cấp sau này...

TS. Cương cũng đã dành riêng một chủ đề về biển đảo để trưng bày các ngư cụ truyền thống, biểu tượng Hoàng Sa, Trường Sa...

Tiến sỹ Văn học và bảo tàng văn hóa ở làng quê Hà Tĩnh

Thiên về nông nghiệp, nông thôn, Bảo tàng Hoa Cương đã khái quát nhiều phương diện của đời sống người Việt theo dọc chiều lịch sử.

TS. Nguyễn Quang Cương tâm sự: “Điều mong muốn của tôi đó là khách tham quan sẽ được thưởng lãm, soi vào những truyền thống tốt đẹp để từ đó thức tỉnh, sinh dưỡng tình yêu Tổ quốc, quê hương. Hơn hết, tôi còn muốn nơi đây trở thành trường học truyền thống để giáo dục thế hệ trẻ lưu giữ và phát huy tinh hoa của dân tộc”.

Thiên về nông nghiệp, nông thôn, Bảo tàng Hoa Cương đã khái quát nhiều phương diện của đời sống người Việt theo dọc chiều lịch sử, nhất là từ thời nhà Nguyễn đến nay.

Để có hiện vật trưng bày, vị tiến sĩ đã liên hệ với nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa trong nước để tham khảo, trợ giúp. Khi hình thành, bảo tàng cũng được trưng bày, xử lý khoa học bởi các cán bộ của Bảo tàng Hà Tĩnh.

Tiến sỹ Văn học và bảo tàng văn hóa ở làng quê Hà Tĩnh

Một trong những hiện vật cổ quý hiếm tại bảo tàng là mộc hóa thạch có niên đại 300 triệu năm.

Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết: Mỗi hiện vật ở Bảo tàng Hoa Cương là một giá trị văn hóa to lớn không thể đong đếm bằng vật chất. Chúng tôi cũng xác định, Bảo tàng Hoa Cương sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa giáo dục truyền thống cội nguồn cho thế hệ trẻ, đồng thời cũng sẽ trở thành một điểm đến du lịch của huyện. UBND huyện sẽ luôn đồng hành cùng TS. Nguyễn Quang Cương để xây dựng bảo tàng trở thành quần thể mang đậm hồn cốt Việt Nam, thu hút đông đảo du khách thập phương.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast