Chữa rắn cắn cứu người

Trong một lần qua xóm đạo thanh bình ở xã Thanh Lộc (Can Lộc), tình cờ chúng tôi nghe được câu chuyện lạ về người đàn bà có khả năng chữa rắn độc cắn nên tò mò tìm đến nhà chị...

Cùng bệnh nhân "vượt cửa" tử thần

Chị tên Hanh, là người có thể chữa trị cho người bị rắn độc cắn chỉ với vài ba vị thuốc nam góp nhặt gần nhà như: lá giới (miền Bắc gọi là lá cây ruối), sả … Hầu như bệnh nhân nào đến với chị cũng được chữa khỏi với điều kiện là người đó phải garo ngay sau lúc bị rắn cắn. Những vị thuốc chị sắc lên cho bệnh nhân uống 4 đến 5 bát trong 15 đến 20 phút. Uống xong, chờ khoảng 20 đến 30 phút sau chị tháo garo cho bệnh nhân. Với những trường hợp được cứu chữa kịp thời thì chỉ chừng đó là bệnh nhân khỏi hẳn, còn những trường hợp nặng hơn thì phải cần 2 đến 3 thang thuốc của chị độc mới tiêu hết.

Chị Hanh đã cứu giúp nhiều người khỏi "lưỡi hái" tử thần
Chị Hanh đã cứu giúp nhiều người khỏi "lưỡi hái" tử thần

Nói về nguồn gốc phương thuốc chữa rắn cắn, chị Hạnh chia sẻ: “Chồng tôi chính là nguời truyền lại cho tôi phương thuốc này nhưng trước đó, tôi cũng không rõ là anh học từ đâu. Từ khi chúng tôi biết đến phương thuốc chữa rắn cắn thì tôi cũng không thể nào đếm xuể là bao nhiêu người được chữa nhưng chủ yếu là những người lân cận quanh vùng”.

Chị Hạnh từng chữa cho hàng trăm người nhưng không trường hợp nào giống trường hợp nào. Có những trường hợp thật đơn giản nhưng cũng có những trường hợp rất khó khăn. Ai chủ quan, lơ là không kịp thời sơ cứu khi bị rắn cắn thì tình trạng bệnh nhân càng trở nên tồi tệ. Một phần nữa là do mức độ độc khác nhau của từng loại rắn và vị trí vết thương, nếu vết cắn mà ở những nơi như tay hay những nơi lắm mạch máu thì độc phát tán rất nhanh và gây nguy hiểm hơn ở bắp thịt.

Có những người bệnh khi được đưa đến nhà chị thì không không còn tỉnh táo nữa vì đã để quá lâu và đã để cho độc xâm nhập. Tình trạng bệnh nhân khi ấy không mở được mắt, mê man, nôn mửa, thậm chí có cả những trường hợp đã bị ngọng mồm nhưng cuối cùng nhờ sức chiến đấu mạnh mẽ với cái chết cùng sự trợ giúp của phương thuốc quý mà họ đã qua khỏi cơn nguy kịch.

Tôi đã tìm đến với một vài bệnh nhân từng được chị cứu chữa. Chị Mai ở Yên Lôc (Can Lộc) kể lại những giây phút kinh hoàng khi chị bị rắn cắn: “Khi được đưa đến nhà cô Hanh tôi nôn rất nhiều, người đã mê man, tôi nghĩ rằng mình không thể qua khỏi và gia đình tôi định đưa tôi đi bệnh viện nhưng bệnh viện rất xa. Sau cùng, nhờ lời can ngăn và đảm bảo của cô ấy, sau vài bát thuốc sắc tôi dần dần tỉnh lại và thoát khỏi nguy kịch”.

Anh Huyên từng bị rắn hổ mang phun độc vào mắt cũng kể: Lúc đó, tôi không thể mở được mắt, đau nhức như thể nó sắp nổ. Khi đến nhà chị Hanh và chị xem mắt thì chỉ thấy toàn tròng trắng. Vì độc dính vào mắt nên chị không thể áp dụng phương thức cứu chữa như ở các vị trí khác trên cơ thể bệnh nhân. “Cái khó ló cái khôn”, chị góp thuốc, xông và cho bệnh nhân uống. Gần một buổi thì anh mở được mắt và dần bình phục.

Ông Ngưu Đồng ở xã Vĩnh Lộc (Can Lộc) có đứa con trai đi chăn trâu buổi chiều ngoài đông, chơi rắn cạp nia, vô tình bị răng rắn quẹt vào tay nhưng không để ý. Đêm về cháu kêu mệt, được một lúc thì mắt trợn trắng. Cả gia đình phải đưa cháu đến nhà chị Hanh giữa đêm khuya. Chị và chồng, cùng mấy anh con trai chạy đi tìm thuốc giữa đêm lạnh, mưa rả rích. Lúc đó, mọi người phải nạy mồm bệnh nhân mới đổ được thuốc. Với cháu này phải uống đến 2 chén thuốc mới lành hẳn.

Chị Hạnh kể: “Bệnh nhân của tui là những người đi đồng, đi rú rừng bị rắn cắn. Họ cũng nghèo nên tui chẳng tính công hoặc chỉ lấy dăm đồng cho gọi là có. Tôi chữa rắn cắn để làm phúc chứ chẳng phải làm nghề”.

Nhiều bệnh nhân đã tìm lại để tạ ơn chị khi là gói bánh, gọi kẹo khi là mớ chè, mớ rau… Chị đã truyền dạy cho con cái trong nhà biết phương thuốc để họ cũng cứu người, phòng khi chị không có nhà thì họ thay mẹ chữa cho bệnh nhân.

Người chồng quá cố và “của để dành” cho người vợ hiền

Khi được hỏi về người chồng quá cố,̀ chị Hạnh ngậm ngùi, thổn thức mãi mới kể hết câu chuyện, đôi khi bị đứt quãng vì những tiếng nghẹn ngào. Người góa phụ ấy dường như trở nên nhỏ bé đi trước chúng tôi. “Có lẽ đó cũng là số phận, số tôi phải xa chồng và chồng tôi không được hưởng những ngày hạnh phúc khi chứng kiến các con trưởng thành”, chị kể - "Hồi đó, nhà chị nuôi rắn để bán. Hôm ấy, có ông khách từ trong thị xã ra mua rắn. Chồng chị mang rắn qua nhà em trai để cân thì vô tình bị rắn cắn ở ngón tay áp út, vị trí nguy hiểm mà độc có thể phát tán rất nhanh. Ngay khi bị cắn thì khắp các mạch máu dọc cánh tay chồng chị đỏ lên. Anh đã tự buộc garo rồi tự kiếm một vị thuốc nhai nhỏ và đắp vào vết thương. Trong khi chị đang đi góp thuốc để sắc cho anh thì anh tháo garo và vẫn đi lại nói chuyện với những người quanh xóm. Tuy nhiên, khoảng hai giờ đồng hồ sau khi bị cắn chồng chị bắt đầu ngọng mồm, không thể điều khiển được ngôn ngữ nữa. Quá hoảng loạn, gia đình chị đưa anh đi bệnh viện. Hồi đó, tình cảnh khó khăn, gia đình chị chuyển anh đi bệnh viện bằng cách buộc hai đầu võng vào hai chiếc xe đạp, cho anh nằm lên đó và chở đi trong khi bệnh viện đa khoa huyện cách nhà chừng 7 – 8 km. Bệnh viện cũng bất lực. Chị đớn đau nhìn chồng ra đi. Anh để lại cho chị một gánh nặng gia đình với 3 đứa con trai nhỏ và một đứa con vẫn đang mang trong bụng".

Lúc anh mất thì chị đang mang thai đứa con út ở tháng thứ 5. Những chấn động tinh thần đã ảnh hưởng đến thai nhi. Con gái chị sinh ra rất nhỏ, bỏ lọt thỏm trong lòng bàn tay. Chị đã sợ sẽ không giữ được con, nhưng tấm lòng người mẹ vẫn cố gắng để nuôi con từng ngày. Con chị bây giờ không được bình thường như những đứa trẻ khác. Chị buồn nhiều vì điều đó. Nhưng chị còn buồn hơn khi chồng chị không kịp nhìn đứa con gái duy nhất mà anh đã háo hức đón chờ và con gái chị chưa một lần được gọi tên bố.

Nỗi mất mát ấy chính là động lực để chị tiếp tục chữa bệnh cứu người, dù mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân là một lần chị găp lại nỗi đau cũ. Chị không muốn một ai phải chịu những thiệt thòi, đớn đau như gia đình chị nữa.

“Phương thuốc chữa rắn độc cắn và những đứa con là của cải lớn nhất mà chồng tôi để lại cho tôi. Tôi thay anh dưỡng dục chúng và sẽ truyền lại cho các con bài thuốc ấy để chúng cũng sống như anh, luôn hết mình với mọi người”. Những lời ấy của chị vẫn ám ảnh mãi bước chân tôi.

Lời khuyên cho người bị rắn cắn:

Rắn độc thường là rắn cạp nia, cạp nong, hổ mang, lục xanh, rắn khoang đen khoang vàng ...

Vài phút sau khi bị rắn độc cắn, vết thương đau nhức, sưng tấy, bầm tím; sau đó phù nề và chảy máu dưới da. Tình trạng này lan ra xung quanh vết cắn; nạn nhân bị nổi hạch khu vực.

Vài giờ sau, nạn nhân cảm thấy bồn chồn, mạch nhanh và không đều, khó thở, đồng tử co nhỏ, vã mồ hôi lạnh, nôn ra mật và máu, tê bại chân tay, mê man, có thể tử vong rất nhanh.

Khi bị rắn độc cắn, phải tiến hành cấp cứu ngay bằng cách buộc ga-rô tĩnh mạch phía trên vết cắn khoảng 3-4 cm. Chú ý ga-rô sao cho ngăn được máu tĩnh mạch chảy về tim nhưng không cản trở lưu thông máu động mạch, tức là vẫn bắt mạch được ở đoạn chi phía dưới. Nạn nhân cần được ủ ấm toàn thân, chườm lạnh chi bị rắn cắn, cho uống nhiều nước chè đường hoặc nước chanh, nước râu ngô. Cần nhanh chóng chuyển nạn nhân đến bệnh viện hoặc người có thể chữa rắn cắn để được xử trí kịp thời.

Theo Báo Sức Khoẻ & Đời Sống

Nguyễn Thị Xoan

Xóm Thanh Mỹ, xã Thanh Lộc, Can Lộc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast