“Tranh cãi” tác quyền liveshow Khánh Ly, Cục Nghệ thuật biểu diễn lên tiếng

Ông Đào Đăng Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết vẫn còn nhiều vướng mắc xung quanh vấn đề thu tiền bản quyền của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Cách đây ít ngày, nhạc sĩ Phó Đức Phương, đại diện cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã xảy ra “cự cãi” với đơn vị tổ chức show diễn của ca sĩ Khánh Ly tại Hà Nội và Đà Nẵng về việc đơn vị này không thanh toán tiền tác quyền cho Trung tâm. Vụ việc dấy lên nhiều ý kiến trái chiều, có người đồng tình với đơn vị tổ chức, có người lại đồng cảm với nhạc sĩ Phó Đức Phương và VCPMC.

Nữ danh ca Khánh Ly bật khóc trong đêm nhạc ngày 8/8 tại Đà Nẵng
Nữ danh ca Khánh Ly bật khóc trong đêm nhạc ngày 8/8 tại Đà Nẵng

Nhạc sĩ Quốc Trung ủng hộ việc thu tiền bản quyền; nhưng anh cho rằng có tình trạng rối ren trong việc thu phí tác quyền âm nhạc hiện nay là do năng lực của người thực thi việc thu tiền tác quyền.

“Đã gần 20 năm xây dựng văn hoá tôn trọng bản quyền ở Việt Nam thì đến nay cảnh vị phạm bản quyền âm nhạc vẫn tràn làn, các quan hệ vẫn như kiểu chợ búa. Hình ảnh của một ông giám đốc Trung tâm "bảo vệ" bản quyền ăn vạ như vậy thì dễ dàng hình dung được quy mô năng lực của họ đến đâu. Hãy tự đặt một câu hỏi đơn giản là tại sao VCPMC lại phải "vất vả " như vậy?... Nếu họ nắm vững luật pháp và thẩm quyền của mình thì đơn giản cứ mang BTC hay bầu show ra toà mà kiện. Không những thu được tiền mà còn được đền bù nhiều hơn, họ hoàn toàn có thể làm điều đó”, vị nhạc sĩ đã trả lời trên báo chí.

Ca sĩ - nhạc sĩ Bảo Lan lại cảm thấy chạnh lòng khi dư luận ồ ạt lên tiếng chỉ trích hành động đòi tiền bản quyền của nhạc sĩ Phó Đức Phương trong đêm nhạc Khánh Ly.“Trong một show diễn, quy mô kinh doanh khác nhau, mục đích biểu diễn khác nhau thì định mức thu phí hoàn toàn có thể thay đổi. Nhiều bầu show than rằng tiền tác quyền thu không đồng nhất vậy tại sao họ cũng không đồng nhất với mỗi lần mời ca sĩ trong mỗi chương trình ca nhạc. Ca sĩ nào cũng đều nghe họ trình bày về quy mô chương trình rồi mới dám đưa ra cát- sê, vậy nhạc sĩ tại sao không được quyền hưởng theo quy mô chương trình?

Tôi tin chắc rẳng nếu là một show diễn từ thiện, không bao giờ nhạc sĩ Phó Đức Phương lại khăng khăng đòi một khoản tiền lớn như vậy.Việc “có thương lượng” trong vấn đề thu phí là bất đắc dĩ vì không có bảng quy định cụ thể về kinh phí phải chi trả cho tác quyền. Cũng giống như nhạc sĩ bán độc quyền cho ca sĩ, tiền tác quyền sẽ phụ thuộc vào mục đích sử dụng, xếp hạng ca sĩ, thời hạn sử dụng và cả mối quan hệ giữa nghệ sĩ và ca sĩ”, Bảo Lan bày tỏ về việc các nhà tổ chức than phiền mức tiền tác quyền VCPMC thu không đồng nhất.

Đồng quan điểm với ca sĩ- nhạc sĩ Bảo Lan, nhạc sĩ Nguyễn Cường khẳng định: “Nhạc sĩ có quyền quyết định giá trị tác phẩm của mình”. Nhạc sĩ Anh Quân cũng cho rằng, tác phẩm cũng là mặt hàng, thuận mua vừa bán…

Trước dư luận trái chiều, ông Đào Đăng Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao &Du lịch đã lên tiếng về vấn đề này.

Ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Ảnh: Nguyễn Hoàng)
Ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Ảnh: Nguyễn Hoàng)

“Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam của nhạc sĩ Phó Đức Phương đã làm việc với Cục Nghệ thuật Biểu diễn, với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch về vấn đề thu tiền tác quyền âm nhạc. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc vì phía trung tâm chưa rõ ràng định mức thu, định mức chi trả phần trăm cho những nhạc sĩ đã ủy thác cho trung tâm. Tôi đã đề cập với nhạc sĩ Phó Đức Phương vấn đề phải có đơn giá rõ ràng để thu, chứ không thể thu ở nơi này khác, nơi kia khác. Phía Cục Nghệ thuật Biểu diễn luôn ủng hộ quyền thực thi quyền tác giả trên cơ sở Luật Sở hữu trí tuệ, ủng hộ dựa trên nguyên tắc và việc làm đúng”, ông Đào Đăng Hoàn bày tỏ quan điểm xung quanh việc đòi tiền bản quyền tác giả hai đêm nhạc Khánh Ly.

Trước thắc mắc của báo chí rằng, vấn đề thu phí bản quyền sẽ không rắc rối như hiện nay nếu khi cấp giấy phép cho chương trình, Cục Nghệ thuật Biểu diễn có quy định các đơn vị tổ chức biểu diễn phải thực hiện đầy đủ vấn đề bản quyền âm nhạc? Ông Đào Đăng Hoàn cho biết, Nghị định 79 và trước kia là quy chế về hoạt động nghệ thuật biểu diễn không quy định rõ việc đó.

“Chúng tôi là đơn vị quản lý nhà nước nên thẩm định và duyệt chương trình theo đúng nguyên tắc. Nếu đầy đủ các điều kiện, tức chương trình đảm bảo đủ các yếu tố về mặt nội dung, hình thức thì chúng tôi cấp phép”, ông nói.

Đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng khẳng định, trong giấy phép của Cục bao giờ cũng ghi rõ là đơn vị tổ chức phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về Luật Sở hữu trí tuệ, về vấn đề bản quyền. Tuy nhiên ông cho rằng, phía Cục không thể làm thay, không đi thu tiền bản quyền từ các đơn vị tổ chức.

Luật sư Trần Đình Triển: Các nhạc sĩ sáng tác ra sản phẩm, người sử dụng nó phải trả tiền là đúng. Đó là chúng ta đang bảo vệ các nhạc sĩ. Nhưng thu tiền như thế nào thì phải theo thông tư hướng dẫn chuyển của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch. Chúng ta phải phân biệt rõ những tác phẩm không được hưởng tiền bản quyền và những tác phẩm được hưởng tiền bản quyền.

Mặt khác, những tác phẩm nào sáng tác trên 50 năm là không còn giá trị. Thứ hai nữa, là các nhạc sĩ phải đi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ của mình với tác phẩm thì mới được hưởng bản quyền.

Trên cơ sở đó, các đơn vị tổ chức biểu diễn sẽ liên lạc làm việc với các tác giả theo đúng luật định. Thực tế, nhạc sĩ Phó Đức Phương mới chỉ có bản ủy thác của các nhạc sĩ nhưng văn bản đó chưa chắc đã đúng pháp luật. Những nhạc sĩ nổi tiếng như Văn Cao, Đỗ Nhuận… đã mất và không để lại di chúc thì những người đồng thừa kế đều đồng sở hữu, được hưởng các tác phẩm đó. Ví dụ như nhạc sĩ có 1 vợ, 3 người con thì 4 người đó phải ký chứ không phải 1 người được quyền ủy thác. Nếu ông chỉ ký với bà vợ hay một đứa con là không đúng. Đấy là làm không theo luật, mà là lách luật!

Theo Hà Thanh/dantri.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast