Vẫn là chuyện ý thức!

Đã gần 7 năm trôi qua kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị định quy định đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với người điều khiển xe mô tô khi tham gia giao thông. Cứ ngỡ chừng đó thời gian đã quá đủ để hình thành nên một thói quen văn hóa mới. Hóa ra chỉ là câu chuyện cũ, nhức nhối vẫn hiện hữu…

Sổ tay phóng viên

Bằng chứng là kể từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã xử phạt hơn 9.800 trường hợp vi phạm không đội MBH khi điều khiển xe mô tô tham gia giao thông. 1.633 trường hợp vi phạm bị xử phạt vào mỗi tháng - quả là một con số khổng lồ, đáng báo động! Người ta nghi ngờ rằng, ý thức chấp hành quy định đội MBH của một bộ phận người tham gia giao thông chỉ là để đối phó với lực lượng chức năng (?!)

Phần đông những người không đội mũ bảo hiểm là thanh niên. Ảnh: Hoàng Hà. Nguồn: ngoisao.net
Phần đông những người không đội mũ bảo hiểm là thanh niên. Ảnh: Hoàng Hà. Nguồn: ngoisao.net

Anh bạn tôi bảo: Bây giờ ra đường đủ thứ sợ, sợ cướp giật, sợ lừa đảo và sợ luôn cả những đối tượng đi xe không đội MBH. Về lý thuyết tưởng chừng như đã “làu làu”, đội MBH trước hết là bảo vệ chính tính mạng của bản thân mình, giảm thương vong đáng tiếc do tai nạn giao thông gây ra. Thế nên, đối với những kẻ “đầu đội trời” kia thì phải sợ cũng đúng. Bởi, tính mạng của chính mình họ còn chẳng quý thì còn nghĩ được cho ai. Chẳng thế mà, mấy bà hàng xóm gần nhà tôi hay đi bộ thể dục vào buổi tối cứ thỉnh thoảng lại “hồn xiêu, phách lạc” khi phát hiện thấy những đối tượng này. Bác Nguyễn Thị Thảo (phường Nam Hà – TP Hà Tĩnh) cho biết: “Đầu trần, chúng nó rồ máy, vít ga, chạy xe như bay, nhìn mà phát khiếp. Có lỡ nhìn thấy, tôi chỉ có nước tránh cho nhanh không lại rước họa vào thân”. Có người còn kịp tránh, còn không ít người phải chịu nỗi đau suốt đời vì những kẻ thiếu ý thức ấy. Thực trạng này càng phổ biến hơn ở các vùng nông thôn, đặc biệt là dịp lễ tết hay đám cưới, các “nam thanh, nữ tú” cứ thế thoải mái khoe phong cách!

Đội mũ bảo hiểm phải được hình thành như một thói quen văn hóa. Ảnh: Nguyễn Oanh

Đội mũ bảo hiểm phải được hình thành như một thói quen văn hóa. Ảnh: Nguyễn Oanh

Mới đây lại rộ lên chuyện MBH “thật” hay “giả”. Một lần nữa dư luận xôn xao, đồn thổi. Không ít người chủ động đổi mũ “có dán tem” cho mình, nhà kinh doanh cũng “thủ tiêu” loại mũ “làm cảnh” dùng để đối phó. Tất nhiên, phần nhiều vẫn là để đối phó! Bởi, nếu là vì mình thì người ta đã sắm cái mũ thật chắc chắn từ 7 năm về trước chứ chẳng phải đợi đến khi “rục rịch” có qui định mới! Đáng nói, dù là sự chuyển đổi ý thức hay đối phó thì số này cũng không nhiều, số đông lại thuộc về số còn lại… nghe ngóng xem luật lệ mới có thực hiện không thì mới chuyển đổi!

Thế rồi, chủ trương loại trừ MBH giả chưa thể thực thi. Người ta lại bắt đầu dần bẵng quên chuyện mũ thật, mũ dởm như quên một câu chuyện phiếm! Đâu đó, trên vỉa hè, vài hàng quán lại xuất hiện các loại mũ bắt mắt, đa dạng kiểu cách. Và, tiêu chí chọn MBH của khách hàng vẫn quen thuộc với nhu cầu màu gì, kiểu cách nào cho hợp thời thượng, loại nào cho tiện lợi mà chẳng nhiều người quan tâm xem nhà sản xuất nào, xuất xứ ra sao, đạt quy chuẩn gì… Thế mới thấy, việc chuyển đổi ý thức về đội MBH đúng quy định còn lắm gian nan!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast