Nhọc nhằn đời gánh thuê

Trong chuyến hành hương lên đỉnh núi Hồng Lĩnh để thắp hương, cầu Phật tại chùa Hương Tích, tôi có dịp làm quen với những người gánh thuê để hiểu thêm phần nào cuộc sống quá đỗi vất vả, cực nhọc của họ. Trên đôi gánh làm bằng những khúc cây sần sùi, để đưa những lễ vật nặng hàng chục ký băng đồi, vượt núi, leo dốc gần 10km để đến được điện thờ trên núi, họ phải gồng hết sức mình, có lúc gần như kiệt sức…

Đức đang còng lưng gánh vội hàng lên núi chi kịp đoàn du khách

Đoàn lên Hương Tích tự của chúng tôi gồm 6 người, đồ lễ vật, đồ phục vụ ăn uống lình kình phải ước nặng gần 30kg. Vì mỗi mình là nam nhi nên trách nhiệm của tôi là làm sao phải gồng gánh được toàn bộ lễ vật, đồ phục vụ ăn uống lên đến đỉnh núi. Đang loay hoay không biết phải vật lộn thế nào để đưa được hơn 90 kg (cả bản thân) vượt qua đoạn đường dài, qua 9 đỉnh non hồng thì một tốp người, già trẻ, lớn bé chạy tới cùng với đôi quang gánh trên vai: “Các cô, các chú ơi! Những đồ lễ kia không xách lên nổi đỉnh núi đâu, để cháu gánh lên cho! Một trăm năm mươi ngàn thôi các chú ạ! Không đắt đâu, đi rồi các cô chú mới biết!” – một cậu bé người nhỏ thó, trạc 17 tuổi quấn lấy chúng tôi mong được gánh thuê đồ lễ vật.

Phần thương vì bộ dạng cậu bé, phần nghĩ đường xa nên tôi tặc lưỡi: “Thôi, em ấy gánh cũng được, để chúng ta còn vào các đền, chùa thắp hương cho thoải mái...” Sau khi ngã giá xong, ngoài những đồ tế lễ, những đồ dùng ăn uống, áo ấm, giầy và nhiều thứ lặt vặt khác của những người trong đoàn, cậu bé tên Đức cho vào một bao tải cột lên gánh và bắt đầu hành trình leo dốc, vượt đồi lên đỉnh non Hồng. Hành trình từ điểm giữ xe đến chân núi phải mất gần 3 km. Tuy chưa phải trèo đèo, lội suối nhưng ai nấy trong đoàn đều ngả nghiêng, thở hổn hển vì quá mệt, mong tìm chỗ nghỉ tạm, thế mà Đức vẫn băng băng mặc cho những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt. Chỉ sau một lúc, đoàn chúng tôi đã bị Đức bỏ lại phía sau.

Với du khách, mang hơn 30 kg lên núi là điều hết sức khó khăn.

Với du khách, mang hơn 30 kg lên núi là điều hết sức khó khăn.

Đức sinh năm 1992 trong một gia đình có 2 anh em tại ngôi làng dưới chân núi thuộc xã Thiên Lộc (Can Lộc). Cha mất sớm, mẹ còm cõi một mình nuôi 2 anh em khôn lớn. Thời buổi khó khăn nên Đức cũng phải nghỉ học phụ mẹ nuôi em. Trước, em theo chân các bác trong xã đi phụ xây kiếm ngày dăm ba chục. Từ ngày du khách thập phương đến Hương Tích tự nhiều hơn, Đức chuyển hẳn sang nghề gánh thuê. Hầu như ngày nào Đức cũng có mặt nơi đây để mong tìm được “mối” gánh thuê. Ngày thường, ai thuê thì một chuyến, nhưng vào lễ hội thì ngày 2 chuyến, có khi khách yêu cầu Đức sẵn sàng gánh cả ban đêm. Từ đầu năm tới giờ ngày nào cũng lên núi nên Đức cũng tích góp được gần 3 triệu đồng đưa cho mẹ mua quần áo, sách vở cho em. Đức chia sẻ, nhưng có khi ế ẩm cũng không được chuyến nào. “Ở đây người gánh thuê nhiều lắm chú à! Tranh giành, thậm chí gây gổ đánh nhau để dành khách vẫn diễn ra thường xuyên. Làm nghề này khổ và vất vả lắm chú ạ. Có nhiều lúc mệt lắm, nhưng phải gắng thôi... Nhiều người nhìn qua cứ tưởng là dễ kiếm tiền, nhưng thực sự là vắt kiệt sức mình sau mỗi chuyến đi. Chú cứ nhìn mà xem, mỗi lần lên dốc, đi bộ một mình còn mệt, huống gì tôi gánh cả hai thúng đồ đầy ắp.”

Qua tìm hiểu, đội hình gánh thuê lên chùa chùa Hương Tích cao điểm có khoảng gần 100 người, già có, trẻ có, nhưng chủ yếu là độ tuổi trung niên. Ngoài thời vụ, do vùng đất dưới chân núi không có nghề gì làm thêm nên hầu như cả làng kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống bằng nghề gánh thuê. Sáng sớm tinh mơ, họ tập kết dưới chân núi, cứ đoàn nào đến là họ lại xúm vào để hy vọng mình là người may mắn. Có nhiều em học sinh ngoài giờ đi học cũng “tranh thủ” làm một chuyến kiếm tiền ăn học.

Đức kể, đa số những người làm nghề gánh thuê đều có hoàn cảnh khó khăn khác nhau, số phận khác nhau. Như cô Minh. người cùng xã với Đức, chồng mất sớm nên một mình Minh. phải bươn chải nuôi 3 đứa con nheo nhóc. Vì thế, vài năm nay, ngày nào chị cũng thức dậy từ 5 giờ sáng lên chân núi để hy vọng ngày được hai chuyến. Hay như chị Ngân, gạt vội những giọt mồ hôi vã ra trên mặt, chị tâm sự: “Cả gia đình tôi rau cháo qua ngày chỉ trông chờ vào gánh hàng thuê này chú ạ, ruộng nương thì không làm được. Một năm chỉ có vài tháng đầu xuân thôi, còn những tháng khác thì cả tuần mới có một chuyến, thời điểm đó có lúc cơm không có mà ăn chứ đừng nói đến chuyện con cái học hành...”

Hình ảnh một cậu bé đang còng lưng gánh vội hàng lên núi cho kịp đoàn du lịch khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Tất cả họ, vì bươn chải cho cuộc sống hàng ngày, vì “miếng cơm manh áo” nên phải làm một cái nghề quá đỗi vất vả, cực nhọc...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast