Mỹ luận về đồng minh ích kỷ, lo đối đầu Nga

Giới phân tích Mỹ lo ngại cách hành xử của Ukraine có thể lôi kéo Washington vào một cuộc đối đầu với Nga.

Mỹ luận về đồng minh ích kỷ, lo đối đầu Nga

Quân đội Ukraine

Sự ích kỷ của đồng minh

Tờ The National Interest của Mỹ vừa có bài bình luận cho rằng cách hành xử của Ukraine ở eo biển Kerch là một ví dụ nữa cho việc một đồng minh của Mỹ (hay có thể hiểu là một nước phụ thuộc vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ) đang nỗ lực giành lấy sự hậu thuẫn quân sự Mỹ để phụ vụ cho chương trình nghị sự của riêng họ.

Theo tờ báo này, Gruzia từng làm như vậy năm 2008 liên quan tới 2 khu vực Abkhazia and Nam Ossetia. Sau đó, một báo cáo được Liên minh châu Âu (EU) bảo trợ đã kết luận rằng Gruzia đã châm ngòi cho cuộc chiến nổ ra hồi tháng 8/2008.

Giới phân tích Mỹ thừa nhận rằng, Tổng thống Gruzia khi đó, ông Mikhail Saakashvili, đã mong đợi sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa từ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hơn những gì mà ông đã nhận được.

Mỹ luận về đồng minh ích kỷ, lo đối đầu Nga

Các tàu hải quân của Ukraine bị Nga bắt giữ

The National Interest nêu thêm “nhiều ví dụ” khác minh chứng cho lối hành xử mà họ gọi là “ích kỉ” như vậy của các nước đồng minh. Ví dụ, Saudi Arabia thường xuyên tìm cách lôi kéo Mỹ vào cuộc tranh giành quyền lực trong khu vực giữa Riyadh với Tehran. Sự ủng hộ nhỏ nhoi của Washington đối với cuộc can thiệp quân sự vào Yemen do Saudi Arabia đứng đầu cho thấy rằng nỗ lực này của Riyadh không đem lại kết quả gì.

Lời khuyên được đưa ra là các nhà lãnh đạo Mỹ cần cảnh giác hơn nữa trước những “thủ đoạn” như vậy và có các động thái nhằm đảm bảo rằng Đảng Cộng hòa của Mỹ sẽ không bị lôi kéo vào các cuộc xung đột chẳng đem lại lợi ích quan trọng nào cho nước Mỹ.

The National Interest đưa ra đánh giá việc chính giới, truyền thông và các nhà hoạch định chính sách của Mỹ thường hành xử như thể các lợi ích và tham vọng của một nước đồng minh hay “bạn bè” cũng chính là những lợi ích quan trọng nhất của nhân dân Mỹ không chỉ là sai lầm mà còn rất nguy hiểm.

Giới phân tích Mỹ thừa nhận tất cả những người Mỹ thận trọng sẽ đều lo ngại trước cách hành xử của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trước, trong và sau sự kiện eo biển Kerch hồi tháng 11 vừa qua. Ba tàu hải quân của Ukraine tìm cách đi qua eo biển Kerch - một eo biển nhỏ nằm giữa bán đảo Taman của Nga và Crimea - nối Biển Đen và Biển Azov. Kiev coi eo biển này là vùng biển quốc tế và dùng thỏa thuận hàng hải song phương ký kết với Nga năm 2003 để bảo vệ cho lập trường của mình.

Mỹ luận về đồng minh ích kỷ, lo đối đầu Nga

Tổng thống P. Poroshenko vừa ký sắc lệnh chấm dứt Hiệp ước hữu nghị với Nga

Tuy nhiên, sau khi Nga sáp nhập Crimea từ năm 2014, Moscow hiện coi eo Kerch là vùng lãnh hải riêng, do đó tàu thuyền muốn đi qua eo biển này cần thông báo trước 48 tiếng và có sự chấp thuận rõ ràng từ Nga.

Vài tháng trước đó Ukraine tuân thủ theo những yêu từ phía Nga. Tuy nhiên, cuối tháng 11 vừa qua, Ukraine đã không làm như vậy và nỗ lực tìm cách đi qua eo biển Kerch mà không có sự chấp thuận của Nga.

The National Interest cho biết các lực lượng an ninh Nga đã đâm thủng 1 tàu kéo của Ukraine, nổ súng nhằm vào 2 tàu còn lại và sau đó bắt giữ cả 3 chiếc tàu này.

Kẻ lợi dụng và những cái đầu nóng

Bên cạnh việc bày tỏ lo ngại trước những động thái của Ukraine, tờ báo Mỹ tiếp tục hoài nghi động cơ đằng sau vụ việc tại eo biển Kerch. Theo đó, ông Poroshenko sẽ phải đối mặt với chiến dịch tái tranh cử tổng thống đầy khó khăn vào cuối tháng 3/2019. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỉ lệ ủng hộ của ông Poroshenko thua xa của ứng cử viên đang dẫn đầu là cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, và đôi khi tỉ lệ ủng hộ của ông Poroshenko chỉ ở mức một con số.

Theo tờ báo Mỹ, thực tế, nhiều người nghi ngờ rằng ông Poroshenko sẽ không thể là 1 trong 2 người nhận được nhiều lá phiếu nhất để đủ tiêu chuẩn vào vòng bỏ phiếu tiếp theo.

The National Interest đưa ra kết luận rằng ông Poroshenko có rất nhiều lý do chính trị để mong muốn một cuộc khủng hoảng xảy ra nên đã nhanh chóng lợi dụng xung đột ở eo biển Kerch để kích động chủ nghĩa dân tộc và tạo ra “ngọn cờ” để tập trung dân chúng.

Ông Poroshenko không chỉ mặc quân phục khi xuất hiện trước công chúng mà còn áp đặt thiết quân luật đối với 10 khu vực gần biên giới với Nga - những khu vực vốn ít ủng hộ ông. Hơn nữa, một điều khoản trong lệnh thiết quân luật này cấm tổ chức biểu tình trong vòng 30 ngày.

Mỹ luận về đồng minh ích kỷ, lo đối đầu Nga

Ông Poroshenko chụp ảnh với lực lượng lính dù và đăng tải hình ảnh lên trang Facebook cá nhân

Ngay cả khi NATO triển khai thêm tàu chiến tới phía Đông Biển Đen cũng được đánh giá sẽ là một hành động khiêu khích nguy hiểm.

“Điều đáng ngạc nhiên” được tờ báo Mỹ nêu ra là một số nhà lãnh đạo nước này dường như dễ dàng chấp nhận khả năng nêu trên. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thương viện James Inhofe đã kêu gọi Mỹ và các đồng minh châu Âu phối hợp hành động để đáp trả, bao gồm cả việc “gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ và NATO tại khu vực Biển Đen và tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine”.

Thượng nghị sĩ Robert Menendez cũng ủng hộ quan điểm này. Ông Menendez kêu gọi NATO thực hiện thêm các cuộc tập trận ở Biển Đen và tăng cường hỗ trợ an ninh cho Ukraine, “bao gồm các vũ khí và thiết bị hải quân gây sát thương”.

Quan hệ an ninh giữa Washington và Kiev ngày càng trở nên khăng khít, được minh chứng bằng việc chính quyền của Tổng thống Trump đã thông qua 2 thỏa thuận mua bán vũ khí với Ukraine từ trước khi xảy ra vụ xung đột ở eo biển Kerch. Giới chức Mỹ và Ukraine đã “thảo luận sâu” về việc Washington sẽ cung cấp thêm những vũ khí mạnh cho Kiev được cho là để sử dụng chống lại lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine.

Mỹ luận về đồng minh ích kỷ, lo đối đầu Nga

Mỹ có dám vì Ukraine đối đầu quân sự trực tiếp với Nga?

“Điều đáng lo ngại hơn” được The National Interest nêu ra là nỗ lực vận động hành lang mạnh nhằm kết nạp Ukraine vào NATO. Theo Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, nếu Kiev trở thành thành viên của NATO thì Mỹ sẽ phải hỗ trợ Ukraine trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Bàn về viễn cảnh này, tờ báo Mỹ thừa nhận, do tầm quan trọng chiến lược của Ukraine đối với Nga, đây sẽ là một cam kết mà Washington sẽ không bao giờ thực hiện.

The National Interest nhận định Mỹ đang bị kéo vào chính sách đối đầu với Nga đầy nguy hiểm của Ukraine. Vì vậy, lời khuyên được đưa ra là tình trạng của eo biển Kerch hoặc thậm chí là tranh chấp lớn hơn về quy chế của Crimea có thể và nên là vấn đề nằm ngoài sự quan tâm của Mỹ.

Thừa nhận một cuộc chiến tranh lớn đầy mạo hiểm với Nga sẽ chẳng đem lại lợi ích gì cho nước Mỹ, The National Interest gợi ý quyền của Tổng thống Trump cần tạo ra khoảng cách lớn hơn giữa các chính sách của Mỹ và Ukraine, có nghĩa là “xa lánh” các chính sách hiện nay của Kiev.

Theo Báo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast