“Trận chiến Idlib” cụm từ đang được nhắc tới nhiều nhất. Một bài viết đăng trên The Star có tựa đề “Tại sao ‘Trận chiến Idlib’ sẽ bùng nổ trên toàn cầu”. Bài viết mở đầu bằng việc nêu lo ngại của không chỉ các quan chức Liên Hợp Quốc, cho rằng Idlib sẽ là trận chiến cướp đi sinh mạng của nhiều người nhất trong thế kỷ 21. Bên cạnh đó, giới quan sát cũng nhận định đây có thể là “cái kết đẫm máu” chấm dứt 7 năm nội chiến tại Syria.
Bài viết cho rằng, không chỉ là vấn đề của riêng Syria, diễn biến chiến sự Idlib sẽ còn dẫn tới những sự đối đầu nguy hiểm giữa các bên tham gia là Nga, Iran cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và nhiều nước khác.
Xe tăng quân đội Syria. Ảnh: Sputnik |
“Trận chiến Idlib”
7 năm nội chiến Syria đã làm hơn 600.000 người thiệt mạng hoặc bị mất tích. Con số này chắc chắn sẽ còn gia tăng khi Idlib, nơi có 3 triệu người Syria sinh sống dưới sự kiểm soát của khoảng 10.000 phiến quân và các nhóm khủng bố, đang cận kề trận chiến quyết định. Đảo ngược thế trận từ năm 2015 với sự xuất hiện và hỗ trợ của lực lượng Nga, quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đến nay đã giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ đất nước. Idlib là thành trì cuối cùng của phe nổi dậy mà chính quyền Syria nhắm tới để giải phóng đất nước. Với sự hỗ trợ của Nga và Iran, chính quyền Syria đã thể hiện quyết tâm này. Lực lượng Nga đã bắt đầu các cuộc không kích tại Idlib.
Trong phát biểu mới nhất về tình hình Idlib, Tổng thống Nga Putin đã thể hiện lo ngại về hoạt động của lực lượng khủng bố tại đây. Hãng thông tấn Nga RIA dẫn thông tin từ người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov cho biết, Tổng thống Putin ngày 14/9 đã thảo luận với Hội đồng An ninh Quốc gia về diễn biến tình hình Idlib.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong một phát biểu tại Berlin (Đức) đã nói rằng, Moscow sẽ tiếp tục ném bom các mục tiêu khủng bố tại tỉnh Idlib nếu cần thiết. Hãng thông tấn Nga Interfax dẫn lời ông Lavrov khẳng định, lực lượng Nga cũng tạo ra các hành lang nhân đạo cho người dân Syria sơ tán khi chiến sự leo thang.
“Lực lượng không quân Nga sẽ tấn công các cơ sở chế tạo vũ khí của khủng bố khi phát hiện ra chúng. Moscow cũng kêu gọi và thúc đẩy các thỏa thuận hòa giải khu vực này”, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nhấn mạnh.
Đề cập diễn biến Idlib, ông Lavrov cho hay, các cuộc tấn công của lực lượng Nga và Syria hiện nay đơn giản là đáp trả lại các cuộc tấn công bắt nguồn từ Idlib.
Cả Damscus và Moscow đã đưa những bằng chứng lên Liên Hợp Quốc và Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) cho thấy, các lực lượng khủng bố tại Idlib đang chuẩn bị dựng lên một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học giả mạo để mở đường cho liên quân do Mỹ dẫn đầu tấn công quân đội chính Syria. Những diễn biến này khiến Idlib trở thành mặt trận nóng nhất trong cuộc nội chiến Syria lúc này. Một chiến dịch toàn diện của quân đội Syria với hỗ trợ của lực lượng Nga và Iran, hay một cuộc không kích đáp trả cáo buộc tấn công bằng vũ khí hóa học của liên quân do Mỹ dẫn đầu sẽ biến Idlip thành một “chảo lửa” thực sự, giống như những gì diễn ra tại Douma thuộc Đông Ghouta những tháng đầu năm 2018, trước khi khu vực này được quân đội Syria giải phóng.
Giới chức Mỹ khẳng định, Washington đã được chuẩn bị để đáp trả bất cứ cáo buộc nào về tấn công bằng vũ khí hóa học tại Idlib. Và kịch bản về một chiến dịch tấn công Syria do Mỹ, Anh, Pháp tiến hành ngày 14/4 có thể sẽ lặp lại.
Theo Liên Hợp Quốc, “Trận chiến Idlib” có thể gây ra “thảm kịch nhân đạo” tồi tệ nhất trong thế kỷ 21. Trong đó, 800.000 - 900.000 người tại Idlib sẽ bị mất nhà cửa. Một làn sóng người Syria di cư mới sẽ là nỗi lo của nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đang tiếp nhận nhiều người tị nạn Syria hơn bất cứ quốc gia nào. Chính Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nói rằng, Ankara không thể giải quyết vấn đề người tị nạn Syria thêm nữa. Trong 2 tuần qua, đã có gần 40.000 người tại Idlib sơ tán về phía Bắc, tới gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Cục diện thay đổi sau “Trận chiến Idlib”
Hai đời Tổng thống liên tiếp tại Mỹ đã thực hiện những chính sách “xáo trộn” trong giải quyết vấn đề Syria. Nếu cựu Tổng thống Obama bị coi là “yếu thế”, thì Tổng thống đương nhiệm Donald Trump lại cho thấy sự “lẫn lộn” trong chính sách về Syria. Ai cũng biết việc ông Trump tuyên bố rộng rãi ý muốn rút quân đội, chấm dứt sự tham chiến của Mỹ tại Syria, song ông lại chính là người phát động cuộc tấn công Syria hồi tháng 4 cùng các đồng minh Anh và Pháp, sau cáo buộc chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học.
Với tình hình Idlib hiện nay, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã cảnh báo mạnh mẽ Nga và Iran về những hậu quả nghiêm trọng nếu tiếp tục các cuộc không kích Idlib.
Nhiều ý kiến của giới quan sát cho rằng, cuối cùng thì “Trận chiến Idlib” vẫn sẽ diễn ra trong một vài tuần nữa, dù họ luôn hy vọng vào một khả năng khác. Hiện giới chức Liên Hợp Quốc vẫn đang sốt sắng tìm kiếm một Nghị quyết cho vấn đề Syria, hoặc có thể thuyết phục các cường quốc liên quan đến cuộc nội chiến Syria đồng ý thỏa hiệp. Tuy nhiên, viễn cảnh cuộc nội chiến Syria sẽ kết thúc theo chiều hướng thảm kịch, với “Trận chiến Idlib” được nghĩ đến nhiều hơn. Theo các nhà quan sát, khi đó cục diện Trung Đông sẽ thay đổi một cách đáng kể so với thời điểm cuộc khủng hoảng Syria bùng phát năm 2011.
“Khi đó, Nga và Iran- những ‘những tay chơi nhỏ’ trên chiến trường Syria sẽ nắm quyền lực lớn. Thổ Nhĩ Kỳ- từng là một pháo đài ổn định, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Trong khi, với chính sách “bốc đồng”, Mỹ- từng có hiện diện áp đảo trong khu vực, sẽ tự loại bỏ ảnh hưởng của mình”, nhà bình luận Tony Burman viết trên The Star.
“Cuối cùng, các hành động của Mỹ đều phải nhận hậu quả, đặc biệt là tại khu vực Trung Đông, và nước Mỹ của Tổng thống Trump sẽ phải sống với những hậu quả này”, ông Tony Burman nhận định./.