Truyền thông và trách nhiệm của nhà báo

Có người nhận thức rằng: Đã là Phóng viên hoạt động ở địa phương nào là phải viết hay, viết tốt về địa phương đó. Tuyệt đối không đưa những thông tin nhạy cảm, trái chiều lên báo. Bù lại, anh sẽ nhận được sự đối đãi “tử tế” của địa phương. Hiểu như vậy là chưa đúng...

>Truyền thông và hiện tượng "ném đá ao bèo"

>Hệ lụy truyền thông

Các nhà báo đang tác nghiệp. Ảnh: vtc.vn
Các nhà báo đang tác nghiệp. Ảnh: vtc.vn

Nghề báo là một nghề đặc thù. Đã dấn thân, anh bắt buộc phải chấp nhận đủ thứ rủi ro, nguy hiểm. Anh sẽ phải chấp nhận những cái bắt tay “lỏng” theo kiểu xã giao bắt buộc. Chấp nhận cái nhìn thiếu thiện cảm hay thái độ bất hợp tác. “Nghề báo bạc lắm” - Có Nhà báo thốt lên giữa một Hội nghị giao ban báo chí của tỉnh. Tiếp đó là nghe tiếng nói lại: “Bây giờ mới nhận ra điều ấy sao”.

Dấn thân mà anh lại đòi “chi cũng được cả” thế thì anh làm anh công chức quèn đi. Chả sợ đụng chạm, cứ việc mình mình làm, sáng vác ô đi tối vác về, đến tháng lĩnh lương. Khỏe! Nhưng anh làm báo, anh có thẻ hành nghề, anh là nhà báo cách mạng, phương châm của anh là “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” thì anh phải viết đúng, viết khách quan, viết theo lẽ phải. Anh phải đấu tranh cho sự công bằng, đấu tranh đẩy lùi cái ác, cái xấu và những tiêu cực xã hội.

Nhưng, lại nhưng. Rằng, không phải vài ba cái tin, bài bới móc, vụn vặt, chạy theo tâm lý đám đông, thỏa mãn tâm lý tò mò của ai đó, sự cổ vũ của ai đó và của vài ba trang mạng xã hội là anh đã oách. Đã nhận mình là Nhà báo “dám động chạm”. Không ai buộc anh phải viết tốt cho địa phương nơi mình đang đảm trách nhiệm vụ “thường trú”, càng không có ai có thể cấm anh không được viết những bài có tính chất “chống tiêu cực”, “phản biện xã hội”, bảo vệ lẽ phải. Cái chính là anh viết thế nào. Anh viết không phải bằng lập luận, không phải bằng điều tra, không phải bằng những chứng lý cụ thể, không biết bằng cái “tâm sáng” mà anh viết theo cảm tính, anh viết theo “đơn đặt hàng”, viết theo ý kiến cá nhân, viết không khách quan, viết thiếu trung thực thì anh đã đi ngược lại lịch sử, đi ngược lại tâm tư nguyện vọng của đa số người dân là được ổn định để làm ăn, ổn định để phát triển.

Chưa bao giờ như bây giờ, những người làm báo phát triển đông đến chóng mặt, “ra ngõ là gặp nhà báo”. Trên địa bàn Hà Tĩnh có đến gần ba chục cơ quan báo có đại diện, có thường trú, có thông báo của Ban Biên tập. Đa phần những người làm báo này là “tay ngang”. Có nghĩa là xuất phát điểm anh không hề “học chính quy” về báo chí, anh chưa hề làm báo. Có người là nhân viên lâm trường, có người là thợ chụp ảnh, có người là công chức về hưu, có người là giáo viên chuyển nghề… Không hiểu bằng cách nào mà họ “xin được cái thường trú” của báo này, báo nọ. Đa số họ là người tốt, viết khỏe, ngày nào cũng có bài, có tin trên báo của các hội đoàn, ban, ngành ở Trung ương. Tuy vậy, vẫn còn một số không hiểu nhiều về báo chí, có người đơn thuần chỉ là người cung cấp tin, có người viết lách với động cơ thiếu trong sáng, có người viết tin, bài… lấy nhuận, kiếm sống, có người thậm chí không biết làm nghề gì nữa thì đi làm báo chơi. Một số Nhà báo lão thành, có tâm khi nhìn vào cách sống, cách viết của số này chỉ biết lắc đầu và… cười.

Tư mã tôi có người bạn ở HN gọi điện về bảo: Hà Tĩnh của cậu sao lên báo nhiều thế. Mà toàn những chuyện đâu đâu. Một chuyện cỏn con mà chục tờ báo giật tít to đùng, lừng lững. Kinh quá! Tư mã tôi chỉ biết ừ hữ, rồi chép miệng: Cũng hãi thật!

Một lần, có Nhà báo lão thành tâm sự: Chú à, không hiểu sao bây giờ cơ sở người ta chán “báo chí” lắm. Mình xuống, vì nể cái tình anh em quen biết từ lâu, họ cũng tiếp đón chu đáo, phong bì, phong bao đàng hoàng. Nhưng khi hỏi họ tuyên truyền cái gì cho huyện (xã) nhà trong quá trình xây dựng và phát triển thì họ lắc đầu: “Bác về thăm chúng em là quý. Tốt nhất là khoan vội đưa lên bác ạ”.

Suy nghĩ tý rồi anh nói tiếp: “Thực ra, làm chính quyền, lại gần dân như anh “xã”, chỗ nào mà chả có sai sót. Mà đã có sai sót thì họ ngại, họ sợ Nhà báo là đúng. Nhưng, tuyên truyền, viết tốt, viết khen mà họ cũng không muốn nữa là hỏng rồi”.

Nhà báo, có nhiều “anh” rất buồn cười. Cứ nghĩ mình viết được cái này, cái nọ rồi, ổn rồi, được một vài người đọc rồi. Bây giờ thì có thể “phán” ra sao cũng được. Rồi anh “khoát tay”, anh “chỉ mặt”, anh “tuyên bố”, anh “thách”… Nhiều người rỉ tai: Thằng cha bị chập. Nhưng khi nói chuyện với “thằng cha chập” người ta lại “bốc thơm” nên “thằng cha chập” lại càng “chập”. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân khiến cho cơ sở người ta sợ Nhà báo, sợ lên báo.

Nhà báo xem voi có khi còn nhiều hơn cả thầy bói. Nguồn: Congluan.vn
Nhà báo xem voi có khi còn nhiều hơn cả thầy bói. Nguồn: Congluan.vn

Theo dõi tin tức tại một số cuộc họp của Bộ TT và TT bàn về công tác QLNN về báo chí, cuộc nào cũng có người kêu về tổ chức, bộ máy và con người, về bộ phận thường trú, đại diện của các Ban Biên tập. Cuộc nào cũng kêu về việc báo mạng phát triển tràn lan, báo giật tít “khủng”, đưa tin rùng rợn, phản cảm, mô tả tỷ mỷ chuyện đâm cướp, hiếp, giết…vân vân và vân vân… nhưng sau đó, đâu lại vào đấy. Có bác cán bộ lão thành bảo: “Sao bây giờ nảy nòi ra lắm chuyện quái gở thế chú”. Rồi bác tự trả lời: “Có lẽ cũng do ảnh hưởng của sách, báo, phim ảnh thời đại bùng nổ thông tin”. Tôi ngồi im không dám nói gì, chỉ thầm nghĩ: Bác nói đúng. Một khi báo chí không còn là nơi xây dựng niềm tin. Và, một khi người dân không còn niềm tin nữa sẽ dẫn đến bất ổn xã hội. Vì vậy, ngoài việc đưa tin, trách nhiệm của các cơ quan báo chí và các nhà báo là phải định hướng dư luận một cách đúng đắn, tạo ra luồng dư luận xã hội chính thống. Nếu không đề cao chức năng và trách nhiệm này, giới truyền thông cũng đang tự đánh mất đi vai trò quan trọng của mình trong đời sống xã hội.

Trở lại với vấn đề “thường trú”. Địa phương nơi anh “thường trú” không yêu cầu, đòi hỏi gì ở anh cả. Chỉ cần anh viết đúng sự thật, viết khách quan. Đừng viết vì “chỉ tiêu” hay vì “nhuận bút”, đừng viết để cạnh tranh báo này, báo nọ, cũng đừng viết vì bất kỳ một động cơ nào ngoài việc làm cho xã hội tốt hơn, người dân no ấm và chính quyền hoàn thiện hơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast