Quản lý, hỗ trợ người lang thang để TP Hà Tĩnh văn minh hơn

(Baohatinh.vn) - Thành phố Hà Tĩnh đang phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường quản lý, giải quyết tình trạng người lang thang, ăn xin trên địa bàn. Điều này nhằm đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị, xây dựng hình ảnh Thành Sen ngày càng văn minh.

TP Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025 trở thành một trong những trung tâm vùng Bắc Trung bộ. Ảnh: Đình Nhất.

Theo rà soát của Phòng LĐ-TB&XH thành phố, các trường hợp lang thang được chia thành 4 nhóm: người ăn xin; người tâm thần, khuyết tật; người dẫn dắt hoặc mang theo trẻ em, người khuyết tật, người bệnh tật, cao tuổi để bán hàng rong, hát rong và người lang thang khác. Địa điểm người lang thang thường xuyên xuất hiện là các quán ăn, quán cafe, chợ, cổng bệnh viện và nơi tập trung đông người.

Những trường hợp này không chỉ là người trên địa bàn mà phần lớn đến từ các huyện, thị khác, thậm chí có người đến từ tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa. Thời gian lưu trú, hoạt động của các đối tượng không cố định, số lượng cũng biến động thường xuyên nên công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Dương Đình Phúc - Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du cho biết: “Địa phương cũng thành lập tổ công tác trợ giúp người lang thang, ăn xin, thường xuyên phối hợp với ngành chuyên môn để bám nắm, tiếp xúc và phân loại đối tượng. Theo đó, nếu người có địa chỉ nhà cụ thể thì vận động, trợ giúp kinh phí, phương tiện để người lang thang trở về nơi cư trú; trường hợp không rõ quê quán, mất khả năng lao động thì phối hợp với phòng chuyên môn làm thủ tục để họ được vào các cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời, tuyên truyền đến các chủ quán hàng kinh doanh trên địa bàn phối hợp theo dõi, làm công tác vận động, không cho phép hành nghề ăn xin, bán hàng rong trong quán hàng. Hiện, không có người lang thang, ăn xin thường trú trên địa bàn, tuy nhiên, các trường hợp vãng lai rất nhiều. Có trường hợp người lang thang ở huyện Kỳ Anh, Lộc Hà, chúng tôi đã phối hợp hỗ trợ đưa về nơi cư trú 3 lần nhưng vẫn quay trở lại địa phương chỉ ít ngày sau đó”.

Cổng Bệnh viên đa khoa tỉnh là nơi thường xuyên xuất hiện người hành nghề ăn xin.

Không chỉ vậy, tình trạng người lang thang, ăn xin biến tướng đang có nhiều diễn biến phức tạp. Thường các trường hợp này sẽ lợi dụng bị khuyết tật hoặc dắt theo trẻ em lang thang ở các quán hàng, chợ, khu vực công cộng để bán hàng rong nhưng thực chất là ăn xin. Hình ảnh này không chỉ gây nhếch nhác, mất mỹ quan, văn minh đô thị mà còn tiềm ẩn những nguy cơ về mất an ninh trật tự.

Chị Nguyễn Thị Hà (phường Nam Hà - TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi không băn khoăn việc chia sẻ một chút tiền nhỏ để giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh nhưng có rất nhiều người ăn xin, bán hàng rong gây phiền hà. Có lần, khi từ chối mua hàng thì người bán hàng rong cố tình đứng tại bàn không rời đi và nì nèo mua hàng khiến tôi rất ái ngại”. Thậm chí, không ít người đã từng bị người ăn xin, bán hàng rong “dằn mặt” bằng vài câu thiếu lịch sự hoặc hành động khiếm nhã.

Các địa phương phối hợp với công an phường, xã tiến hành rà soát, tuyên truyền đến các hộ gia đình để tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước.

Để tăng cường quản lý, giải quyết tình trạng người lang thang, ăn xin, bán hàng rong biến tướng, cuối tháng 7 vừa qua, UBND thành phố ban hành kế hoạch, chỉ đạo các ngành, địa phương, lực lượng tập trung cao. Theo đó, kiện toàn Tổ công tác trợ giúp người lang thang, ăn xin trên địa bàn từ thành phố đến các phường, xã; giao trách nhiệm từng phòng, ban chuyên môn, lực lượng công an tiếp tục theo dõi, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát địa bàn; phát hiện, tuyên truyền và trợ giúp các đối tượng theo đúng các chính sách của Nhà nước.

Theo kế hoạch, thành phố bố trí lực lượng tuần tra, rà soát vào các khung giờ cao điểm trong ngày (7-9h và 17-19h); chỉ đạo lực lượng công an, đô thị theo dõi, kiểm tra các địa chỉ tạm trú, giấy tờ tùy thân của các trường hợp đưa vào theo dõi; thường xuyên rà soát, vận động các gia đình có người đi lang thang, ăn xin ký cam kết đưa về gia đình quản lý. Trường hợp ngoài địa bàn, chưa xác định được quê quán, Phòng LĐ-TB&XH sẽ phối hợp đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội của tỉnh chăm sóc tạm thời.

Lực lượng chuyên môn Ban quản lý Dịch vụ công ích và Trật tự đô thị thành phố vận động người lang thang, hành nghề ăn xin trở về địa bàn cư trú.

Trung tá Dương Thị Hồng Ngân - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (Công an TP Hà Tĩnh) cho biết: “Đội đã triển khai công tác tuần tra, kiểm soát phát hiện các trường hợp người lang thang, hành nghề ăn xin dọc các tuyến giao thông, địa bàn công cộng; phối hợp với công an xã, phường và UBND các địa phương xác minh thông tin, tuyên truyền, vận động và sẵn sàng phối hợp trợ giúp họ về địa bàn cư trú. Qua rà soát, hiện có 8 trường hợp lang thang và hành nghề ăn xin trên địa bàn, trong đó, 2 trường hợp có hộ khẩu thường trú ở thành phố, còn lại là đến từ các địa phương khác. Tuy nhiên, việc lưu trú của các trường hợp trên địa bàn không cố định, do vậy, số lượng người lang thang, hành nghề ăn xin, bán hàng rong biến tướng chắc chắn nhiều hơn. Để công tác quản lý nhà nước thì cần hơn nữa sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương và ngành chuyên môn trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền; sự phối hợp của các địa phương ngoài địa bàn trong việc tiếp nhận, xử lý và quản lý nhân khẩu tại địa bàn cư trú”.

Được biết, hiện nay, Công an các phường, xã đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tiếp xúc, vận động các gia đình có người hay đi lang thang, hành nghề ăn xin trên địa bàn để có giải pháp quản lý. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra tạm vắng, tạm trú, theo dõi các dấu hiệu vi phạm pháp luật như: lợi dụng trẻ em để ăn xin...; phối hợp với phòng, ban chuyên môn thực hiện tuyên truyền, trợ giúp các trường hợp trở về nhà, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố văn minh, hiện đại hơn.

Chủ đề Đô thị loại II

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói