Quyết liệt tạo bứt phá, xác lập vị thế trên bản đồ phát triển của khu vực và cả nước

Với thế và lực được tạo ra trong 3 năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, trong chiến lược phát triển mới, Hà Tĩnh tiếp tục phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế; hoàn thiện hệ thống các quy hoạch và cơ chế, chính sách; đẩy mạnh liên kết vùng; tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng để khẳng định vị thế trên bản đồ khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ cũng như trên cả nước. Năm mới 2024 đang rộng cửa để Hà Tĩnh tự tin tăng tốc trên chặng đường mới.

Quyết liệt tạo bứt phá, xác lập vị thế trên bản đồ phát triển của khu vực và cả nước
Quyết liệt tạo bứt phá, xác lập vị thế trên bản đồ phát triển của khu vực và cả nước

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng những kết quả phát triển KT-XH của tỉnh năm 2023 nói riêng, 3 năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2021- 2026 nói chung đã cho thấy chúng ta đang từng ngày tăng tốc trên đường ray thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết liệt tạo bứt phá, xác lập vị thế trên bản đồ phát triển của khu vực và cả nước

Nhìn lại khối lượng công việc khá đồ sộ mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà đã nỗ lực thực hiện thời gian qua, có thể thấy rõ nhiều dấu mốc hết sức ý nghĩa. Quan tâm, tập trung làm tốt công tác quy hoạch, Hà Tĩnh là một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tháng 11/2022). Đây là cơ sở giúp Hà Tĩnh đẩy mạnh thực hiện liên kết với các tỉnh trong vùng để phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quyết liệt tạo bứt phá, xác lập vị thế trên bản đồ phát triển của khu vực và cả nước

Hà Tĩnh ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư 36 dự án tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh chụp ảnh lưu niệm với các nhà đầu tư (tháng 5/2023). Ảnh: P.V.

Tháng 5/2023, Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư được tỉnh tổ chức thành công, tạo động lực mới để Hà Tĩnh thu hút đầu tư với những kết quả tích cực. Trong 3 năm, tỉnh chấp thuận 84 dự án trong nước với tổng vốn 17 nghìn tỷ đồng, 6 dự án nước ngoài tổng vốn 2,5 tỷ USD. Những định hướng chiến lược được xác định đã giúp tỉnh khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, kết nối nguồn lực mới, giành những kết quả đáng mừng trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, thách thức.

3 năm đầu thực hiện kế hoạch 2021-2025, trong bối cảnh nhiều khó khăn, điều đáng mừng là nền kinh tế của tỉnh đã có bước tăng trưởng, phục hồi. Giai đoạn 2021-2023, tăng trưởng GRDP bình quân khoảng 6% (riêng năm 2023 tăng 8,05%, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành cả nước); GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt gần 78 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 47,7 triệu đồng. Sản xuất công nghiệp - động lực của nền kinh tế - dù tốc độ tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng nhưng đã mở ra yếu tố tăng trưởng mới cho cả giai đoạn với những dự án công nghiệp lớn như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 công suất 1.200 MW (2,2 tỷ USD), Nhà máy Sản xuất Pin VINES Vũng Áng (gần 4.000 tỷ đồng), Nhà máy Pin Lithium (6.300 tỷ đồng), Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh (1.230 tỷ đồng, công suất giai đoạn đầu 100 triệu lít/năm), Trung tâm Điều hành hệ thống năng lượng công nghệ cao và Nhà máy Thủy điện Vũ Quang (850 tỷ đồng), Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng (13.276 tỷ đồng).

Quyết liệt tạo bứt phá, xác lập vị thế trên bản đồ phát triển của khu vực và cả nước

Đoàn công tác cấp cao tỉnh Hà Tĩnh do Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải dẫn đầu đến thăm và làm việc với tỉnh Trnava, Cộng hòa Slovakia (tháng 5/2023). Ảnh: Trọng Thái

Bám sát các mục tiêu, giải pháp, chiến lược phát triển 4 lĩnh vực kinh tế trọng tâm mà Quy hoạch tỉnh đã đề ra, Hà Tĩnh đồng thời đầu tư đồng bộ cho công nghiệp; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch. Trong đó, nông nghiệp trong những năm đầu của kỳ kế hoạch 5 năm giành kết quả khá toàn diện theo hướng tái cơ cấu, triển khai các mô hình, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để tăng năng suất, giá trị.

Đề án thí điểm xây dựng tỉnh NTM được tập trung thực hiện, đến hết năm 2023, 100% xã đạt chuẩn NTM, 60 xã NTM nâng cao, 15 xã NTM kiểu mẫu, 10/13 địa phương đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thương mại, dịch vụ, du lịch phục hồi tích cực với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 3 năm (2021-2023) đạt gần 6%. Xuất khẩu duy trì trong nhóm dẫn đầu khu vực; kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2023 đạt 6,2 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 3 năm đầu kỳ kế hoạch đạt 119 nghìn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 đạt gần 53 nghìn tỷ đồng, gấp 1,8 lần giai đoạn 2016-2018, xếp thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ. Quy mô nền kinh tế được nâng lên gần 100.000 tỷ đồng, tăng hơn 17.000 tỷ đồng so với đầu kỳ; đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ.

Quyết liệt tạo bứt phá, xác lập vị thế trên bản đồ phát triển của khu vực và cả nước

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương trao bằng chứng nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho tỉnh Hà Tĩnh, huyện Can Lộc và dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu (tháng 6/2023). Ảnh: Thiên Vỹ

Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt kết quả nổi bật. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm. Hà Tĩnh hiện có 5 di sản và 2 danh nhân được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh. Chất lượng giáo dục đại trà chuyển biến tích cực; giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao, khẳng định vị trí nhóm đầu cả nước; công tác khuyến học đạt kết quả nổi bật. Phòng, chống, kiểm soát tốt dịch COVID-19, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”; không ngừng nâng cao công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Tập trung chỉ đạo phát triển khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, cải cách hành chính, chuyển đổi số. Theo các công bố của Trung ương năm 2023, Chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) năm 2022 của Hà Tĩnh đứng thứ 37 cả nước, tăng 22 bậc so với năm 2021; Chỉ số Cổng dịch vụ công trực tuyến đứng thứ 13 cả nước. Hà Tĩnh cũng đứng thứ 18 toàn quốc về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); đứng thứ 28 về Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index); đứng thứ 7 về Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS); đứng thứ 8 về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội được chú trọng. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác quốc tế được tăng cường, rộng mở.

Quyết liệt tạo bứt phá, xác lập vị thế trên bản đồ phát triển của khu vực và cả nước

Việc đẩy mạnh liên kết hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các địa phương trong khu vực được Hà Tĩnh xác định là một giải pháp mang tính nền tảng và động lực để phát triển. Ngày 16/9/2022, tại tỉnh Thanh Hóa, 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển giai đoạn 2022-2025. Ngày 3/11/2022, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành; ngày 5/5/2023, BTV Tỉnh ủy ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Từ đó tạo tiền đề, động lực và đường hướng mới để Hà Tĩnh mở rộng liên kết với các tỉnh lân cận nói riêng và xây dựng chiến lược liên kết vùng bền vững nói chung.

Quyết liệt tạo bứt phá, xác lập vị thế trên bản đồ phát triển của khu vực và cả nước

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải trao đổi với các nhà đầu tư bên lề Diễn đàn doanh nghiệp châu Âu lần thứ 12 tại Cộng hòa Hungary (tháng 9/2023). Ảnh: Trọng thái

Sau hơn 1 năm thực hiện biên bản ghi nhớ hợp tác, Hà Tĩnh đã cùng 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa phối hợp triển khai khá toàn diện, hiệu quả các hoạt động phù hợp với định hướng phát triển quốc gia, quy hoạch phát triển vùng và các quy hoạch ngành quốc gia. Theo đó, trong công tác lập quy hoạch, Hà Tĩnh đã tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm cũng như tham gia ý kiến dự thảo quy hoạch của các tỉnh bạn. Hiện nay, cả 3 tỉnh đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các đơn vị liên quan của 3 địa phương thường xuyên trao đổi trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, Quy hoạch xây dựng vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; phối hợp đề xuất các nội dung liên kết vùng trong quá trình xây dựng Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong mối liên kết khu vực, liên kết vùng và tổng thể quốc gia.

Quyết liệt tạo bứt phá, xác lập vị thế trên bản đồ phát triển của khu vực và cả nước

Thị xã Kỳ Anh được Quy hoạch tỉnh xác định là hạt nhân Trung tâm đô thị phía Nam gắn với KKT Vũng Áng và các vùng phụ cận. Ảnh: Thành Nam

Việc triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính chất liên vùng cũng được thúc đẩy như: dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường bộ ven biển, nâng cấp quốc lộ 1, cầu Cửa Hội, cầu Thọ Tường, cầu Yên Xuân; hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị (ADB); cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ (AFD); hệ thống cảng biển Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng - Sơn Dương đã từng bước được đầu tư nâng cấp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) của các tỉnh trong tiểu vùng và các tỉnh lân cận thông thương hàng hóa và xuất, nhập khẩu.

Hà Tĩnh cùng các tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ trong việc đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư vào khu vực Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh theo quy hoạch được duyệt; thu hút đầu tư vào các khu kinh tế (KKT) ven biển trọng điểm được ưu tiên gắn với phát triển cảng nước sâu trong khu vực như: KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa), KKT Đông Nam (Nghệ An) và KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh); phát triển các KKT cửa khẩu, khu công nghiệp và các vùng phát triển công nghiệp, thương mại. Chương trình hợp tác giai đoạn 2023-2025 trên lĩnh vực lao động giữa 3 tỉnh được triển khai nhằm phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác phân tích, dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động, giới thiệu việc làm, hợp tác giữa các trường nghề...

Quyết liệt tạo bứt phá, xác lập vị thế trên bản đồ phát triển của khu vực và cả nước

Cầu Cửa Hội góp phần kết nối du lịch Hà Tĩnh với Nghệ An và Thanh Hóa.

Phát triển du lịch đã tạo được dấu ấn trong liên kết vùng với việc thúc đẩy kết nối các tour, tuyến du lịch gắn với “Con đường di sản miền Trung”, phát huy tốt phương châm “Ba địa phương - một điểm đến - nhiều trải nghiệm”. 3 tỉnh tiếp tục được thúc đẩy sự gắn kết của các điểm đến trọng điểm: Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thanh Hóa) kết nối với Khu di tích Kim Liên, Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn (Nghệ An), Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)... để tạo nên những giá trị mới.

Quyết liệt tạo bứt phá, xác lập vị thế trên bản đồ phát triển của khu vực và cả nước

Hà Tĩnh đã lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh với những hoạch định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch và cơ chế, chính sách phát triển; xác định các chương trình, dự án để triển khai thực hiện quy hoạch; xây dựng kế hoạch sử dụng đất của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030; huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Theo đó, cả hệ thống chính trị, mỗi người dân và cộng đồng DN tiếp tục tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh với trọng tâm là “4 ngành trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 1 trung tâm động lực tăng trưởng”. Cùng đó, chú trọng liên kết hợp tác sâu rộng hơn nữa với các tỉnh, thành phố có nhiều điểm tương đồng trong cả nước, nhất là các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung.

Quyết liệt tạo bứt phá, xác lập vị thế trên bản đồ phát triển của khu vực và cả nước

Chính sách đồng bộ đã tạo đòn bẩy để Khu kinh tế Vũng Áng phát triển đúng định hướng với trụ cột là luyện kim, năng lượng, chế biến, chế tạo, trung tâm logistics và dịch vụ cảng biển, TM-DV.

Trước mắt, tỉnh sẽ rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách để cụ thể hóa các nội dung liên quan đến Nghị quyết số 26-NQ/TW gắn với tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương lân cận. Huy động nguồn lực đầu tư để nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển các quy hoạch liên tỉnh Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình. Chủ động triển khai các chương trình, kế hoạch của Chính phủ liên quan đến phát triển tổng thể vùng và không gian phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ; có sự hỗ trợ, chia sẻ với các địa phương trong vùng và tiểu vùng để hoàn thành các mục tiêu chung về phát triển vùng theo Nghị quyết số 26-NQ/TW.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng, nhất là các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình và khu vực Bắc Trung Bộ, xây dựng thể chế liên kết vùng để điều phối và kết nối phát triển vùng, thu hút đầu tư, chia sẻ hệ thống hạ tầng trọng yếu, nhất là trong lĩnh vực giao thông, năng lượng, thông tin truyền thông, kinh tế số, đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, du lịch và dịch vụ, logistics, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển doanh nghiệp và thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, nhất là cảng biển nước sâu, các ngành kinh tế biển, KKT Vũng Áng. Triển khai hiệu quả Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 892/QĐ-TTg ngày 16/7/2022.

Quyết liệt tạo bứt phá, xác lập vị thế trên bản đồ phát triển của khu vực và cả nước

Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thăm hỏi người dân làng vạn chài Tiền Phong, xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ (tháng 8/2023). Ảnh: Văn Đức

Xác định rõ những trụ cột, đường hướng, mục tiêu và các giải pháp phát triển, Hà Tĩnh tiếp tục đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, quyết tâm tạo bước chuyển biến mới có tính đột phá để cùng hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW đã đề ra: xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; phấn đấu đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ; năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao của cả nước; đến năm 2050 là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, có thu nhập cao; con người Hà Tĩnh có mức sống cao, phát triển hài hòa về trí tuệ, thể chất, đạo đức, bản sắc văn hóa...

Thiết kế: Thanh Hà

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Chủ đề QUY HOẠCH TỈNH HÀ TĨNH THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast