Sản xuất bánh đa nem: Bỏ ngay tư duy "mình thích thì mình làm thôi"!

(Baohatinh.vn) - Nghề làm bánh đa nem hiện là “cần câu cơm” của nhiều hộ dân trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Dù vậy, điều kiện cần để sản xuất đúng quy định gần như không có là trăn trở cần lời giải để giữ nghề trong khi công tác VSATTP đang "nóng" như hiện nay.

Nghề làm bánh đa nem mang lại thu nhập khá cho hơn 100 hộ của Thạch Hưng và Thạch Qúy - TP Hà Tĩnh

Có nghề thôi, chưa đủ!

“Bà con có biết, việc sử dụng thùng sơn để đựng bột làm bánh, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không khám sức khỏe định kỳ, không làm bài test kiến thức... là vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm? Đó là chưa kể việc, bà con phơi bánh ngay cạnh bãi rác, đường sá trong thời gian qua vừa không đảm bảo ATVSTP vừa rất phản cảm. Chúng tôi đã được ngỏ lời để đưa sản phẩm bánh đa nem của địa phương vào hệ thống siêu thị trên toàn quốc, nhưng khổ nỗi, sản phẩm của bà con không đáp ứng được yêu cầu cơ bản nên đành ngậm ngùi nhìn cơ hội tuột khỏi tầm tay…” – đó là lời mở đầu của Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Hà Tĩnh Nguyễn Thế Công tại buổi làm việc với bà con sản xuất bánh đa nem ở Thạch Hưng vừa qua.

Ông Công dứt lời thì phía dưới hội trường, nhiều bà con làm bánh của Thạch Hưng tự soi vào việc sản xuất của gia đình mình. Ừ thì với tâm lý “mình thích thì mình làm thôi”, kinh nghiệm sản xuất tự đúc rút, chỗ sản xuất tận dụng từ khoảnh sân trống của nhà, chỗ phơi phên bánh “bạ đâu phơi đấy” miễn có nắng… là được. Thế nên, khi cán bộ chia sẻ đến đâu, bà con “lặng” đi đến đấy, bởi đó hoàn toàn là những điều phải làm để giữ và phát triển làng nghề của địa phương. Xôn xao phía dưới hội trường, nhiều bà con thừa nhận: “Đúng là, chỉ có nghề thôi thì chưa đủ!”

Công đoạn phơi sấy quyết định đến chất lượng bánh thành phẩm

Là người đầu tiên đưa máy tráng bánh về áp dụng làm bánh đa nem tại quê, anh Trịnh Văn Bằng (thôn 4 – Thạch Hưng) bày tỏ: “Với hơn 6 năm trong nghề, bản thân tôi thấy nghề làm bánh đa nem của chúng ta có rất nhiều bất cập, đặc biệt ở khâu phơi sấy. Trước mắt, chính quyền địa phương xem xét quỹ đất trống bố trí giúp bà con tận dụng phơi. Về lâu dài, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ, “cầm tay chỉ việc” của các cấp, ngành để giữ và phát triển nghề này”.

Phương án nào tối ưu?

Thôn Bình, xã Thạch Hưng nơi có hơn 100 hộ dân sản xuất bánh đa nem. Sau hai tuần kể từ khi những hình ảnh “kinh hoàng” của công đoạn phơi sấy bánh được Báo Hà Tĩnh điện tử phản ánh trực diện, hiện nay, bánh đa nem đã không còn phơi bên vệ đường, cũng không phơi gần điểm tập kết rác vì Đội quản lý trật tự đô thị TP Hà Tĩnh thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở.

Thay vào đó, hiện nay, UBND xã Thạch Hưng đang tạm thời bố trí đoạn đê dài gần 2 km rất ít người qua lại để giúp bà con phơi bánh. Tuy vậy, đây chỉ là biện pháp “nóng tay bắt lỗ tai”…

Theo tìm hiểu, việc sản xuất bánh đa nem hoàn toàn có thể sản xuất mà không cần đến công đoạn phơi nhờ ánh nắng tự nhiên. Theo đó, bà con có thể sử dụng máy sấy để làm khô bánh như một vài cơ sở trên địa bàn đang áp dụng.

Cơ sở sản xuất bánh đa nem của anh Trần Hữu Kỷ (tổ dân phố Trung Đình – Thạch Quý) vừa tận dụng phơi sấy từ diện tích vườn khá rộng (gần 2.000 m2) vừa đầu tư máy sấy công suất 300 phên bánh/giờ. Thế nên, nắng cũng như mưa, cơ sở này vẫn có thể “xuất xưởng” gần 2 vạn bánh mỗi ngày.

Anh Kỷ chia sẻ: “Sử dụng máy sấy bánh vào mùa mưa tất nhiên sẽ đội chi phí sản xuất lên (điện, củi đốt…) nhưng đó cũng là mùa chính vụ của bánh đa nem. Hiện tại, tôi đang sử dụng máy sấy tự chế với mức đầu tư ban đầu khoảng 70 triệu đồng/máy”.

Trên khoảnh đất hơn 350 m2 tại xã Thạch Hưng, một cơ sở sản xuất bánh đa nem khép kín đang khởi động những phần việc đầu tiên. Anh Nguyễn Quốc Dũng – chủ cơ sở cho biết: “Nhận thấy nhu cầu sử dụng bánh đa nem hiện nay khá lớn trong khi đây là nghề truyền thống của quê hương nên tôi quyết định đầu tư sản xuất mặt hàng này. Theo kế hoạch, bánh sẽ được sản xuất và phơi sấy ngay trong diện tích xưởng này nhờ hệ thống máy làm bánh, máy sấy… mà không cần phơi ngoài trời”.

Cơ sở sản xuất bánh đa nem khép kín của anh Nguyễn Quốc Dũng đang triển khai xây dựng

Sử dụng máy sấy bánh được xem là giải pháp hữu hiệu hiện nay, tuy nhiên, việc đầu tư cũng không phải đơn giản khi hầu hết các hộ sản xuất đều nhỏ lẻ, vốn liếng cũng không có nhiều. Nên chăng, các hộ đoàn kết lại thành tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để vừa chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, vừa góp vốn đầu tư giúp nghề làm bánh truyền thống phát triển hơn...

Thời gian qua, UBND TP Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND các xã, phường và các phòng, ban đơn vị liên quan vào cuộc để tuyên truyền, xử lý các vi phạm của các hộ sản xuất. Tuy nhiên, đây là nghề có ảnh hưởng đến sinh kế của người dân nên cần phải có các giải pháp căn cơ. Do đó, bên cạnh các giải pháp tạm thời, UBND thành phố cũng đang chỉ đạo các phòng chuyên môn liên quan nghiên cứu, tham mưu các cơ chế, chính sách phù hợp như hỗ trợ mua máy sấy, hỗ trợ tập huấn, đào tạo,…nhằm đưa nghề sản xuất bánh đa nem trên địa bàn đảm bảo được các quy định của pháp luật cũng như duy trì và phát triển nghề bền vững.”
Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Hà Tĩnh Nguyễn Thế Công

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói