Vào ngày 14/1, Microsoft sẽ chính thức ngừng mọi hỗ trợ dành cho Windows 7. Hệ điều hành ra đời từ năm 2009 này sẽ xuất hiện nhiều nguy cơ bảo mật do không được cập trong vài ngày tới, nhưng với nhiều người dùng điều đó dường như không phải vấn đề.
Theo số liệu từ StatCounter, kết thúc năm 2019 thị phần của Windows 7 vẫn còn 26,7%. Hệ điều hành thống trị hiện nay là Windows 10 với 65,4%. Windows 10 đã bỏ xa về thị phần, nhưng con số đó cho thấy Windows 7 vẫn được rất nhiều người dùng ưa chuộng.
Vì sao người dùng vẫn chuộng Windows 7?
Windows 7 được Microsoft chính thức phát hành vào tháng 10/2009, đến nay đã hơn 10 năm tuổi. Hệ điều hành này là một bản nâng cấp lớn cả về giao diện, chức năng và khả năng tương thích thiết bị. Thời điểm thành công nhất, Windows 7 được cài đặt trên 900 triệu thiết bị.
Thị phần của Windows 7 liên tục giảm trong những năm qua, nhưng vẫn còn trên 20% người lựa chọn hệ điều hành này. Ảnh: StatCounter. |
Trong chủ đề bàn luận “Vì sao bạn vẫn dùng Windows 7” trên diễn đàn Reddit, nhiều thành viên đã đưa ra lý do thuyết phục để không nâng cấp lên Windows 10. Điều trớ trêu là “cập nhật quá thường xuyên” lại trở thành nguyên nhân được rất nhiều người đưa ra.
“Tôi chẳng cần tính năng nào chỉ có trên Windows 10. Windows 7 không thay đổi giao diện 2 lần mỗi năm và tôi chẳng phải lo update sẽ gây lỗi. Nó cũng không có phần mềm rác, dùng mượt y hệt mà giao diện người dùng thì tốt hơn Windows 10 rất nhiều”, người dùng MickJof chia sẻ.
“Máy vẫn chạy tốt, không có vấn đề gì nên tôi chẳng thấy lý do gì để bỏ tiền nâng cấp lên Windows 10 cả”, người dùng someone_somewhere nhận xét.
Một lý do phổ biến khác là Microsoft bắt đầu tích hợp tài khoản Microsoft khá sâu từ hệ điều hành Windows 10. Người dùng cần phải có tài khoản để đồng bộ cài đặt trên máy tính hoặc sử dụng các dịch vụ của Microsoft, điều mà hãng không hề yêu cầu khi dùng Windows 7.
Windows 7 được yêu thích nhờ sự mượt mà, giao diện đẹp. Đến nay, nhiều người vẫn chọn dùng hệ điều hành này vì Windows 10 không có nhiều điểm nổi trội. Ảnh: Microsoft. |
“Windows 7 không tự khởi động và cho phép tôi can thiệp quá trình đó. Windows 7 cũng cho phép tạo tài khoản administrator mà không bắt tôi phải dùng email Microsoft. Nó cũng chẳng hiện một ô cảnh báo nếu tôi chưa đăng nhập tài khoản Microsoft trên máy tính”, người dùng just_wondering nhận xét.
“Và cuối cùng, Windows 7 có sẵn trò Gỡ mìn”, người dùng này nói thêm.
Microsoft dùng đủ cách để “ép” người dùng nâng cấp
Ngay từ khi Windows 10 mới ra mắt, Microsoft đã có một chiêu khuyến khích người dùng khá hấp dẫn khi cho phép họ nâng cấp từ Windows 7, Windows 8 lên Windows 10 miễn phí cho đến hết năm 2016. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019 công cụ nâng cấp vẫn hoạt động, nên người dùng vẫn có thể lên Windows 10 miễn phí.
Thông báo trên bản cập nhật Windows 7 mới cho người dùng biết rằng hệ điều hành này sắp bị Microsoft “khai tử”. Ảnh: The Verge. |
Sau đó, hãng liên tục gửi thông báo trên máy tính của người dùng chưa nâng cấp để cho họ biết rằng phiên bản Windows 7 sắp hết hạn hỗ trợ kỹ thuật, và người dùng nên nâng cấp lên Windows 10. Thông báo này khiến không ít người dùng khó chịu. Rất nhiều bài viết trên mạng “bày” cách tắt thông báo khó chịu này.
Việc ngừng hỗ trợ kỹ thuật cho Windows 7 vào tuần tới không đồng nghĩa với dấu chấm hết hệ điều hành này. Sau ngày 14/1, khách hàng doanh nghiệp vẫn có thể nhận hỗ trợ từ Microsoft trên Windows 7, nhưng phải trả tiền cho gói hỗ trợ, thay vì miễn phí như trước đây. Gói hỗ trợ này kéo dài tối đa 3 năm, với mức giá tăng dần từ 25 đến 100 USD/năm.
Đối với người dùng cá nhân, sau hạn 14/1, Microsoft sẽ ngừng phát hành các bản cập nhật, vá lỗi. Bất kỳ rắc rối bảo mật nào xảy ra sau ngày 14/1 đều không thuộc trách nhiệm của Microsoft. Lượng người tiếp tục sử dụng Windows 7 càng nhiều, nguy cơ lây lan virus hoặc mã độc sẽ càng lớn.
Windows 7 sẽ không “chết” trong một sớm một chiều, dù thị phần của hệ điều hành sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Giống như Windows XP đến nay vẫn còn được yêu thích, Windows 7 sẽ còn tồn tại trong lòng người dùng rất lâu.