Nói đến sầu đông, ai cũng nghĩ loài hoa này chỉ nở vào mùa đông, nhưng ngược lại, vào những ngày cuối xuân, đầu hạ, khi nắng bắt đầu nhẹ nhàng vương trên tóc ai thì những bông hoa tím li ti cũng bắt đầu...
Ảnh minh họa từ internet |
Mùa nắng, khoảng sân trước nhà đang vi vu trong gió ngàn, bao nhiêu khúc tình ca cất lên vẫn vang vọng từ đâu đó phía xa xa. Cả cuộc đời mỏi mòn trong những yêu thương treo đầu con nước lạ nguồn. Đâu rồi những chiều xa chạy ngược con đồi theo những chiếc diều chao nghiêng tiếng sáo? Đâu rồi những ngày nghe tin bão nổi, bước chân mẹ nặng nhọc những miền mưa? Đâu rồi những ngày xưa, ai đó ới à trốn tìm với những trò chơi năm mười nơi gốc rạ còn vương mùi ngai ngái? Nói chung là xa lắm, cả một góc tuổi thơ dường như trôi qua quá vội, đến cuối buổi chiều, bước chân dường như mỏi mệt, nghiêng người nhìn, hóa ra ta đã đi hết một chặng đường dài. Tôi đến với mùa bằng con mắt nhìn lạ lẫm. Dường như trời không xanh như cái tuổi thơ tôi vẫn thấy, có chăng chỉ còn những ngọn sầu đông cuối con đường vẫn còn vương màu cổ tích.
Sầu đông hay gọi là thầu đâu, sầu đâu, hay cây xoan đâu đều được. Tùy theo mỗi vùng có một tên gọi khác nhau. Duy ở miền Trung quê tôi thì vẫn hay gọi là cây sầu đâu hay thầu đâu, thân cây cao, trái kết thành chùm xum xuê và đặc biệt, hoa sầu đông có màu tim tím đến nao lòng. Tuổi thơ tôi ấn tượng nhiều về loại cây ấy. Đơn giản vì quê tôi đi tới đâu cũng thấy toàn cây sầu đông. Do quê tôi là miền đất cát với nắng, với gió, với những cơn bão trái mùa, thích hợp với loại cây này. Người dân quê tôi trồng nó để lấy củi, lấy gỗ, quả kết thành chùm sai trĩu nhưng lại không ăn được. Thuở còn tết bím, chúng tôi hay chơi đồ hàng bằng những chùm quả sầu đông ấy, quả nhỏ hình bầu dục, da trơn nhẵn. Lũ con gái dùng làm trái cây để buôn bán. Lũ con trai lại dùng để làm đạn ném nhau hay dùng ná để bắn nhau. Đôi lúc “tên bay, đạn lạc” nhầm qua lũ con gái, thế nào cũng có những trận khóc dầm dề và về mách bố mẹ, dù rằng, những vết thương đó tựa như kiến cắn thôi.
Nói đến sầu đông, tôi hay được nghe nhiều câu chuyện cổ tích của các ông bà lão trong xóm. Có người kể, cây sầu đông là hiện thân của một cô gái đợi chờ người yêu, nhưng người ấy đi mãi không về, sự chờ đợi mỏi mòn đã khiến cô hóa thành loại cây cứ vươn thẳng lên cao hơn những tầng lá khác để nhìn xa hơn. Tình yêu của cô đã hóa thành những chùm quả chi chít được đơm thành từ những giọt nước mắt đau khổ và chờ đợi nên quả độc và không ăn được. Vẻ đẹp của cô gái lại phảng phất trong những chùm hoa tím, người ta vẫn hay cho rằng, màu tím là màu của sự thủy chung.
Sầu đông thay lá vào mùa đông, có lẽ vì thế mà người ta thấy thân cây ủ rũ, lá xác xơ mà cái tên sầu đông có từ ấy.
Nhớ mẹ tôi vẫn tất tả những chiều mưa nắng, hai hàng sầu đông vẫn ngợp mình đón gió. Những ngày tôi xa, cây sầu đông trước nhà vẫn hàng ngày hóng nắng, mẹ tôi lại nhìn hoa vì mỗi mùa hoa sang, tôi lại sắp trở về bên mẹ, bên mái nhà của tình yêu ấm áp, bên những ngọn sầu đông vững chãi vươn mình trên nắng rát và những tình yêu đẹp vẫn được ấp ôm, trĩu trái.