Siêu tàu khu trục USS Zumwalt của Mỹ hôm qua rời cảng San Diego, bang California để chạy thử sau hơn 18 tháng lắp đặt các hệ thống tác chiến. Nhiều đài vô tuyến và cột ăng ten xuất hiện ngoài thượng tầng, cho thấy hải quân Mỹ đã áp dụng giải pháp hy sinh một phần tính tàng hình để cắt giảm chi phí chế tạo chiến hạm trị giá hơn 4 tỷ USD này, theo Drive.
|
Cụm thiết bị liên lạc mới được lắp (khoanh đỏ) bên ngoài thượng tầng. Ảnh: Drive. |
Hệ thống liên lạc vệ tinh băng tần EHF và UHF được lắp ở hai bên thượng tầng, cùng hai tổ hợp Đường truyền dữ liệu chiến thuật chung (TCDL) phía trên đài chỉ huy. USS Zumwalt cũng được trang bị một cột ăng ten cố định ở trên thượng tầng.
"Việc lắp thiết bị liên lạc bên ngoài giúp tiết kiệm chi phí do không phải chỉnh sửa thượng tầng và phát triển đài ăng ten nằm chìm trong vỏ tàu. Tuy nhiên, nó có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng tàng hình, làm tăng diện tích phản xạ radar của USS Zumwalt", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận định.
Một giải pháp cắt giảm đầu tư khác được hải quân Mỹ áp dụng là lắp pháo tự động Bushmaster cỡ nòng 30 mm ở đuôi tàu, thay cho biến thể pháo bắn nhanh 57 mm như thiết kế ban đầu. Quá trình thử nghiệm hệ thống tác chiến của USS Zumwalt dự kiến kéo dài tới năm 2021, trước khi con tàu có thể đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu sơ bộ.
Lớp siêu tàu khu trục Zumwalt được coi là một trong những dự án quân sự tốn kém nhất lịch sử Mỹ, nhưng lại gây thất vọng với hàng loạt lỗi thiết kế, đội giá và chậm tiến độ. Mỗi tàu có giá tới hơn 4 tỷ USD, buộc quốc hội Mỹ cắt giảm số lượng đặt mua từ 32 chiếc xuống chỉ còn ba tàu.
Chiếc thứ hai của lớp Zumwalt là USS Michael Mansoor vừa gặp sự cố trong chuyến thử nghiệm đầu năm nay, khiến Lầu Năm Góc phải chi ít nhất 20 triệu USD để thay động cơ.
Tàu cuối cùng trong lớp Zumwalt là USS Lyndon B. Johnson sẽ có thượng tầng làm bằng thép thay vì vật liệu composite. Giải pháp này giúp chi phí chế tạo thấp hơn hai tàu khu trục đầu tiên, nhưng làm tăng mạnh diện tích phản xạ radar và ảnh hưởng tới khả năng vận hành trên biển.