Sáng 9/4, đoàn công tác của TAND tối cao do đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao dẫn đầu có buổi làm việc với TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh về kết quả công tác những tháng đầu năm và nhiệm vụ, phương hướng thời gian tới. |
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đặt vấn đề buổi làm việc.
Thời gian qua, TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử, thực hiện quyền tư pháp, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Theo báo cáo, từ ngày 1/10/2021 đến ngày 8/4/2022, toà án hai cấp đã thụ lý 1.574 vụ việc, giải quyết 1.090 vụ, việc, đạt tỷ lệ 69,3%, giảm 6 vụ, việc so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ các vụ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chiếm 0,09%.
Các thành viên đoàn công tác TAND tối cao làm việc với TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh.
Trong đó, án hình sự thụ lý 510 vụ, giải quyết 375 vụ, đạt tỷ lệ 73,5%. TAND tỉnh và các tòa án cấp huyện đã tổ chức 19 phiên tòa trực tuyến.
TAND hai cấp đã thụ lý, giải quyết 686/1.016 vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động..., tăng 16 vụ, việc so với cùng kỳ. Án hành chính thụ lý 27 vụ (sơ thẩm), tăng 11 vụ so với cùng kỳ; giải quyết 8 vụ, đạt tỷ lệ 30%.
Về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án, thụ lý và giải quyết 21/21 hồ sơ.
Lãnh đạo TAND tỉnh và TAND các huyện, thị, thành phố dự buổi làm việc.
Đối với việc thực hiện Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án, từ ngày 1/10/2021 đến 8/4/2022, số đơn khởi kiện đương sự đồng ý hòa giải, đối thoại 343 đơn. Kết quả, hòa giải, đối thoại thành 247 vụ việc (đạt 72%); chuyển thụ lý theo thủ tục tố tụng 56 vụ việc, còn 40 vụ việc đang hòa giải, đối thoại.
Về công tác thi hành án hình sự, tòa án hai cấp đã ra quyết định thi hành án 546 bị án, ủy thác 92 bị án, hoãn 22 bị án, tạm đình chỉ 2 bị án, đình chỉ 1 bị án. Giảm chấp hành hình phạt tù 468 trường hợp, tha tù trước thời hạn có điều kiện 4 trường hợp. Xét rút ngắn thời gian thử thách án treo 37 trường hợp, giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ 2 trường hợp.
Chánh án TAND huyện Thạch Hà Nguyễn Thành Nhân: Đề xuất TAND tối cao xem xét nên có phần mềm dùng chung trong triển khai phiên tòa trực tuyến thuận lợi, hiệu quả hơn.
TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh duy trì thường xuyên việc kiểm tra công tác chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tòa án vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật.
Tại buổi làm việc, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình và các thành viên đoàn công tác đã lắng nghe các ý kiến về kết quả công tác, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và một số kiến nghị, đề xuất về công tác thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ phiên tòa trực tuyến; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin...
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình: Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh COVID-19, TAND hai cấp Hà Tĩnh đã có những cố gắng, nỗ lực và đạt kết quả tích cực trong giải quyết các vụ việc, triển khai thực hiện phiên tòa trực tuyến. Các đơn vị đã bám sát sự chỉ đạo của TAND tối cao, thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du đã làm rõ những vấn đề các đại biểu quan tâm về yêu cầu của cải cách tư pháp tại TAND, tổ chức triển khai phiên tòa trực tuyến và thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chánh án TAND tối cao nhấn mạnh, phiên tòa trực tuyến là xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp. TAND hai cấp Hà Tĩnh đã tích cực, chủ động triển khai các phiên tòa trực tuyến theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chánh án TAND tối cao.
Thời gian tới, Hà Tĩnh cần tiếp tục triển khai phiên tòa trực tuyến ở các toà án còn lại; xây dựng kế hoạch, lịch tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến cụ thể và thường xuyên báo cáo với TAND tối cao những vướng mắc, bất cập để kịp thời tháo gỡ.
Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án cùng các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao chất lượng xét xử, chất lượng thẩm phán; chú trọng công tác hòa giải; đẩy mạnh công tác tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên; tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ...