Dự thảo Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động HĐND các cấp tỉnh Hà Tĩnh” được xây dựng có 3 phần, gồm: Sự cần thiết của việc xây dựng đề án; thực trạng công tác lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND các cấp trong thời gian qua; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phản ánh một số vấn đề khó khăn, bất cập trong thực tiễn thực thi nhiệm vụ như: Điều kiện hoạt động của HĐND cấp xã còn nhiều khó khăn, thiếu kinh phí, thiếu cơ sở vật chất; ở cơ sở không lo mất quyền lãnh đạo của Đảng, mà chỉ sợ Đảng giao quyền mà không phát huy được, không đảm nhận được hết trách nhiệm.
Mô hình bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND cấp xã tạo áp lực công việc cho người đảm nhiệm, nhiều lúc, nhiều nơi dễ mất dân chủ; một số nơi mô hình bí thư kiêm trưởng thôn không khả thi do khối lượng công việc quá nặng, người được giao nhiệm vụ không thể đảm đương.
Đại biểu cũng đã có nhiều ý kiến góp ý về bố cục đề án, hình thức văn bản; bổ sung phương pháp thực hiện; nêu lên mối liên hệ giữa Đảng với HĐND và UBND; bổ sung các bài học kinh nghiệm và giải pháp thực hiện...
Ông Phạm Hữu Thao - Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Thạch Linh (TP. Hà Tĩnh): Nhân sự HĐND cấp xã chất lượng chưa cao, hoạt động chưa phát huy tối đa hiệu quả.
Bà Phan Thị Thúy Hợi - Phó Chủ tịch HĐND xã Đức Lạc (Đức Thọ): Sau giám sát, HĐND cấp xã đã có phản ánh, kết luận nhưng các vấn đề thường được xử lý chậm, chưa hiệu quả.
Đại biểu cũng đề nghị đề án cần lưu ý, có sự điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như: nên cơ cấu thư ký các kỳ họp là đại biểu HĐND; ở cấp xã cần có văn phòng HĐND riêng để thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quyền lực cao nhất; trong phần thực trạng cần bổ sung các phụ lục, số liệu để chứng minh, tăng tính thuyết phục; khắc phục tình trạng cử tri hạn chế đề xuất, góp ý trong các buổi tiếp xúc; phát huy mối quan hệ phối kết hợp giữa HĐND với MTTQ và các tổ chức đoàn thể để tăng tính phản biện…
Ông Nguyễn Khắc Trinh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Gia Hanh (Can Lộc): Mô hình bí thư kiêm chủ tịch HĐND và bí thư kiêm chủ tịch UBND đều có những thuận lợi và khó khăn hơn. Tuy nhiên, mô hình bí thư kiêm chủ tịch HĐND hay hơn vì nó phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng, không bị nhiều áp lực...
Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng: Nội dung của dự thảo Đề án cần phải có sự điều chỉnh vì nó đang nghiêng về việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND các cấp chưa được thể hiện rõ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn đánh giá cao những nỗ lực, tinh thần làm việc của Ban Soạn thảo đề án và các ý kiến góp ý của đại biểu.
Tuy nhiên, nội dung đề án vẫn đang chủ yếu tập trung vào hoạt động của HĐND, còn vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng như thế nào chưa được làm rõ. Đối với các ý kiến thảo luận, đại biểu cũng đang mô tả hoạt động của HĐND, chưa khẳng định được các hoạt động này là sản phẩm từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.
Bí Thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn cũng lưu ý: Trong quá trình hoàn thiện nghị quyết cần phải làm thế nào để tinh thần bao trùm lên đề án này là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND các cấp.
Đề án cũng phải lột tả được sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND các cấp bằng cách nào, làm sao để HĐND, UBND thực hiện có hiệu lực, hiệu quả các nghị quyết của Tỉnh ủy ban hành. Ban Soạn thảo cũng phải chú ý đến việc làm thế nào để nghị quyết được đi vào cuộc sống, trong quá trình triển khai thực hiện phải làm sao để tăng cường giám sát, tính phản biện...