“Tất cả tên lửa đã đạt được mục đích đề ra bao gồm kiểm tra tầm bắn xa và ngắn nhất, khả năng tấn công trực tiếp và thử nghiệm ở các chế độ làm việc”, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho hay, đồng thời khen ngợi nỗ lực của quân đội Ấn Độ và nhà phát triển là Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng (DRDO).
Tên lửa NAG của Ấn Độ làm việc tốt trong cả môi trường nắng nóng và lạnh giá
Trước đó, cuộc thử nghiệm trong điều kiện mùa đông của tên lửa NAG đã hoàn thành vào tháng 12-2018. Quân đội Ấn Độ sau đó đã tiếp tục thử nghiệm khả năng dò tìm hồng ngoại của loại tên lửa chống tăng này.
NAG có thể khóa được mục tiêu ở khoảng cách 4km, lớn nhất trong các loại tên lửa chống tăng hiện có trên thế giới như Javelin của Mỹ và Spike của Israel, chỉ đạt 2,5km.
“Tên lửa chống tăng NAG sử dụng hệ thống dẫn đường bằng hồng ngoại để khóa mục tiêu trước khi phóng, độc nhất trên thế giới. Cơ cấu làm việc này cho phép tên lửa bắn trúng mục tiêu trong điều kiện nhiệt độ nóng nực”, DRDO nhấn mạnh.
DRDO cũng đang phát triển loại tên lửa chống tăng phóng từ trực thăng có tên HeliNa dành cho không quân.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã hủy hợp đồng trị giá 500 triệu USD mua các tên lửa Spike của Israel và dành quyền ưu tiên cho NAG. Quân đội nước này được cho là sẽ mua ít nhất 40.000 tên lửa chống tăng trong vòng 2 năm tới.