Tết Việt trong tâm hồn đồng bào xa Tổ quốc

(Baohatinh.vn) - Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời đối với dân tộc Việt Nam. Dù đi góc bể chân trời, đối với họ, quê hương chỉ một là Việt Nam. Tết là dịp nỗi nhớ quê hương với mỗi người trào dâng, ký ức xuân quê ngọt ngào hơn, niềm tự hào về Tổ quốc Việt Nam mãnh liệt hơn.

GS. Lê Thị Hoài An (bên trái) chụp cùng gia đình

GS. Lê Thị Hoài An - Trường Đại học Lorraine - Cộng hòa Pháp:

Rạo rực chờ đón tết Việt Nam

Xa đất nước, quê hương nhưng khi tết đến xuân về, gia đình tôi cũng rạo rực chờ đón Tết Nguyên đán Việt Nam không kém gì những người ở quê nhà. Trước đây, năm nào nhà tôi cũng tổ chức nấu bánh chưng, làm cỗ cúng chiều ba mươi. Bây giờ cộng đồng người Việt ở Pháp đông đảo hơn, các sản vật tết Việt Nam cũng nhiều hơn nên chúng tôi không tổ chức nấu bánh nữa mà mua từ các cửa hàng, siêu thị.

Đặc biệt, mấy năm nay, gia đình tôi có thêm 3 thành viên: Cậu con rể người Pháp và 2 cháu ngoại, bé Maily (Minh An) và Candice (Thu An). Các thành viên mới làm cho không khí tết Việt Nam của gia đình tôi thêm vui tươi, phấn khởi và trọn vẹn hơn. Để cháu ngoại hòa nhập vào không gian gia đình Việt, chúng tôi đã dạy cháu Maily nói tiếng Việt và gửi cháu đến học lớp Tre Xanh do bà Lý Kiều Thu mở. Maily rất thích học và cháu nói tiếng Việt rất giỏi. Gia đình tôi rất vui.

Năm cũ sắp hết, Tết Nguyên đán của người Việt Nam sắp đến. Cùng với cộng đồng người Việt tại Pháp, gia đình tôi đang sửa soạn cho mâm cỗ tất niên chiều ba mươi tết thật đủ đầy và ấm cúng. Tôi gửi lời chúc năm mới tốt lành tới tất cả bạn đọc Báo Hà Tĩnh và bạn bè người thân ở quê hương. Chúc mọi người vui vẻ, hạnh phúc, thành công trong năm mới 2020!

Ông Bùi Vinh Quang- Cộng hòa Liên bang Đức:

Hạnh phúc khi thấy quê hương thay đổi

Tuy được sống trong một đất nước văn minh nhưng chưa bao giờ tôi quên nguồn cội của mình. Dòng máu Việt Nam vẫn hằng chảy trong tim và tôi tâm niệm một điều rằng, dẫu sao đây vẫn là đất khách quê người.

Tôi đã có 30 mùa hoa đào, hoa mai nở, 30 lần không được nghe nồi bánh chưng sôi, không được tận hưởng giây phút thiêng liêng đất trời chuyển từ năm cũ sang năm mới cũng như không được chứng kiến đất nước đang đổi thay từng ngày. Ngày ấy ra đi, cái thị xã nhỏ bé đúng là nhà không số, phố không đèn. Nhà nhà chỉ có xe đạp và nhà tranh vách đất, nhà xây rất ít.

Mười năm sau trở về, đường phố đã sạch hơn, nhà xây và xe máy đã nhiều hơn. Và sau hơn 20 năm xa cách trở về, một Việt Nam hoàn toàn khác lạ, có những con phố tôi không nhận ra. Những con đường nhựa và những cây cầu hiện đại. Nhà cao tầng và ô tô nhiều hơn, người Việt Nam lái xe của mình không còn là chuyện lạ. Đặc biệt là con người bây giờ cũng đẹp đẽ và trang phục không hề thua kém các nước văn minh.

Ngày xưa khi mới đến Đức, nếu có người Đức hỏi tôi là người nước nào, nếu trả lời là người Việt Nam, nhiều người chỉ biết là một nước châu Á xa xôi. Nhưng giờ đây, Việt Nam không còn xa lạ với họ và cũng có nhiều người đã đến Việt Nam. Chỉ chừng đó thôi, tôi đã đủ để tự hào về Tổ quốc mình. Nhìn quê hương ngày càng đẹp với bao đổi thay, tôi thật sự hạnh phúc.

Anh Đặng Việt Châu - Kỹ sư phần mềm tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản:

Thấy tết nôn nao nhớ quê nhà

Anh Đặng Việt Châu cùng vợ và 2 con gái tại Trường Việt ngữ Tokyo (Nhật Bản)

Sống và làm việc ở Nhật Bản đã hơn 15 năm, mỗi lần ngắm nhìn những hình ảnh mai, đào bung nở ở quê nhà xa xôi, những cuộc điện thoại từ người thân thông báo chuẩn bị cho ngày tết thì cảm giác nôn nao, hụt hẫng vì nỗi nhớ quê cứ dâng tràn. Ở trong nước, vào những ngày cận tết, nếu chúng ta nôn nao muốn về quê bao nhiêu thì những kiều bào ở nước ngoài xa xôi như chúng tôi cũng có chung một khao khát giống như thế…

Gia đình tôi có 2 bé, bé lớn năm nay đã 10 tuổi, mỗi dịp tết đến, gia đình chúng tôi dạy các cháu gói bánh chưng truyền thống để các cháu không quên tết Việt Nam. Trước đây, cộng đồng người Việt ở Nhật Bản thường tổ chức các lễ lớn chào đón tết cổ truyền nhưng thời gian gần đây do các du học sinh tự túc, tu nghiệp sinh và lao động phổ thông sang đây tăng đột biến nên hầu như sẽ tổ chức sinh hoạt theo nhóm, theo tỉnh, tùy sự kết nối.

Riêng gia đình tôi có một nhóm bạn chơi từ thời du học sinh cách đây 15 năm vẫn giữ mối kết giao thường xuyên nên cứ tết đến, các gia đình lại tụ họp, tổ chức tiệc chào đón đêm giao thừa như ở quê nhà…

Chị Võ Thị Cẩm Nhung - nhân viên tại Bệnh viện Đa khoa Singapore:

Nhớ mùi bánh chưng xanh

Singapore có thể xem là đất nước đa sắc tộc, nên lễ tết ở đây cũng rất nhiều, nhưng để có không khí tết như ở Việt Nam thì không thể. Bởi tết là đoàn viên, là tiếng sắc bùa đêm 30, là mùi bánh chưng xanh thơm khói bếp… Tất cả những dư vị đó không nơi nào có thể sánh được với quê nhà.

Làm việc ở Singapore 2 năm nhưng đây là năm đầu tiên tôi ăn tết xa nhà. Trước đó, năm nào cứ tầm 27 tết là về nhà, đi với bố ra chợ chọn quất, đào cảnh về chưng, phụ mẹ làm con gà cúng đêm giao thừa, cùng em gái lau chùi nhà cửa cho tinh tươm, sạch sẽ. Nhưng năm nay thì khác quá, cảm giác xa nhà chưa quen, dù vẫn có những bữa cơm tất niên đúng kiểu Việt Nam, nhưng dù sao vẫn cảm giác nhớ nhà, nhớ cái tết cùng gia đình nhiều lắm.

Chủ đề LỄ HỘI XUÂN QUÝ MÃO 2023

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói