Những sáng tháng 5, khi cả dân tộc đang hướng lòng mình về các khu di tích in dấu Bác Hồ, tôi lại về Nam Đàn để lắng thêm vào lòng mình những xúc cảm thanh cao. Ở đó, trong hương sen ngan ngát, giữa nếp nhà lặng lẽ, trong những câu chuyện của hướng dẫn viên, Bác Hồ như còn ở đó, thật gần gũi, bình dị và cũng thật vĩ đại…
"Trông cây lại nhớ người" - NSND Thu Hiền
Tôi không nhớ đã trở lại quê Bác bao nhiêu lần vào những sáng tháng 5 đầy tha thiết nhưng tôi nhớ rất rõ từng cảm xúc của mình. Đó là nỗi bồi hồi, xúc động, ngưỡng mộ, tự hào, biết ơn khi bước chân vào con đường làng thơm ngát hương sen, khi lặng lẽ đi giữa những hàng rào dâm bụt hay khi hòa vào dòng người ngắm nhìn những ngôi nhà, những kỷ vật. Giữa quê nhà bình dị, Bác vẫn còn đâu đó, bất tử với thời gian.
Lần nào cũng thế, đi đến ngả rẽ, chỉ cần nhìn thấy cái cổng ghi dòng chữ làng Hoàng Trù là trái tim tôi đã đập những nhịp xao xuyến khác thường. Và chỉ cần đi thêm một đoạn đường, hít căng lồng ngực mùi sen ngan ngát, gặp những dáng người lặng lẽ, cần mẫn phơi lúa trong sân nhà là đã thấy thật thân quen, thật gần gũi như thể đó là nguồn cội của chính mình. Nhiều du khách cũng nói với tôi về cảm giác gần gũi, thân quen ấy khi đến thăm quê Bác.
Mỗi ngày, có hàng ngàn người về thăm quê Bác. Họ có thể là cựu chiến binh, là cán bộ hưu trí, là các em học sinh cùng các vị khách quốc tế. Họ đều lần lượt trải qua rất nhiều cảm xúc. Có niềm hân hoan. Có nỗi xúc động. Có niềm tự hào. Có sự ngưỡng mộ. Có lòng thành kính. Và, dù cảm xúc có khác nhau thì tất cả đều cảm thấy như thể mình vừa được gặp Hồ Chủ Tịch giữa bóng dáng quê hương. Giản dị. Hiền từ. Gần gũi. Ấm áp.
Bác Đoàn Văn Tại - cựu chiến binh ở huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Tôi đã nhìn thấy hình ảnh quê hương Bác Hồ trên phim ảnh khá nhiều nhưng đây là lần đầu tiên tôi được về thăm quê Bác. Đi giữa khung cảnh thanh bình, lắng nghe những câu chuyện về cuộc đời Bác, tôi mới hiểu vì sao nơi đây lại có một vĩ nhân tài ba mà hiền hậu đến thế, bình dị đến thế. Tôi như đã “gặp” Người bên hàng dâm bụt, bên liếp tre căn nhà thuở nhỏ, bên ao cá vừa mới được đầu tư xây dựng… Ở đâu, cũng vẫn là bóng dáng ấy, mộc mạc và hiền từ”.
Quê hương đã kiến tạo nên nhân cách, khát vọng và hoài bão của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ cánh võng đơn sơ đến lời ru của mẹ, từ căn nhà hàng xóm đến lời dạy của cha, từ con ngõ quanh co đến vách nhà bình dị, từ căn bếp đơn sơ đến những chuyện bị đày đọa của dân làng… Ở đâu người ta cũng có thể tìm thấy và cảm nhận được những yếu tố tác động và kết tinh nên những phẩm chất trong con người lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Bác Hoàng Thị Lan - cán bộ hưu trí ở khu gang thép thành phố Thái Nguyên cho biết: “Tôi đã đến nhiều di tích Bác Hồ nhưng không ở đâu tôi cảm nhận rõ về Người như ở quê nhà Nam Đàn. Từ Hoàng Trù quê ngoại đến Làng Sen quê cha, ở đâu cũng thấy hiển hiện bóng dáng nhân từ của Bác. Lúc thì đang thảnh thơi tưới cây, lúc lại đang cười đùa với các cháu thiếu nhi… Có lẽ, Bác vẫn ở đây, giữa quê nhà đầy thương nhớ này”.
Không chỉ “gặp” Bác giữa quê nhà, đến Khu di tích Kim Liên, du khách còn cảm nhận được một tình yêu rất đỗi thiết tha với Bác và của Bác. Đó có thể là cảm xúc bắt nguồn từ những ca khúc về Bác được phát qua những chiếc loa nhỏ được gắn trên dọc những con ngõ quanh co. Những ca khúc “Trông cây lại nhớ đến Người”, “Người về thăm quê”, “Bác Hồ một tình yêu bao la”… như nhắc nhớ thêm về những kỷ niệm, những tình cảm của Bác với dân, của dân với Bác.
Những vật dụng đời thường gắn với tuổi thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đặc biệt, những câu chuyện được kể sinh động từ các hướng dẫn viên luôn tạo nên nhiều cảm xúc. Chị Trần Bích Đảm - Trưởng phòng Tuyên truyền giáo dục - Khu di tích Kim Liên cho biết: “Từ 10/4 đến 10/5, chúng tôi đón tiếp 7.676 đoàn với 267.906 lượt khách. Đoàn nào cũng rất đông nhưng vào đây ai cũng lặng lẽ, thành kính. Tùy vào độ tuổi, đặc trưng vùng miền, tính chất công việc của từng đoàn khách, chúng tôi sẽ kể những câu chuyện khác nhau. Hầu hết những câu chuyện ấy đều khiến du khách rơi nước mắt. Ai cũng như lớn lên thêm một chút, nhỏ bé đi một chút khi được nghe những câu chuyện về Người”.
Bác Hồ sinh ra ở Nam Đàn nhưng phần lớn cuộc đời Người lại bôn ba khắp xứ sở. Trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam nơi nào Bác cũng để lại tình yêu cho nhân dân. Bởi thế, trong tâm thức bao người, Bác vừa là vị lãnh tụ vĩ đại nhưng đồng thời là một người giản dị, đầy tình yêu thương. Bởi thế, bất kỳ ai, dù cùng thời đại hay hậu thế đều kính yêu Người.
Em Nguyễn Thị Ngọc - học sinh lớp 7B Trường THCS Kỳ Tiến (huyện Kỳ Anh) cho biết: “Em rất vui vì trong dịp chuẩn bị kỷ niệm sinh nhật Bác năm nay được nhà trường cho đi tham quan quê Bác. Giữa những nét thân thương, bình dị của quê hương, được tận mắt nhìn thấy những vật dụng quen thuộc của gia đình Bác và hàng xóm, lắng nghe những câu chuyện từ các cô hướng dẫn viên, em càng hiểu sâu sắc hơn về tình cảm của Bác đối với đất nước, với dân tộc và càng kính yêu Người hơn. Chúng em nguyện sẽ học tập tốt để góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước”.
Cũng bởi một tình yêu sâu sắc như thế mà Ban Quản lý Khu di tích Kim Liên cũng luôn nhận được những tình cảm, sự chia sẻ của nhiều tổ chức, địa phương khác. Ông Hà Vinh - Phó Giám đốc Khu di tích Kim Liên cho biết: “Tình cảm của nhân dân cả nước không chỉ giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc sưu tầm tài liệu, hiện vật gắn bó với cuộc đời Bác mà còn giúp chúng tôi xây dựng, hoàn thiện thêm nhiều hạng mục công trình phục vụ du khách. Vài năm trở lại đây, chúng tôi đã xây dựng thêm được Nhà hữu nghị Việt - Lào, ao cá Bác Hồ, sân khấu biểu diễn và nhiều công trình phụ trợ khác. Điều đó đã giúp chúng tôi chuyển tải được nhiều hơn những câu chuyện của Bác, tình cảm của Bác dành cho đất nước và nhân dân, cho bạn bè quốc tế”.
Bây giờ, khắp những con đường Kim Liên, sen đã bung nở ngan ngát, những hàng cây cũng đã sum suê hơn. Ngày ngày, dòng người khắp 3 miền vẫn lặng lẽ trở về thăm làng quê của Hồ Chủ Tịch. Họ đến để thấm nhận sâu sắc hơn tình yêu dành cho vị lãnh tụ kính yêu, để khai mở trong lòng mình những cảm xúc mới...
Ảnh & thiết kế: huy tùng