Thế giới ngày qua: Bangladesh-Myanmar nhất trí thời gian hồi hương người Rohingya

(Baohatinh.vn) - Bangladesh-Myanmar nhất trí thời gian hồi hương người Rohingya; Khoảng 100.000 dân Sri Lanka biểu tình ủng hộ Thủ tướng bị cách chức... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 30/10 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Người Rohingya xếp hàng nhận hàng hóa cứu trợ tại trại tị nạn Kutupalong ở Cox"s Bazar, Bangladesh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bangladesh-Myanmar nhất trí thời gian hồi hương người Rohingya: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bangladesh Shahidul Haque ngày 30/10 cho biết Bangladesh và Myanmar đã nhất trí sẽ bắt đầu quá trình hồi hương người di cư Rohingya vào giữa tháng 11 tới và đây sẽ là giai đoạn đầu.

Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Myanmar Myint Thu cho hay hai bên đã thống nhất một kế hoạch "rất cụ thể" để bắt đầu quá trình này vào tháng 11. Ông Myint Thu khẳng định Chính phủ Myanmar đã thể hiện thiện chí chính trị, sự linh động và những thu xếp cần thiết để bắt đầu cho hồi hương người Rohingya sớm nhất có thể.

Theo Liên hợp quốc, có hơn 720.000 người Rohingya tại bang Rakhine, miền Tây Myanmar đã sang tị nạn tại Bangladesh kể từ tháng 8/2017, khi quân đội Myanmar tiến hành chiến dịch truy quét các phần tử nổi dậy tại bang Rakhine.

Ông Ranil Wickremesinghe (giữa) tham dự một sự kiện ở Galle, miền Nam Sri Lanca ngày 26/10. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khoảng 100.000 dân Sri Lanka biểu tình ủng hộ Thủ tướng bị cách chức: Ngày 30/10, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình, bao vây khu vực trung tâm thủ đô Colombo của Sri Lanka, nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Thủ tướng vừa bị cách chức Ranil Wickremesinghe.

Đảng Quốc gia thống nhất (UNP) của ông Wickremesinghe cho biết khoảng 100.000 người đã tham gia cuộc biểu tình trong khi nguồn tin cảnh sát đưa ra con số 25.000 người.

Tổng thống Maithripala Sirisena ngày 26/10 bất ngờ cách chức ông Wickremesinghe và chỉ định cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa làm Thủ tướng mới. Quyết định được đưa ra sau những bất đồng giữa hai nhà lãnh đạo này về chính sách kinh tế và cách thức vận hành bộ máy chính phủ.

Lính Mỹ tại một căn cứ trước khi được triển khai tới biên giới Mexico hồi đầu năm nay. (Ảnh: AFP)

Mỹ huy động 14.000 lính chặn dòng người di cư: Lầu Năm Góc ngày 29/10 tuyên bố sẽ điều động 5.200 binh sĩ tới biên giới phía Tây Nam nhằm ứng phó với đoàn di cư từ Honduras đang tràn qua lãnh thổ Mexico tìm cách tới Mỹ bằng đường bộ, theo AFP.

Theo quân đội Mỹ, lực lượng này sẽ phối hợp hoạt động với 2.000 lính Vệ binh Quốc gia đã có mặt tại khu vực trước đó, nâng số lượng binh sĩ thực tế được huy động ở khu vực biên giới lên 7.200, tương đương với số binh sĩ đang thực hiện chiến dịch chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.

Ngoài ra, một quan chức quân sự Mỹ giấu tên xác nhận rằng 7.000 binh sĩ khác cũng được đặt vào tình trạng trực chiến 24/24, sẵn sàng triển khai tới biên giới trong tình huống khẩn cấp. Tổng số binh sĩ Mỹ được huy động cho nhiệm vụ này lên tới hơn 14.000 người.

Nhà văn Kim Dung.

Tiểu thuyết gia Kim Dung qua đời ở tuổi 94: Truyền thông Trung Quốc đưa tin nhà văn Kim Dung qua đời tại một bệnh viện ở Hong Kong (Trung Quốc) ngày 30/10 sau thời gian dài chiến đấu với bệnh tật, hưởng thọ 94 tuổi. Gia đình nhà văn đã xác nhận thông tin trên.

Tác giả Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Hàng Châu. Ông cho ra mắt tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên của mình mang tên "Thư kiếm ân cừu lục" với bút danh Kim Dung vào năm 1955.

Kim Dung nằm trong số những nhà văn Trung Quốc có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại. Ngoài ra, ông cũng là người sáng lập tờ Minh báo tại Hong Kong. Ông được tôn vinh là một nhà báo và nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội trong cộng đồng người Hoa trong nhiều thập niên.

Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng May cho biết Anh không tổng tuyển cử sớm, vẫn theo đuổi Brexit: Thủ tướng Theresa May ngày 30/10 cho biết Chính phủ Anh không có kế hoạch tổ chức cuộc tổng tuyển cử sớm và vẫn theo đuổi việc ký kết thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) về việc nước này ra khỏi khối, sự kiện còn gọi là Brexit.

Trước đó, truyền thông Anh đưa tin chính phủ của bà May có thể tuyên bố tổ chức bầu cử trước thời hạn và các cố vấn của bà May đang chuẩn bị cho việc này. Theo đó, các thành viên cứng rắn trong chính phủ thiểu số xem đây là biện pháp củng cố đảng Bảo thủ và tăng cường vị thế của đảng này trong Quốc hội.

Tuy nhiên, việc tổ chức bầu cử trước thời hạn có rủi ro lớn là mức độ tín nhiệm của Công đảng đối lập hiện ngang bằng với đảng Bảo thủ.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói