Thế giới ngày qua: Bắt đầu xử lý ô nhiễm chì tại Nhà thờ Đức Bà Paris

(Baohatinh.vn) - Bắt đầu xử lý ô nhiễm chì tại Nhà thờ Đức Bà Paris; Gibraltar nỗ lực giảm căng thẳng với Iran... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 13/8 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp, bị phá hủy một phần sau vụ hỏa hoạn, ngày 16/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bắt đầu xử lý ô nhiễm chì tại Nhà thờ Đức Bà Paris: Ngày 13/8, các đường phố quanh Nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris (Pháp) đã tạm thời đóng cửa để các công nhân bắt đầu triển khai các biện pháp xử lý nguy cơ ô nhiễm chì sau vụ hỏa hoạn tại công trình kiến trúc nổi tiếng này hồi tháng 4 vừa qua.

Trong vụ cháy Nhà thờ Đức Bà, khoảng 300 tấn chì từ phần mái và tháp chuông đã bị tan chảy, gây ra lượng bụi chì lớn trong không khí, đe dọa sức khỏe của cư dân sống gần khu vực, đặc biệt là trẻ em.

Ngày 5/8 vừa qua, chính quyền Paris đã công bố kết quả các xét nghiệm mới tại các trường học và nhà trẻ xung quanh Nhà thờ Đức Bà, cho thấy chưa đến 70 mg chì trên mỗi m2 - ngưỡng được coi là an toàn. Tuy nhiên, kết quả cũng cho thấy tại một số trường học và nhà trẻ ngoài khu vực di tích lịch sử hơn 850 tuổi này vẫn có 1.000 mg chì trên mỗi m2 ở những nơi như sân chơi và bậu cửa sổ.

Tàu chở dầu Grace 1 của Iran trên vùng biển ngoài khơi Gibraltar ngày 6/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Gibraltar nỗ lực giảm căng thẳng với Iran: Người phát ngôn chính quyền Gibraltar - vùng lãnh thổ Anh tại Địa Trung Hải ngày 13/8 cho biết đang tìm cách giảm căng thẳng với Iran sau vụ Lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh bắt giữ tàu Grace 1 tháng trước.

Trước đó, giới chức Iran xác nhận hai bên đã trao đổi một số tài liệu. Hãng thông tấn bán chính thức Fars của Iran đưa tin chính quyền Gibraltar có thể sẽ thả tàu Grace 1 vào tối 13/8. Tuy nhiên, nguồn tin chính quyền Gibraltar đã bác bỏ thông tin trên. Theo kế hoạch, lệnh tạm giữ tàu Grace 1 sẽ hết hạn vào tối 17/8.

Trong một tuyên bố cùng ngày, Anh cho biết các cuộc điều tra đối với tàu Grace 1 là vấn đề của chính quyền Gilbraltar và London sẽ không bình luận về thông tin trên.

Ngày 4/7 vừa qua, Lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh đã bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 ở ngoài khơi Gibraltar do nghi ngờ tàu này vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) chở dầu tới Syria. Iran đã bác bỏ cáo buộc trên.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu tại một cuộc họp báo ở Caracas. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Venezuela bổ nhiệm 6 bộ trưởng và thành lập 1 bộ mới: Ngày 12/8, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã thông báo quyết định bổ nhiệm mới 6 bộ trưởng và thành lập một bộ mới trong khuôn khổ chiến dịch “Đổi mới, Sửa sai và Thay đổi” hoạt động điều hành của chính phủ.

Các bộ sẽ có người đứng đầu mới bao gồm Nông nghiệp đô thị; Phát triển khoáng sản sinh thái; Phụ nữ và bình đẳng giới; Giáo dục đại học; Công trình công cộng; Sinh thái xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, bộ mới được thành lập sẽ là Du lịch và ngoại thương với mục tiêu thúc đẩy phát triển du lịch và đầu tư quốc tế ở Venezuela.

Trong một thông điệp trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Maduro cho biết các bộ trưởng mới đều là những chuyên gia trong lĩnh vực của mình với nhiều kinh nghiệm, từng giữ nhiều trọng trách khác trong quá trình phát triển toàn diện của đất nước trong những năm qua.

Đất hiếm được sử dụng phổ biến trong sản xuất điện thoại thông minh. (Ảnh: AndroidPit)

Australia muốn trở thành nhà cung cấp đất hiếm cho các đồng minh: Ngày 12/8, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds đã cho biết trong thời gian tới, nước này sẽ tập trung đẩy mạnh sản xuất đất hiếm và các "kim loại công nghệ" khác phục vụ cho quốc phòng, do những lo ngại về nguồn cung từ Trung Quốc.

Đất hiếm được sử dụng khá phổ biến trong các sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh, hệ thống điện tử hàng không, vũ khí công nghệ.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung hiện nay có thể khiến nguồn cung đất hiếm bị bóp nghẹt, bởi Trung Quốc sản xuất hơn 95% lượng đất hiếm trên toàn cầu trong khi Mỹ nhập hơn 80% đất hiếm mỗi năm từ Trung Quốc.

Bà Reynolds cho biết Australia là quốc gia giàu tài nguyên trong đó có đất hiếm và các loại kim loại sử dụng trong lĩnh vực công nghệ khác. Do đó, Australia có thể đảm bảo nguồn cung mặt hàng này cho các đồng minh như Mỹ và Anh.

Cựu Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev. (Ảnh: Reuters)

Cựu Tổng thống Kyrgyzstan bị buộc một loạt tội đặc biệt nghiêm trọng: Đại diện Viện công tố Kyrgyzstan ngày 13/8 cho biết cựu Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev bị cáo buộc thực hiện một loạt tội đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có tội sát hại một nhân viên lực lượng đặc nhiệm.

Đại diện Viện công tố nói :"Ông Atambayev bị buộc tội sử dụng vũ lực đối với các nhân viên cơ quan thực thi pháp luật, tổ chức gây rối đông người, giết người, âm mưu giết người, sát hại nhân viên cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức bắt cóc con tin."

Trước đó, người đứng dầu Ủy ban an ninh quốc gia Kyrgyzstan Orozbek Opumbaev ngày 13/8 khẳng định ông Atambayev chuẩn bị đảo chính. Đại diện Viện công tố cho biết chính quyền đã ra lệnh tịch biên phần lớn tài sản của cựu Tổng thống.

Ông Atambayev bị bắt giữ ngày 8/8 sau khi bị cáo buộc tham nhũng và tước quyền miễn truy tố. Việc bắt giữ đã được thực hiện trong một chiến dịch đặc biệt kéo dài 1 ngày đêm. Những người ủng hộ ông Atambayev đã tổ chức kháng cự làm 1 lính đặc nhiệm thiệt mạng, hơn 100 người bị thương.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói