Thế giới ngày qua: Bệnh bại liệt ở trẻ em xuất hiện trở lại tại Philippines sau 19 năm

(Baohatinh.vn) - Bệnh bại liệt ở trẻ em xuất hiện trở lại tại Philippines sau 19 năm; Đánh bom gần trụ sở cơ quan tình báo Afghanistan khiến 20 người chết... là những thông tin thế giới nổi bật trong ngày 19/9 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Trẻ em uống vắc - xin. (Nguồn: rappler.com)

Bệnh bại liệt ở trẻ em xuất hiện trở lại tại Philippines sau 19 năm: Ngày 19/9, Bộ Y tế Philippines (DOH) xác nhận bệnh bại liệt ở trẻ em đã xuất hiện trở lại 19 năm sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố hết dịch tại quốc gia này.

Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque cho biết DOH tuyên bố dịch tái bùng phát sau khi xác định một trẻ 3 tuổi ở tỉnh Lanao del Sur, miền Nam quốc gia này mắc bệnh.

Chia sẻ với báo giới, ông Duque cho biết bệnh nhi này đã phục hồi sau khi được điều trị nhưng vẫn chịu những di chứng do bệnh để lại. Bên cạnh việc xác nhận dịch quay trở lại, ông Duque cho biết DOH đang đợi xác nhận một trường hợp khác nghi mắc chứng bại liệt cấp tính.

Ngoài ra, virus bại liệt đã được phát hiện trong các mẫu chất thải lấy từ quận Tondo của thủ đô Manila và các nguồn nước ở thành phố Davao, một thành phố lớn ở miền Nam Philippines trong các đợt thẩm định môi trường định kỳ.

Những mẫu vật đều được Viện Nghiên cứu Y học nhiệt đới quốc gia của Philippines xét nghiệm và các kết quả được kiểm nghiệm bởi Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.

Theo ông Duque, việc xác nhận một ca nhiễm virus bệnh bại liệt tuýp 2 hoặc xác định hai mẫu vật dương tính với virus này là đủ cơ sở để tuyên bố dịch xuất hiện trở lại.

Bên cạnh việc chủng ngừa, Bộ trưởng Y tế Philippines cũng khuyến cáo cộng đồng thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, ăn chín, uống sôi.

Hậu quả một vụ đánh bom tàn khốc ở Kabul. Ảnh: Al Jazeera.

Đánh bom gần trụ sở cơ quan tình báo Afghanistan, 20 người chết: Chính quyền Afghanistan hôm 19/9 cho biết, ít nhất đã có 20 người chết và 95 người bị thương trong một vụ đánh bom xe mới nhằm vào trụ sở cơ quan tình báo quốc gia nước này nhưng lại phát nổ trước cổng một bệnh viện ở

Nhóm vũ trang Taliban đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ đánh bom này. Như vậy, đây là vụ đánh bom thứ ba do lực lượng này tiến hành trong tuần này. Hai vụ tấn công trước đó vào hôm 17/9 tại tỉnh Parwan và thành phố Kabul đã khiến gần 50 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Tình hình bất ổn an ninh đang có xu hướng gia tăng tại Afghanistan sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ngừng các cuộc đàm phán với lực lượng Taliban và Afghanistan đang chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 28/9 tới.

Trước đó, lực lượng Taliban đã đe dọa sẽ tấn công các điểm bỏ phiếu và các địa điểm tổ chức chiến dịch tranh cử của các ứng viên nhằm gây sức ép lớn đối với chính quyền.

Các quan chức của TEPCO được tuyên trắng án. (Nguồn: NHK)

3 cựu quan chức của TEPCO (Nhật Bản) được tuyên trắng án: Tại phiên tòa xét xử những cá nhân chịu trách nhiệm trong sự cố hạt nhân sau thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra tháng 3/2011 tại Nhật Bản, ngày 19/9, một tòa án của nước này đã tuyên trắng án đối với 3 cựu quan chức của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima .

3 cựu quan chức của TEPCO - gồm cựu Chủ tịch Tsunehisa Katsumata cùng hai cựu Phó Chủ tịch Sakae Muto và Ichiro Takekuro. Họ có thể phải nhận mức án 5 năm tù giam nếu bị kết tội tắc trách dẫn đến hậu quả nghiêm trọng gây chết người.

Theo phán quyết, 3 cựu quan chức trên là những người duy nhất bị khởi tố hình sự liên quan đến sự cố hạt nhân được coi là nghiêm trọng nhất kể từ thảm họa Chernobyl.

Sau thảm họa động đất và sóng thần, một số lò phản ứng bị tan chảy tại nhà máy Fukushima. Tuy nhiên, cho đến nay không có ai chính thức được khẳng định là tử vong do sự cố hạt nhân trên, mặc dù thiệt hại do sóng thần và động đất đã khiến gần 18.500 người thiệt mạng và mất tích.

Những quan chức trên đã bị khởi tố hình sự do bị cho rằng liên quan đến 40 bệnh nhân phải nhập viện và đã chết sau khi phải sơ tán do sự cố hạt nhân.

Họ bị cáo buộc cẩu thả vì không thực hiện các biện pháp an toàn tốt hơn. Các luật sư bào chữa lập luận rằng thông tin đưa ra không đáng tin cậy và rằng các cựu quan chức của TEPCO chịu trách nhiệm về an toàn hạt nhân trong nhà máy đã có các biện pháp xử lý thích hợp.

Một trường học trống trơn ở gần khu vực tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur, Malaysia hôm 18/9. Ảnh: AFP.

Malaysia đóng cửa hàng nghìn trường học: Chính quyền Malaysia ra lệnh đóng cửa gần 2.500 trường học, khiến ít nhất 1,7 triệu học sinh bị ảnh hưởng do không khí ô nhiễm vì cháy rừng.

Lệnh đóng cửa trường học được đưa ra trong bối cảnh chất lượng không khí ở Malaysia đang ở mức nguy hại cho sức khỏe con người xuất phát từ hiện tượng khói mù tỏa ra từ các đám cháy rừng.

Tại thủ đô Kuala Lumpur, nhiều điểm quan trắc chất lượng không khí cho kết quả “gây hại cho sức khỏe”. Toàn bộ thành phố bị che phủ trong lớp bụi mù dày đặc.

Quốc gia láng giềng Indonesia cũng quyết định đóng cửa hàng trăm trường học tại tỉnh Riau trên đảo Sumatra vào hôm 19/9, trong khi 1.300 trường khác ở tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo cũng bị đóng cửa.

Khói mù dày đặc cũng khiến tầm nhìn suy giảm và Indonesia buộc phải đóng cửa các sân bay trên đảo Borneo, hàng loạt chuyến bay bị chuyển hướng hoặc hủy những ngày gần đây do khói bụi.

Bang Sarawak của Malaysia nằm trên đảo Borneo bị bao phủ bởi khói mù độc hại. Số người Malaysia gặp vấn đề về sức khỏe do khói mù cháy rừng tăng rõ rệt, với rất nhiều bệnh nhân phải nhập viện, trong đó không ít người bị khô và ngứa mắt.

Singapore sáng 19/9 cũng thông báo chất lượng không khí “nguy hại”, trong bối cảnh quốc đảo này đang chuẩn bị cho giải đua mô tô Công thức 1 vào 22/9.

(tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói