Thế giới ngày qua: EU đổ vỡ thoả hiệp phân chia ghế lãnh đạo vào phút chót

(Baohatinh.vn) - EU đổ vỡ thỏa hiệp phân chia ghế lãnh đạo vào phút chót; S-400 sẽ được chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 10 ngày tới... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 1/7 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker. (Ảnh: politico)

EU đổ vỡ thoả hiệp phân chia ghế lãnh đạo vào phút chót: Sau phiên họp kéo dài đến tận 3h30 sáng ngày 1/7 mà vẫn không thể thống nhất các phương án lựa chọn lãnh đạo cho Liên minh châu Âu, nguyên thủ 28 nước thành viên của khối quyết định tiến hành tiếp một cuộc họp kéo dài, bắt đầu từ 7h30 sáng ngày 1/7 theo giờ Brussels thay vì tổ chức một cuộc Thượng đỉnh bất thường khác vào ngày 15/7.

Kết quả, sau gần 4 tiếng họp buổi sáng, tổng cộng là 19 tiếng kể từ khi các cuộc đàm phán và họp bàn bắt đầu từ chiều ngày 30/6, các nước EU đã gần như đạt được một thoả hiệp về việc phân chia các ghế lãnh đạo của khối. Tuy nhiên đến phút cuối, sự phản đối lại xuất hiện ở một số lãnh đạo trong nhóm đảng EPP và nhóm các nước Đông Âu.

Để có thêm thời gian cho các cuộc đàm phán và thoả hiệp, EU quyết định rời các phiên họp sang ngày 2/7 để ra chốt phương án cuối cùng, chỉ 1 ngày trước khi Nghị viện châu Âu khoá mới họp phiên đầu tiên và bắt buộc phải bầu ra Chủ tịch mới của Nghị viện châu Âu.

Với thế bế tắc này, EU cũng đã phá kỷ lục về các cuộc đàm phán marathon, với kỷ lục trước là phiên họp kéo dài 17 tiếng về vấn đề nợ công Hy Lạp năm 2015.

Hệ thống S-400 của Nga được trưng bày tại Kubinka, ngoại ô Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

S-400 sẽ được chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 10 ngày tới: Reuters, Đài truyền hình NTV đưa tin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 1/7 cho biết đợt chuyển giao đầu tiên hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày tới.

Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi ông Erdogan khẳng định sẽ không bị Mỹ trừng phạt về thương vụ này.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ là các đồng minh trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã bất đồng về quyết định của Ankara trong việc mua các hệ thống S-400.

Washington cảnh báo sẽ trừng phạt nếu việc chuyển giao được diễn ra. Trong khi đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ các cảnh báo và cho rằng họ sẽ không rút lại thương vụ này.

Lực lượng Vệ binh quốc gia Mexico tại lễ thành lập ở Campo Marte, Mexico City, ngày 30/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mexico ra mắt lực lượng mới chống tội phạm và bảo vệ biên giới: Nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống tội phạm trong nước và tăng cường an ninh biên giới, Mexico đã chính thức ra mắt Lực lượng Vệ binh quốc gia.

Phát biểu ngày 30/6, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador tuyên bố đây là lực lượng cảnh sát được quân sự hóa nhằm trấn áp tội phạm và hỗ trợ các lực lượng hiện có đảm bảo an ninh vùng biên.

Ông cho biết mặc dù mới chính thức được thành lập, nhưng trên thực tế, các thành viên của lực lượng này đã được triển khai trước tại nhiều điểm nóng trên cả nước từ tháng 5 vừa qua.

Lực lượng Vệ binh quốc gia Mexico chủ yếu gồm các cựu quân nhân và được đặt dưới sự chỉ huy của tướng lĩnh quân đội. Trước mắt, 70.000 thành viên lực lượng này sẽ được triển khai tới 150 khu vực nổi cộm về tội phạm và an ninh. Dự kiến sau đó sẽ tiến tới triển khai 150.000 thành viên Lực lượng Vệ binh quốc gia trên cả nước.

Các lực lượng Syria trong chiến dịch truy quét phiến quân có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda tại Aleppo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tiêu diệt nhiều thủ lĩnh nổi dậy liên quan al-Qaeda tại Tây Syria: Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết ít nhất 8 đối tượng thuộc một nhóm nổi dậy có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda, trong đó có 6 chỉ huy của nhóm, đã bị tiêu diệt trong một vụ tấn công bằng tên lửa ngày 30/6 tại khu vực do các tay súng thánh chiến kiểm soát ở Tây Bắc Syria. Tuy nhiên, hiện chưa rõ nguồn gốc của vụ tấn công này.

Theo SOHR, các đối tượng trên là thành viên của nhóm nổi dậy Hurras al-Deen có quan hệ với mạng lưới thánh chiến toàn cầu và phối hợp với nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) từng là chi nhánh của al-Qaeda tại Syria.

Một cuộc không kích trúng một cuộc họp của Hurras al-Deen tại khu vực Tây Aleppo đã tiêu diệt 6 chỉ huy của nhóm này - gồm 2 đối tượng người Tunisia, 2 người Algeria, 1 người Ai Cập và 1 người Syria. Vụ tấn công cũng tiêu diệt 2 thành viên khác của nhóm này và làm một số đối tượng bị thương.

Nhóm HTS hiện chiếm giữ phần lớn tỉnh Idlib và nhiều khu vực thuộc các tỉnh Aleppo, Latakia và Hama lân cận.

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Cộng hòa Séc tại Prague. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh cầm quyền ở Cộng hòa Séc trước nguy cơ tan rã: Ngày 30/6, Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis cảnh báo nguy cơ tổ chức bầu cử sớm tại quốc gia này nếu các đối tác trong liên minh cầm quyền thực hiện lời đe dọa rút khỏi liên minh.

Phát biểu trên sóng truyền hình, Thủ tướng Cộng hòa Séc khẳng định đã loại bỏ khả năng tìm kiếm sự ủng hộ của phe cực hữu, do vậy một cuộc bầu cử mới sẽ là lựa chọn duy nhất. Ông Babis còn bày tỏ tin tưởng đảng Dân chủ Xã hội, một đảng cánh tả trong liên minh cầm quyền, sẽ không rời khỏi chính phủ bởi đảng này không mong muốn một cuộc bầu cử sớm.

Theo kế hoạch, cuộc tổng tuyển cử đúng thời hạn tại Séc sẽ diễn ra vào cuối năm 2021. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh chính phủ của ông Babis vừa mới vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội ngày 26/6.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói