Thế giới ngày qua: Mỹ bắt đầu chiến dịch truy quét người nhập cư

(Baohatinh.vn) - Mỹ bắt đầu chiến dịch truy quét người nhập cư bất hợp pháp; Pháp duyệt binh mừng Quốc khánh với khẩu hiệu ủng hộ châu Âu... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 14/7 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Nhân viên Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) phối hợp cùng cảnh sát bắt giữ người nước ngoài không có giấy tờ trong một chiến dịch vào tháng 2/2017. (Ảnh: AFP)

Mỹ bắt đầu chiến dịch truy quét người nhập cư bất hợp pháp: Các nhân viên Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) ngày 14/7 đã được triển khai tại nhiều khu phố ở 10 thành phố lớn trong cả nước, trong đó có Los Angeles, Houston, Chicago, Miami, New York và San Francisco. Theo đánh giá, kế hoạch nhắm tới ít nhất 2 nghìn người nhập cư đã nhận lệnh trục xuất, nhưng vẫn tiếp tục ở lại Mỹ một cách bất hợp pháp.

Phạm vi của chiến dịch này vẫn được cho là "khiêm tốn" hơn nhiều so với con số hàng triệu người mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết bắt giữ và trục xuất khi lần đầu tiên đề cập đến chiến dịch này tháng trước. Tuy nhiên, một số báo cáo truyền thông cho rằng, Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ sẵn sàng truy quét và bắt giữ không chỉ những người đã nằm trong danh sách mục tiêu, mà còn cả những người không có giấy tờ tùy thân khi tình cờ gặp hoặc kiểm tra. Hàng nghìn người nhập cư không đủ giấy tờ tùy thân đang phải "sống trong sợ hãi".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên trái, xe đầu tiên) và Tham mưu trưởng Quân đội Pháp Francois Lecointre được chở tới tham dự buổi duyệt binh ngày 14/7. (Ảnh: Reuters)

Pháp duyệt binh mừng Quốc khánh với khẩu hiệu ủng hộ châu Âu: Từ 10h30 sáng ngày 14/7, lễ diễu binh kỷ niệm ngày Quốc khánh Pháp được thực hiện theo những nghi thức truyền thống trên đại lộ Champs-Élysées tại thủ đô Paris. Bên cạnh hơn 4300 binh sĩ Pháp là sự hiện diện của binh sĩ 9 nước châu Âu khác, gồm Đức, Bỉ, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Bồ Đào Nha, Phần Lan và Estonia.

Tổng cộng, 196 khí tài quân sự tham gia vào lễ duyệt binh tại đại lộ Champs-Élysées. Một loạt các quan chức hàng đầu của châu Âu cũng có mặt bên cạnh Tổng thống Pháp trong lễ duyệt binh, trong đó đáng chú ý có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jean-Claude Juncker.

Với khẩu hiệu “Cùng nhau hành động”, lễ duyệt binh Quốc khánh năm nay được Pháp lựa chọn là dịp để biểu trưng sức mạnh quân sự tập thể châu Âu, cũng như đề cao hợp tác quốc phòng trong khối, với mục đích xây dựng một châu Âu độc lập, tự chủ hơn về mặt an ninh-quốc phòng, trong bối cảnh quan hệ đồng minh chiến lược giữa châu Âu và Mỹ rạn nứt nghiêm trọng vài năm qua và tương lai của khối quân sự NATO bị đe doạ.

Máy bay vận tải quân sự Antonov của Nga chở một số thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 hạ cánh tại căn cứ không quân Murted ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/7/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nhận thiết bị hệ thống S-400, bất chấp cảnh báo: Ngày 13/7, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nhận các lô thiết bị của hệ thống phòng không S-400 của Nga, bất chấp cảnh báo của Mỹ sẽ áp đặt lệnh trừng phạt nước này.

Máy bay chở hàng thứ 4 của Nga đã hạ cánh xuống 1 căn cứ không quân gần Thủ đô Ankara. Mỹ liên tục cảnh báo sẽ áp đặt trừng phạt kinh tế và loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 nếu Thổ Nhĩ Kỳ không từ bỏ kế hoạch mua S-400.

Thổ Nhĩ Kỳ đã không chịu khuất phục trước sức ép của Mỹ, tuyên bố việc mua sắm thiết bị quốc phòng là vấn đề chủ quyền quốc gia. Theo Sputniknews, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 14/7 tuyên bố, 100 chuyên gia nước này đã được cử tới Nga để tham gia huấn luyện cách vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.

Một máy bay GippsAero GA8 Airvan, cùng loại với phi cơ gặp nạn. (Ảnh: Wikipedia)

Máy bay rơi khi cất cánh tại Thụy Điển khiến 9 người thiệt mạng: Đài truyền hình SVT của Thụy Điển đưa tin, chiều 14/7, một máy bay nhỏ đã bị rơi bên ngoài thành phố Umea ở miền Bắc nước này khiến 9 người thiệt mạng.

Chiếc máy bay trên bị rơi vào lúc 14 giờ giờ địa phương (19 giờ theo giờ Hà Nội) ở một hòn đảo nhỏ tên là Storsandskar, cách đoạn cuối đường băng sân bay Umea khoảng 2km về phía Nam, khiến toàn bộ 9 người trên máy bay thiệt mạng.

Theo SVT, nhà chức trách vùng Vasterbotten đã xác nhận con số thương vong này. Hiện chưa rõ nguyên nhân tai nạn, song người phát ngôn cảnh sát Peder Jonsson nói với SVR rằng vụ việc xảy ra trong quá trình cất cánh. Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven đã bày tỏ lòng thương tiếc và gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân.

Đại sứ quán Anh tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Anh đã xác định được đối tượng gây rò rỉ điện tín ngoại giao: Theo tờ Sunday Times, các nhà điều tra Anh đã xác định được nghi can đứng sau vụ rò rỉ điện tín ngoại giao mật của Đại sứ Anh tại Mỹ, vụ việc vốn làm nảy sinh căng thẳng ngoại giao giữa Anh và Mỹ thời gian qua.

Trước đó, ngày 8/7, tờ Daily Mail của Anh tiết lộ một số nội dung của các điện tín ngoại giao rò rỉ và báo cáo ngắn được gửi về Anh, trong đó Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch đã đánh giá thấp năng lực của ông Trump cũng như chính quyền Washington, đồng thời dự báo tiêu cực về sự nghiệp của ông chủ Nhà Trắng.

Các quan chức Anh đã tiến hành điều tra người chịu trách nhiệm gây ra vụ rò rỉ thông tin này. Cảnh sát chống khủng bố ngày 12/7 thông báo đã tiến hành điều tra hình sự vụ việc trên.

Tờ Sunday Times dẫn các nguồn tin chính phủ giấu tên cho biết các nhà điều tra đã xác định được nghi can, đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng vụ việc có thể là kết quả của một vụ tấn công máy tính của một thực thể nước ngoài.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói