Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải). (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Nga và Chủ tịch Triều Tiên tới Vladivostok: Ngày 24/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bay tới tỉnh Vladivostok để tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Dự kiến cuộc gặp sẽ diễn ra vào khoảng 13h - 14h ngày 25/4 (tức khoảng 10h sáng cùng ngày theo giờ Hà Nội).
Trước đó cùng ngày, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tới Vladivostok và đi thăm những nơi trước kia cha ông, Chủ tịch Kim Jong-il, đã đặt chân tới trong chuyến thăm Nga. Sau đó, ông Kim Jong-un đã tới đảo Ruski, nơi sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông và Tổng thống Putin.
Cùng ngày, khi được hỏi về khả năng Tổng thống Putin đề xuất Triều Tiên nối lại đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân, người phát ngôn tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết mọi nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đều đáng được ủng hộ nếu có mục tiêu thực sự. Theo ông Peskov, đàm phán sáu bên thực sự là định dạng nhằm thúc đẩy tháo gỡ vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và hiện không có cơ chế quốc tế hiệu quả nào khác trên thế giới ngoài định dạng này. Quan chức này cũng nhấn mạnh không thể khép lại hoàn toàn mô hình này, song cũng thừa nhận hiện có nhiều nỗ lực giải quyết vấn đề trên từ các nước khác.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: CNN)
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden sẽ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng 2020: Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ đưa ra quyết định tranh cử của ông vào ngày 25/4 qua một video, các nguồn tin thân cận trong chiến dịch này xác nhận với CNN.
Nếu tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, Cựu Phó Tổng thống Joe Biden sẽ trở thành thành viên thứ 20 của đảng Dân chủ tuyên bố quyết định này. Theo các cố vấn của ông Biden, ông đã xem kỹ chiến dịch của các ứng viên khác, theo dõi các cuộc tranh luận chính sách cũng như các phần giới thiệu của các ngôi sao chính trường mới nổi có tuổi đời chưa bằng một nửa tuổi của ông.
Ông Biden, 76 tuổi, người nhiều tuổi thứ 2 trong cuộc đua vào Nhà Trắng được kỳ vọng sẽ là ứng viên sáng giá của đảng Dân chủ trong việc đánh bại Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
Đây là lần thứ 3 ông Biden tuyên bố tham gia chạy đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, giờ đây mọi thứ đều đã khác khi ông Biden từng có thời gian phục vụ trong chính quyền Tổng thống Barack Obama với vai trò là Phó Tổng thống.
Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) Mạnh Hoành Vĩ phát biểu tại Đại hội thế giới Interpol ở Singapore ngày 4/7/2017. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Trung Quốc chính thức bắt giữ cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ: Theo AFP, các công tố viên Trung Quốc ngày 24/4 thông báo Trung Quốc đã chính thức bắt giữ cựu Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), ông Mạnh Hoành Vĩ vì nghi ngờ nhận hối lộ, trong bối cảnh ông có thể phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng.
Trong một tuyên bố ngắn, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc cho biết các công tố viên "đã quyết định bắt giữ ông Mạnh Hoành Vĩ vì nghi ngờ nhận hội lộ."
Tuyên bố cho biết thêm rằng vụ việc hiện đang được "xử lý thêm," một dấu hiệu cho thấy cựu Chủ tịch Interpol có thể sớm bị buộc tội.
Vào năm ngoái, ông Mạnh Hoành Vĩ đã bị khai trừ khỏi Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Theo Hãng tin Tân hoa xã, CPPCC đã nhất trí hủy bỏ tư cách thành viên của ông Mạnh Hoành Vĩ sau một cuộc họp.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. (Ảnh: Future Women)
New Zealand phủ nhận vụ tấn công Sri Lanka liên quan tới Christchurch: Không có một thông tin tình báo nào cho thấy vụ xả súng đẫm máu xảy ra vào ngày Lễ Phục sinh ở Sri Lanka là để trả thù cho vụ xả súng đẫm máu xảy ra tại nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch của New Zealand. Đó là lời khẳng định của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đưa ra ngày 23/4 sau khi có những tuyên bố cho rằng, có sự liên quan giữa vụ xả súng tại New Zealand ngày 15/3 và các vụ đánh bom khủng bố tại Sri Lanka hôm 21/4 vừa qua.
Trước đó một ngày, Bộ Quốc phòng của Sri Lanka đã báo cáo với Quốc hội nước này rằng, kết quả một cuộc điều tra ban đầu đã tiết lộ, các vụ đánh bom vào nhà thờ và khách sạn khiến 359 người thiệt mạng là được thực hiện để trả thù cho vụ xả súng khiến 50 người thiệt mạng ở hai nhà thời Hồi giáo ở New Zealand vào ngày 15/3 vừa qua.
Hiện Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã thừa nhận đứng đằng sau các cuộc tấn công tại Sri Lanka hôm 21/4 vừa qua, đồng thời có những công bố về bí danh của những người thực hiện vụ tấn công này. Tuy nhiên, thông tin về việc IS đứng sau các vụ tấn công vẫn cần được kiểm chứng.
Các nhân viên ủy ban bầu cử Indonesia nằm nghỉ tại một nhà kho ở Jakarta hôm 15/4 trong quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử. (Ảnh: Reuters)
139 nhân viên kiểm phiếu tử vong vì kiệt sức trong cuộc bầu cử Indonesia: Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Các vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia Wiranto cho biết tính đến hôm nay, số nhân viên kiểm phiếu và cảnh sát tử vong vì làm việc quá sức trong cuộc bầu cử ở Indonesia tăng lên 139. Trong khi đó, hãng Channel News Asia của Singapore nói rằng số người tử vong là 119. Ngoài số người chết, hơn 500 người cũng đang bị ốm.
"Chúng tôi vô cùng đau buồn trước cái chết của những người hùng bầu cử Indonesia. Cảm ơn các bạn đã cống hiến và phụng sự để duy trì nền dân chủ ở Indonesia", Ủy ban Tổng tuyển cử Indonesia (GEC) hôm 23/4 đăng trên Facebook.
Cũng theo bài đăng của GEC, Tây Java là tỉnh có số người chết cao nhất với 38, tiếp đó là Trung Java với 20 và Đông Java là 14. Các trường hợp tử vong còn được báo cáo ở Banten, Bengkulu, Kalimantan, Lampung, Papua, Riau, Sumatra, Sulawesi và Yogyakarta.
Cuộc bầu cử tại Indonesia diễn ra hôm 17/4 với hơn 192 triệu người đủ điều kiện bỏ phiếu. Đây là lần đầu tiên việc bầu tổng thống, quốc hội và bầu cử địa phương ở Indonesia diễn ra cùng một ngày. Indonesia đã triển khai hơn 6 triệu nhân viên làm việc tại hơn 800.000 điểm bỏ phiếu.