Hiện trường vụ nổ xe buýt ở Giza ngày 19/5. (Ảnh: Reuters)
Xe buýt chở du khách trúng bom ở Ai Cập, 17 người bị thương: Theo các nguồn tin, ít nhất 17 người bị thương khi một thiết bị phát nổ đúng lúc chiếc xe buýt du lịch đi qua phía bên ngoài Đại bảo tàng Ai Cập gần kim tự tháp ở Giza.
Truyền hình Skynewsarabia đưa tin, trong số những người bị thương có 10 người Ai Cập và 7 người quốc tịch Nam Phi.
Tháng 12/2018, ba khách du lịch Việt và một hướng dẫn viên người Ai Cập đã thiệt mạng khi quả bom gài trên đường tấn công xe buýt chở họ tại điểm cách quần thể kim tự tháp Giza khoảng 4 km.
Các máy bay 737 MAX tại nhà máy Boeing ở bang Washington, Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Boeing thừa nhận lỗi phần mềm liên quan dòng máy bay 737 MAX: Hôm 18/5, hãng sản xuất máy bay Boeing thừa nhận hãng này sẽ phải sửa lỗ hổng trong phần mềm giả lập dùng để đào tạo phi công dòng phi cơ 737 MAX.
Tuyên bố được đưa ra sau hai vụ tai nạn của dòng máy bay này trong vòng 6 tháng qua khiến 346 người thiệt mạng.
Trong một tuyên bố, Boeing cho biết, phầm mềm giả lập dùng để đào tạo phi công của dòng máy bay 737 MAX đã không thể tái tạo lại một số tình huống trong chuyến bay, bao gồm cả các tình huống dẫn đến vụ tai nạn của hãng hàng không Ethiopia vào ngày 10/3. Chính vì thế, Boeing đã chỉnh sửa phần mềm giả lập của 737 MAX và cung cấp thêm thông tin cho các hãng điều hành thiết bị để bảo đảm rằng các quá trình giả lập sẽ tương ứng được với các tình huống bay khác nhau.
Đây là lần đầu tiên Boeing thừa nhận lỗi phần mềm liên quan tới dòng máy bay 737 MAX. Lỗi phần mềm của Boeing 737 MAX được cho là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thảm họa đối với máy bay của hàng hàng không Ethiopia.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: AFP)
Thủ tướng Nhật Bản muốn đối thoại vô điều kiện với nhà lãnh đạo Triều Tiên: Phát biểu trong cuộc gặp ở thủ đô Tokyo với các thành viên gia đình của những công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc vào những năm 1970-1980 ngày 19/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái khẳng định mong muốn tiến hành hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un một cách vô điều kiện và thẳng thắn.
Trong những năm gần đây, Bình Nhưỡng đều bác bỏ các nỗ lực của Tokyo yêu cầu giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc vì cho rằng vấn đề này đã được giải quyết. Trong khi đó, phía Nhật Bản chính thức lập danh sách 17 công dân bị bắt cóc vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, đồng thời nghi ngờ Triều Tiên liên quan đến các trường hợp mất tích khác.
5 trong số 17 công dân Nhật Bản bị bắt cóc đã hồi hương vào năm 2002. Nhật Bản từng tuyên bố nước này sẽ bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân của mình, cũng như giải quyết vấn đề bắt cóc.
Lực lượng an ninh Iraq gác tại Baghdad ngày 29/3/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Bahrain kêu gọi công dân ngay lập tức rời khỏi Iran và Iraq: Ngày 18/5, Bahrain đã cảnh báo công dân của nước này tránh tới Iraq và Iran, đồng thời khuyến cáo những công dân đang ở các quốc gia này "ngay lập tức" quay về để đảm bảo an toàn.
Theo hãng thông tấn nhà nước BNA của Bahrain, Bộ Ngoại giao nước này đưa ra cảnh báo trên viện dẫn những mối đe dọa tiềm tàng, những diễn biến nguy hiểm và tình hình bất ổn tại khu vực. Cảnh báo này được đưa ra giữa lúc căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran.
Hôm 15/5, Washington đã rút các nhân viên chính phủ không làm nhiệm vụ khẩn cấp tại Đại sứ quán nước này ở Baghdad và Lãnh sự quán ở Erbil, về nước, do quan ngại về cái mà Washington gọi là "mối đe dọa từ Iran". Trước đó, cùng ngày tập đoàn Exxon cũng đã sơ tán các nhân viên người nước ngoài của họ khỏi một khu khai thác dầu mỏ ở Iraq.
Hiện Liên hợp quốc đã kêu gọi các bên hết sức kiềm chế trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Iran và Mỹ cũng như trong khu vực vùng Vịnh.
Cử tri Ấn Độ sau khi bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Hyderabad ngày 11/4. (Ảnh: THX/TTXVN)
Kết thúc cuộc bầu cử "marathon" tại Ấn Độ: Cuộc bầu cử Hạ viện Ấn Độ khóa 17, kéo dài hơn một tháng qua, đã kết thúc ngày 19/5 với vòng thứ 7 cũng là vòng cuối cùng.
Ủy ban bầu cử thông báo các địa điểm bỏ phiếu đã đóng cửa lúc 19h30 giờ Hà Nội. Việc kiểm phiếu sẽ bắt đầu từ ngày 23/5 tới.
Đây là cuộc bầu cử lập pháp kéo dài nhất thế giới, bắt đầu từ ngày 11/4 đến 19/5, theo 7 giai đoạn. Khoảng 900 triệu cử tri sẽ chọn ra 543 ghế nghị sĩ. Chính đảng hay liên minh nào giành được tối thiểu 272 ghế sẽ có quyền thành lập chính phủ.
Cuộc bầu cử này sẽ quyết định liệu đảng cánh hữu BJP của Thủ tướng Narendra Modi có giành được chiến thắng áp đảo từng đạt được năm 2014 hay không. Một số cuộc thăm dò dư luận cho thấy BJP có thể đánh mất thế đa số trong cuộc bầu cử vừa qua.