Thế giới nổi bật trong tuần: Mỹ chính thức liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ

(Baohatinh.vn) - Mỹ chính thức liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ; Pakistan hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ thương mại với Ấn Độ... là những tin tức thế giới nổi bật nhất trong tuần (từ ngày 4/8 - 10/8/2019) được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Đồng nhân dân tệ và đồng USD tại một ngân hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mỹ chính thức liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ: Bộ Tài chính Mỹ chiều 5/8 (giờ địa phương) đã chính thức liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, cáo buộc Bắc Kinh phá giá đồng Nhân dân tệ khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên leo thang.

Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, theo sự ủy quyền của Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Steven Mnuchin đã quyết định “Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.” Tuyên bố cũng cho biết ông Mnuchin sẽ tham vấn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để loại trừ ưu thế cạnh tranh không công bằng mà Trung Quốc nhận được từ hành động mới nhất liên quan đến phá giá đồng nội tệ.

Động thái trên diễn ra sau khi Trung Quốc trong buổi sáng cùng ngày đã cho phép đồng nhân dân tệ mất giá 2%, xuống ngưỡng trên 7 nhân dân tệ đổi được 1 USD, mức yếu nhất của đồng nội tệ Trung Quốc trong 10 năm trở lại đây.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 6/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã chỉ trích mạnh mẽ việc Bộ Tài chính Mỹ liệt kê Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ, cho rằng đây là hành động cảm tính, không có căn cứ và là biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đánh giá, động thái của Mỹ phá hoại nghiệm trọng các quy tắc quốc tế và gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Khu vực tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan thường xuyên chứng kiến các vụ đụng độ giữa binh sĩ 2 bên. (Ảnh: AFP)

Pakistan hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ thương mại với Ấn Độ: Ngày 7/8, chính phủ Pakistan tuyên bố sẽ hạ cấp quan hệ ngoại giao và đình chỉ thương mại song phương với Ấn Độ, để phản đối việc Ấn Độ ngày 5/8 đã hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với phần lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát tại khu vực tranh chấp Kashmir.

Ngoài ra Pakistan cũng xem xét lại các thỏa thuận song phương đã ký với Ấn Độ và đưa vấn đề Kashmir lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Không chỉ vậy, Islamabad tuyên bố sẽ đình chỉ dịch vụ đường sắt kết nối với Ấn Độ, cấm chiếu các bộ phim Ấn Độ tại các rạp chiếu phim của nước này. Tuy nhiên, phía Islamabad khẳng định sẽ không tìm giải pháp quân sự cho vấn đề Kashmir.

Trước đó, ngày 5/8, Chính phủ Ấn Độ công bố sắc lệnh bãi bỏ điều Điều 370 trong Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir, đồng thời đưa ra dự luật tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang gồm Ladakh cùng Jammu và Kashmir. Ấn Độ cũng đã triển khai hơn 40.000 binh sĩ bán vũ trang ở Jammu và Kashmir, đồng thời đặt các lực lượng quân sự trong tình trạng báo động cao và ra lệnh giới nghiêm đối với người dân tại đây.

Một vụ thử tên lửa Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)

Triều Tiên phóng là tên lửa đạn đạo tầm ngắn: Trong tuyên bố ra hôm 10/8, Phủ tổng thống Hàn Quốc cho rằng vụ phóng hai vật thể sáng cùng ngày của Triều Tiên là nhằm thử nghiệm năng lực của loại tên lửa tầm ngắn mới mà Bình Nhưỡng tự phát triển, cũng như để phản đối cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn trong tháng này.

Phủ tổng thống Hàn Quốc cũng cho biết,

Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng và người đứng đầu cơ quan tình báo của nước này đã tổ chức một hội nghị qua cầu truyền hình để thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.

Trước đó, sáng 10/8, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã bắn hai vật thể chưa xác định ra Biển Nhật Bản. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc thông báo các vật thể này được bắn từ vị trí gần thành phố Hamhung, miền Đông Bắc Triều Tiên. Đây là vụ phóng thứ 5 của Triều Tiên trong hai tuần qua.

Cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ Nuon Chea trong một phiên xử của ECCC tại Phnom Penh năm 2008. (Ảnh: AFP)

Thủ lĩnh số hai của Khmer Đỏ qua đời: Ngày 4/8, Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) thông báo cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ Nuon Chea đã qua đời ở tuổi 93.

Ông Neth Pheaktra, người phát ngôn của ECCC, xác nhận bị cáo Nuon Chea đã qua đời đêm 4/8 tại bệnh viện hữu nghị Khmer-Liên Xô ở thủ đô Phnom Penh.

ECCC là tòa án đặc biệt tại Campuchia do Liên Hợp Quốc và Chính phủ Campuchia lập ra từ năm 2006 nhằm xét xử những tội ác do các lãnh đạo chế độ Khmer Đỏ gây ra.

Ngày 16/11/2018, ECCC đã công bố phán quyết án tù chung thân đối với 2 cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ là Nuon Chea và Khieu Samphan.

Phán quyết của ECCC nêu rõ 2 bị cáo này phạm các tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh và tội diệt chủng, liên quan các địa điểm làm việc như hợp tác xã, công trường đê bao Tumnup Trapeng Thmor, công trường xây dựng sân bay Kompong Chhnang, các trung tâm an ninh 21 (nhà tù Tuol Sleng), Krang Ta Chan và O Kanseng, Sở An ninh Phnom Kral; hành động diệt chủng đối với người Chăm và người Việt cũng như các Phật tử...

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Ảnh: Washington Examiner)

Venezuela ngừng đối thoại với phe đối lập sau lệnh trừng phạt của Mỹ: Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 7/8 quyết định ngừng đối thoại với phe đối lập nhằm phản ứng trước lệnh trừng phạt kinh tế toàn diện của Mỹ.

Tuy nhiên, thông cáo cũng khẳng định, Venezuela sẽ không rời khỏi đàm phán và đang chuẩn bị xem xét lại các cơ chế của tiến trình cho phù hợp với những lợi ích của nhân dân.

Quyết định của Tổng thống Maduro đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Trump ký lệnh phong tỏa toàn bộ tài sản của Venezuela tại nước này và cấm tất cả mọi giao dịch liên quan của Venezuela, trừ những trường hợp ngoại lệ, nhằm gia tăng sức ép buộc Tổng thống Maduro phải rời bỏ quyền lực.

Đây là lần đầu tiên Mỹ áp đặt một biện pháp trừng phạt như vậy đối với một quốc gia ở Tây Bán cầu trong 30 năm qua và là biện pháp cấm vận kinh tế toàn diện tương tự như đã làm với Triều Tiên, Iran, Syria và Cuba.

Chính phủ Mỹ lâu nay đã công khai thể hiện sự ủng hộ đối với thủ lĩnh đối lập Juan Guaido và nhiều lần kêu gọi Tổng thống Nicolas Maduro rút khỏi quyền lực.

Thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny. (Ảnh: EPA-EFE)

Nga phong tỏa các tài khoản ngân hàng liên quan tới thủ lĩnh đối lập: Ngày 8/8, giới chức Nga đã tiến hành phong tỏa một loạt tài khoản ngân hàng liên quan tới thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny trong khuôn khổ cuộc điều tra của Nga về cáo buộc một quỹ mà ông này lập ra tiến hành hoạt động rửa tiền.

Trong một tuyên bố, các nhà điều tra Nga cho biết họ đã phong tỏa các tài khoản ngân hàng liên quan tới cái gọi là "Quỹ chống tham nhũng" do ông Navalny sáng lập, tài khoản của các tổ chức khác, và của hơn 100 cá nhân và thực thể pháp lý có liên quan.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nhà điều tra Nga ngày 3/8 mở cuộc điều tra hình sự về cáo buộc một quỹ của ông Navalny đã tiến hành hoạt động rửa tiền.

Ủy ban Điều tra Liên bang Nga cho biết các nhân viên làm việc cho "Qũy chống tham nhũng" mà ông Navalny lập ra đã nhận được một số tiền rất lớn từ bên thứ ba mà họ biết chắc rằng số tiền này đến từ các hoạt động trái phép. Các nhà điều tra Nga ước tính số tiền trái phép này lên tới 1 tỷ ruble (15,3 triệu USD).

Nhật Bản loại Hàn Quốc khỏi "Danh sách Trắng" khiến căng thẳng 2 nước ngày càng leo thang. (Ảnh: Reuters)

Căng thẳng Nhật Bản - Hàn Quốc không ngừng "tăng nhiệt": Ngày 7/8, Nhật Bản đã ban hành một dự luật sửa đổi, loại Hàn Quốc khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy, sau khi Nội các Nhật Bản phê chuẩn văn kiện này hồi tuần trước.

Dự luật do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ban hành sẽ đưa văn kiện này có hiệu lực vào ngày 28/8 tới, vì việc thực thi mất 21 ngày. Động thái này diễn ra trong bối cảnh leo thang tranh cãi giữa Nhật Bản với Hàn Quốc.

Theo dự luật sửa đổi, khoảng hơn 1.000 mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc sẽ phải trình chính phủ phê duyệt từng đơn hàng. Nhật Bản cũng có thể tùy ý điều chỉnh thời gian thẩm định các đơn hàng xuất khẩu.

Quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản gia tăng căng thẳng kể từ khi Nhật Bản hồi tháng trước siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF).

Hàn Quốc cho rằng đây là động thái trả đũa của Nhật Bản trong bối cảnh hai nước tranh cãi về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945.

Thánh địa Mecca. (Ảnh: News Punch)

Hơn 2 triệu tín đồ Hồi giáo đổ về Mecca bắt đầu lễ hành hương Haji: Hơn 2 triệu tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới hôm 9/8 tập trung ở thánh địa Mecca để bắt đầu những nghi thức ban đầu của lễ hành hương Haji.

Đây là một trong những cuộc hành hương lớn nhất trên thế giới và là cột trụ thứ 5 của Hồi giáo, một bổn phận tôn giáo phải được thực hiện ít nhất 1 lần trong cuộc đời của người Hồi giáo. Việc này nhằm minh chứng cho sự đoàn kết của người Hồi giáo, và thể hiện lòng quy phục của họ trước đấng tối cao.

Cuộc hành hương năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị và giáo phái giữa Saudi Arabia với Iran và tình trạng xung đột tiếp diễn tại Yemen, Syria và Libya. Các cộng đồng người Hồi giáo trên khắp thế giới cũng phải đối mặt với những mối đe dọa gia tăng.

Ảnh minh họa.

Thế giới vừa trải qua thời tiết tháng 7 nóng nhất trong lịch sử: Đầu tháng 7 vừa qua, chương trình giám sát biến đổi khí hậu trái đất đặt tại châu Âu có tên là Copernicus đã công bố các dữ liệu cho thấy, tháng 6/2019 là thời điểm nóng nhất trong số các tháng 6 trong lịch sử của thế giới.

1 tháng sau, chương trình này lại tiếp tục công bố các dữ liệu cho thấy, tháng 7/2019 là tháng 7 nóng nhất trong lịch sử.

Theo dữ liệu của chương trình Copernicus, nhiệt độ trong tháng 7 năm nay tăng thêm 0.04 độ C so với tháng 7/2016, trong khi tháng 7/2016 đã được ghi nhận là tháng có nhiệt độ cao kỷ lục do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Chương trình Copernicus cũng cho rằng, sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai thời điểm này là rất nhỏ, có thể các chương trình thu thập dữ liệu khác sẽ không cho kết quả tương tự.

Tình trạng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tiếp diễn và tác động của tình trạng nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng lên sẽ khiến cho các kỷ lục về nắng nóng có thể tiếp tục bị phá vỡ trong thời gian tới.

Người dân xếp hàng chờ lấy nước sinh hoạt tại Chennai, Ấn Độ ngày 25/6. (Ảnh: THX/TTXVN)

25% dân số thế giới đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt: Khoảng 25% dân số thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng, trong đó quốc gia có đông dân dễ chịu tác động nhất là Ấn Độ. Đây là kết quả nghiên cứu mới do Viện Nghiên cứu Tài nguyên thế giới (WRI) của Mỹ công bố.

WRI cảnh báo 17 quốc gia trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước rất cao vì đã tiêu thụ tới 80% lượng nước sẵn có hằng năm trong khi còn gần 5 tháng nữa mới hết năm 2019. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng hơn khi biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất xảy ra các đợt khô hạn.

Theo số liệu mới được WRI cập nhật trên tập bản đồ nguy cơ thiếu nước thế giới (Aqueduct Water Risk Atlas), các quốc gia trong tình trạng "khát nước trầm trọng nhất" nằm chủ yếu ở vùng khô cằn Trung Đông và Bắc Phi, trong đó Qatar là quốc gia chịu áp lực lớn nhất, theo sau là Israel và Liban.

Ấn Độ xếp thứ 13 trong số các quốc gia đứng trước nguy cơ thiếu nước "rất cao". Nhưng với dân số hơn 1,3 tỉ người, số người dân chịu nguy cơ này tại Ấn Độ cao gấp 3 lần tổng số dân chịu ảnh hưởng ở 16 quốc gia khác trong nhóm phụ thuộc nhiều vào khả năng tránh khủng hoảng nước.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói