Thế giới nổi bật trong tuần: Nga - Mỹ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh tại Phần Lan vào ngày 16/7

(Baohatinh.vn) - Nga - Mỹ sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh tại Phần Lan vào ngày 16/7 tới; Ông Erdogan tái cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ... là những tin tức thế giới nổi bật nhất trong tuần (từ ngày 24/6 - 30/6/2018) được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

(Ảnh minh họa: Sputnik)

EU nhất trí gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng: Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 29/6 nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga với lý do nước này sáp nhập bán đảo Crimea và hỗ trợ phe nổi dậy chống quân đội chính phủ ở Đông Ukraina.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức EU đưa tin quyết định trên sẽ được chính thức xác nhận trong vài ngày tới.

Quyết định này sẽ ngăn chặn các hoạt động làm ăn với các ngân hàng, công ty năng lượng và tài chính Nga thêm 6 tháng nữa cho đến khi hết tháng 1 năm sau.

Tổng thống Tayyip Erdogan và phu nhân Emine Erdogan chào người ủng hộ bên ngoài trụ sở AKP tại Ankara rạng sáng ngày 25/6. (Ảnh: Reuters)

Ông Erdogan tái cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Theo kết quả sơ bộ của Ủy ban bầu cử tối cao Thổ Nhì Kỳ, đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã giành chiến thắng ngay trong vòng đầu, đạt gần 53% trong 99% số phiếu được kiểm. Đáng chú ý là tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, tới 90%.

Trước khi trở thành Tổng thống năm 2014, ông Erdogan đã có nhiều năm làm Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 4/2017, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về bản Hiến pháp mới, theo đó Tổng thống sẽ có quyền lực lớn. Bản hiến pháp này được thông qua với tỷ lệ ủng hộ 51%.

Theo Hiến pháp mới, có hiệu lực kể từ sau cuộc bầu cử ngày 24/6, chức danh Thủ tướng sẽ bị xoá bỏ và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có quyền bổ nhiệm các Phó Tổng thống và Bộ trưởng trong nội các.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị APEC 2017 ở Đà Nẵng. (Ảnh: AP)

Nga - Mỹ sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh tại Phần Lan vào ngày 16/7 tới: Ngày 28/6, phát biểu với báo giới 1 ngày sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Vladimir Putin và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tại Điện Kremlin, Nhà Trắng thông báo Nga - Mỹ nhất trí tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh tại thủ đô Helsinki (Phần Lan) vào ngày 16/7.

Theo ông chủ Nhà Trắng, nội dung thảo luận giữa hai bên xoay quanh cuộc chiến ở Syria, cũng như cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.

Việc Nga và Mỹ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh là kết quả sau chuyến thăm Moskva của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton diễn ra trước đó.

Thủ tướng Andrej Babis. (Ảnh: Reuters)

Séc có Chính phủ mới, chấm dứt bất ổn chính trị: Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman ngày 27/6 đã chính thức bổ nhiệm chính phủ mới gồm hai đảng của nước này.

Chính phủ mới gồm 15 thành viên, trong đó Phong trào ANO, ngoài chiếc ghế Thủ tướng của ông Andrej Babis, còn nắm giữ thêm 9 vị trí, còn Đảng Dân chủ Xã hội giữ 5 ghế còn lại chịu trách nhiệm các vấn đề nội vụ, ngoại giao, lao động xã hội, nông nghiệp và văn hóa.

Phát biểu tại buổi lễ bổ nhiệm, Tổng thống Milos Zeman chúc mừng chính phủ mới ra mắt và mong các thành viên đoàn kết, chung tay để điều hành đất nước.

Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Zimbabwe suýt bị ám sát: Tổng thống Zimbabwe Mnangagwa cho biết, vụ nổ lớn trên sân vận động White City ở Bulawayo, nơi ông Mnangagwa đang tổ chức cuộc mít tinh với những người ủng hộ, xảy ra cách ông vài mét và ông là mục tiêu tấn công chính.

Rất may, ông Mnangagwa vẫn an toàn và một số quan chức cấp cao như 2 Phó Tổng thống Constantino Chiwenga và Kembo Mohadi cùng một Bộ trưởng nước này chỉ bị thương nhẹ.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Zimbabwe đang chuẩn bị tổ chức các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội vào ngày 30/7 tới. Tổng cộng có 23 ứng cử viên chính thức chạy đua tranh cử Tổng thống và đây là con số cao nhất kể từ khi nước này giành độc lập vào năm 1980.

Phụ nữ Arab Saudi tại một điểm bán xe tại Jeddah ngày 23/6. (Ảnh: AFP)

Saudi Arabia bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe: Bắt đầu từ ngày 24/6, lệnh cấm phụ nữ lái xe của chính quyền Saudi Arabia chính thức được bãi bỏ sau nhiều năm tồn tại.

Việc bãi bỏ lệnh cấm này là một phần trong kế hoạch cải tổ mang tên “tầm nhìn đến năm 2030” của chính quyền Saudi Arabia, nhằm mở cửa vương quốc này ra với thế giới, thúc đẩy nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Theo quy định mới, phụ nữ từ 18 tuổi trở lên sẽ được đăng ký lấy bằng lái xe.

Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Macedonia từ chối ký thỏa thuận đổi tên nước: Theo Reuters, ngày 26/6, Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov đã từ chối ký thỏa thuận về đổi tên của nước này, sau khi ông cho rằng đây là một hành động vi hiến.

Trước đó trong tháng, hai ngoại trưởng Hy Lạp và Macedonia đã nhất trí rằng nước cộng hòa từng thuộc Nam Tư cũ này sẽ đổi tên thành “Nước Cộng hòa Bắc Macedonia”.

Tuy nhiên, để có hiệu lực, thỏa thuận này phải được Quốc hội Macedonia phê chuẩn và tiếp đó phải được đưa ra trưng cầu ý dân ở Macedonia vào tháng 9 tới. Về phía Hy Lạp, thỏa thuận cũng phải được quốc hội nước này thông qua.

Nữ hoàng Anh trong buổi họp quốc hội tháng 7/2017. (Ảnh: AFP)

Nữ hoàng Anh phê chuẩn dự luật Brexit, mở đường rời khỏi EU: AFP đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Anh John Bercow ngày 26/6 thông báo, một dự luật ủng hộ quyết định của Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU - còn được gọi là Brexit) đã chính thức được ban hành thành luật sau nhiều tháng tranh luận.

Theo Chủ tịch Bercow, Dự luật rời khỏi EU đã được Nữ hoàng Elizabeth II phê chuẩn.

Theo Luật Brexit, Anh sẽ chính thức không còn là thành viên EU kể từ lúc 23 giờ ngày 29/3/2019 (23 giờ GMT).

Tổng thống Trump ký lệnh cấm nhập cảnh hồi cuối năm ngoái. (Ảnh: Reuters)

Tòa án Tối cao Mỹ ủng hộ lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump: Ngày 26/6, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết giữ nguyên lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân 6 nước có đa số dân là tín đồ Hồi giáo do Tổng thống Donald Trump đưa ra.

Tòa án Tối cao Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ lệnh cấm trên với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống.

Theo lệnh cấm nhập cảnh trên, công dân 6 nước Iran, Libya, Syria, Yemen, Somalia và CH Chad sẽ bị cấm nhập cảnh Mỹ nếu họ không có các mối liên hệ gia đình tại Mỹ. Tổng thống Trump cho rằng lệnh cấm này là cần thiết nhằm bảo vệ nước Mỹ trước các mối đe dọa khủng bố từ các phiến quân Hồi giáo. Tuy nhiên, các bên nguyên khởi kiện sắc lệnh này chỉ trích lệnh cấm thể hiện sự kỳ thị với người theo đạo Hồi và vi phạm Hiến pháp Mỹ.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Phu nhân dự khán trận đội nhà gặp Mexico tại vòng bảng World Cup 2018. (Ảnh: Firenews)

Tổng thống Moon Jae-in ngỏ ý Hàn Quốc - Triều Tiên đồng đăng cai VCK World Cup 2030: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 24/6 tuyên bố Hàn Quốc và Triều Tiên có thể liên danh chạy đua trở thành chủ nhà của Vòng chung kết FIFA World Cup năm 2030.

Ngồi bên cạnh Chủ tịch FIFA Gianni Infantino dự khán trận Hàn Quốc thất thủ 1-2 trước Mexico, Tổng thống Moon Jae-in đã tái khẳng định ý tưởng Hàn Quốc - Triều Tiên đồng đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh vào năm 2030. Ngoài ra, ông cũng ủng hộ một nỗ lực chung của các nước Đông Bắc Á, cùng với Trung Quốc và Nhật Bản, để làm chủ nhà của VCK World Cup.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới tuần qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói