Olympic Paris 2024 diễn ra từ ngày 26/7 đến 11/8 với 206 đoàn tham dự tranh tài, ở 32 môn thi đấu với 329 bộ huy chương. Đoàn thể thao Việt Nam có 16 VĐV tham gia thi đấu ở 11 môn.
Thể thao Việt Nam đề ra mục tiêu có huy chương, không trắng tay như kỳ Thế vận hội mùa hè gần nhất tại Tokyo 2020.
Cầm cờ cho đoàn thể thao Việt Nam là Lê Đức Phát, tay vợt cầu lông của Quân đội.
Đức Phát sinh năm 1998 tại Đồng Nai, trong gia đình có truyền thống võ, bố và nhiều chú bác là tay đấm từng giành thành tích ở các giải trong nước và quốc tế. Anh từng học võ, bóng đá, trước khi bén duyên cùng cầu lông. Đức Phát có danh hiệu đầu tiên năm 15 tuổi, khi cùng Nguyễn Công Nguyên vô địch đôi nam lứa tuổi trẻ quốc gia.
Đức Phát hiện đứng thứ 71 thế giới nội dung đơn nam. Theo kết quả bốc thăm môn cầu lông Olympic 2024, anh nằm ở bang K cùng Prannoy Haseena (Ấn Độ, 13 thế giới) và Fabian Roth (Đức, 82 thế giới).Cầu lông Việt Nam còn có một VĐV nữa tham gia tranh tài là Nguyễn Thuỳ Linh. Đây là lần thứ hai tay vợt nữ số một Việt Nam dự Olympic.
Tại Olympic Tokyo 2020, dù rơi vào bảng đấu khó, Linh đạt kết quả tích cực. Cô thắng áp đảo 2-0 trước Xuefei Qi (Pháp) rồi Sabrina Jaquet (Thụy Sĩ) và chỉ thua tay vợt nữ số một thế giới Tai Tzu Ying - người sau đó vào chung kết và giành HC bạc.
Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt cho biết bắn súng là môn được kỳ vọng có kết quả tốt nhất tại Olympic Paris 2024. Ở bộ môn này, Việt Nam được dự ba nội dung gồm 10m súng ngắn hơi nữ, 25m súng ngắn thể thao nữ với Trịnh Thu Vinh, và 10m súng trường hơi nữ với Lê Thị Mộng Tuyền.
Thu Vinh (áo trắng) xuất phát điểm là VĐV điền kinh nhưng được HLV Nguyễn Thị Nhung và chuyên gia Park Chung-gun (Hàn Quốc) phát hiện tiềm năng bắn súng, đưa vào nhóm đào tạo trọng điểm cho Olympic 2024. Nữ xạ thủ xứ Thanh mở màn năm 2024 bằng tấm HC vàng nội dung 10m súng ngắn hơi hỗn hợp đồng đội tại giải bắn súng vô địch châu Á. Cô hy vọng đây là tiền đề để có bước tiến lớn tại giải đấu ở Paris.
"Tôi muốn mang tới Olympic Paris 2024 một Thu Vinh khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng để thi đấu, cống hiến hết mình cho thể thao Việt Nam", Thu Vinh chia sẻ.
Nữ xạ thủ thứ hai của Việt Nam tranh tài tại Paris là Lê Thị Mộng Tuyền, sinh năm 2003 tại TP HCM. Cô lần đầu dự Olympic, nhờ đứng thứ năm ở giải châu Á. Mộng Tuyền đi lên từ thể thao học đường. Thành tích nổi bật của cô là một tấm HC vàng Đông Nam Á và bốn kỷ lục Đại hội thể thao toàn quốc. Để chuẩn bị cho Olympic, nữ xạ thủ này được đi tập huấn dài ngày tại Hungary và tiến bộ đáng kể theo đánh giá của ban huấn luyện.
Cử tạ từng là "mỏ" huy chương của thể thao Việt Nam tại Olympic như HC bạc năm 2008 của Hoàng Anh Tuấn hay HC đồng của Trần Lê Quốc Toàn năm 2012.
Tại Olympic 2024, cử tạ Việt Nam có một lực sĩ góp mặt là Trịnh Văn Vinh (trong ảnh). Đô cử này giành vé đến Paris ở hạng 61kg, dù chỉ vừa trở lại sau bốn năm bị cấm thi đấu vì doping.
Văn Vinh lên đội tuyển quốc gia lúc 20 tuổi, thăng tiến nhanh, giành HC vàng cử đẩy, HC bạc tổng cử ở giải vô địch châu Á 2016. Một năm sau anh đoạt HC vàng cử giật tại giải VĐTG 2017 với thành tích 136kg.
Tới SEA Games 2017, Văn Vinh gây sốc khi đánh bại đô cử số một Đông Nam Á, đương kim á quân Olympic Eko Yuli Irawan, giành HC vàng, đồng thời lập kỷ lục với tổng cử 307kg.
Tại Asiad 2018, Văn Vinh giành HC bạc, và được đưa vào nhóm đầu tư đặc biệt. Tuy nhiên, anh sau đó vướng doping trong một cuộc kiểm tra ngẫu nhiên của Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) khi đang tập luyện chứ không dự giải đấu quốc tế nào. Văn Vinh sau đó phải nhận án cấm thi đấu 4 năm và phải nộp phạt 5.000 USD. Tuy nhiên, cú sốc này không đánh gục được đô cử sinh năm 1995, anh vẫn tập luyện rồi trở lại xuất sắc với tấm vé dự Olympic Paris 2024.
Boxing Việt Nam có hai nữ võ sĩ tranh tài tại Olympic Paris 2024, Hà Thị Linh và Võ Thị Kim Ánh.
Hà Thị Linh (ảnh trước) sinh năm 1993, người dân tộc Tày, tại Lào Cai. Khi học cấp II, cô được ngành thể thao Yên Bái tuyển chọn về tập bóng chuyền. Nhưng chỉ sau một năm, Linh chuyển sang tập boxing khi được các HLV phát hiện có tố chất.
Sau gần 20 năm theo nghiệp thể thao, Hà Thị Linh là võ sĩ hàng đầu Việt Nam ở các hạng cân từ 60kg trở lên với hàng chục HC vàng các giải đấu, đại hội trong nước, đáng nhớ nhất là hai HCV SEA Games 2013, 2023. Linh cho biết động lực thi đấu lớn nhất của cô là hai con nhỏ ở nhà, và sự hi sinh của người chồng, sẵn sàng làm hậu phương vững chắc để cô yên tâm theo nghiệp võ.
Võ Thị Kim Ánh (ảnh sau) sinh năm 1997 tại An Giang, được chờ đợi sẽ tạo bất ngờ tại Paris, như cách cô đã đoạt vé dự Olympic 2024.
Tại vòng loại thế giới lần thứ nhất tổ chức tại Italy hồi tháng 3/2024, hy vọng của boxing Việt Nam được gửi gắm vào những cái tên như Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh hay HC đồng ASIAD 19 Lưu Diễm Quỳnh. Tuy nhiên, Kim Ánh gây bất ngờ cho các HLV khi thắng liền ba trận trước các đối thủ mạnh để đoạt vé đi Paris.
Lĩnh ấn tiên phong thi đấu cho thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 là cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt, với màn thi vòng loại xếp hạng nội dung cá nhân vào chiều 26/7.
Ánh Nguyệt sinh năm 2001 tại Hưng Yên, được tuyển chọn đi tập bóng rổ. Nhưng sau đó các HLV phát hiện ra cô có tố chất cho đấu kiếm, bắn cung và bắn súng. VĐV này chọn bắn cung và trở thành cung thủ hàng đầu Việt Nam với đủ bộ HC vàng, bạc, đồng SEA Games và cả suất dự Olympic.
"Tôi lúc đầu chán nản, vì đang chạy nhảy với bóng rổ lại chuyển sang tĩnh lặng với bắn cung. Mới đầu tập sai động tác nhiều, dây cung văng bầm hết tay, tôi đau và bực mình, nhưng vẫn cố gắng tiếp tục, nỗ lực hoàn thiện tốt nhất”, Ánh Nguyệt kể lại.
Cùng tham gia tranh tài với Ánh Nguyệt tại Olympic Paris có xạ thủ Lê Quốc Phong sinh năm 2000 tại Vĩnh Long. Anh giành vé dự Thế vận hội sau khi trở thành cung thủ cung một dây Việt Nam đạt thành tích cao nhất trong hệ thống World Cup với vị trí thứ tư.
Ở đấu trường quốc nội, Quốc Phong có bảng thành tích đồ sộ. Giai đoạn 2022-2024, anh từng giành 23 HC vàng và thiết lập hai kỷ lục quốc gia. Hiện anh sở hữu hơn 100 huy chương các loại trong nước.
Hoàng Thị Tình là võ sĩ judo duy nhất của Việt Nam có vé tham dự Olympic Paris 2024. Cô gái sinh năm 1994 tại Thanh Hoá cho biết đây là "giấc mơ thành hiện thực" sau 15 năm theo đuổi nghiệp võ.
Tình bắt đầu theo nghiệp thể thao từ năm 2009, nhưng với môn điền kinh. Cô xem TV thấy môn này hấp dẫn nên thi tuyển và trúng. Nhưng chỉ vài tháng sau, chính HLV điền kinh của Tình lại nhận ra cô có tố chất với võ, nên giới thiệu cô sang judo.
Tình ban đầu cũng lận đận làm quen với judo, mất ba năm ăn tập mới có được thành tích đầu tiên là tấm HC bạc quốc gia năm 2013. Tuy nhiên, số phận cô sau đó rẽ sang một trang mới tươi sáng hơn khi ép cân, chuyển từ hạng 57 kg sang 48, liên tiếp giành HC vàng SEA Games, Đại hội thể thao toàn quốc và cả vé dự Olympic 2024.
Sáng 21/4, trong phần thi chung kết thuyền đơn nữ C1 200m giải Canoe Vô địch châu Á 2024 - đồng thời là vòng loại canoe Olympic - tại Nhật Bản, tay chèo Nguyễn Thị Hương (phải trong ảnh) về đích thứ 2 với thời gian 49 giây 351. Thành tích này giúp canoe Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử có vận động viên giành vé chính thức tham dự một kỳ Olympic.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, ngay sau phần thi của Nguyễn Thị Hương, tại chung kết nội dung thuyền đơn nữ hạng nhẹ rowing, Phạm Thị Huệ (trái) cán đích trong tốp 5 để giành vé tham dự Olympic Paris 2024. Phạm Thị Huệ từng hai lần đạt chuẩn tham dự Olympic, nhưng đều phải nhường vinh dự cho đồng đội thi đấu nội dung đôi, vì trước đây, theo quy định, mỗi quốc gia chỉ có một suất dành cho nam và một suất dành cho nữ môn rowing tham dự Olympic.
Bơi Việt Nam có hai suất dự Olympic Paris 2024.
Nguyễn Huy Hoàng tranh tài ở nội dung 800m tự do nam. Anh giành suất đến Pháp khi đạt chuẩn A với thành tích 7 phút 51 giây 44. Huy Hoàng sinh năm 2000 tại Quảng Bình, từng giành nhiều HC vàng SEA Games, đoạt một HC đồng và một HC bạc Asiad.
Cùng tham dự đường đua xanh ở Olympic Paris 2024 có Võ Thị Mỹ Tiên. Kình ngư 18 tuổi góp mặt theo suất đặc cách. Liên đoàn Bơi lội thế giới chỉ định nội dung duy nhất mà Mỹ Tiên sẽ tranh tài tại Olympic Paris vào cuối tháng 7 này là 200m cá nhân hỗn hợp. Đây là nội dung mà cách đây bốn năm, cô từng gây chấn động khi phá kỷ lục của đàn Nguyễn Thị Ánh Viên ở giải trẻ quốc gia, với thành tích 2 phút 21 giây 67.
Tháng 6/2023, Nguyễn Thị Thật giành chiến thắng nội dung xuất phát đồng hàng nữ giải vô địch xe đạp đường trường châu Á 2023 diễn ra tại Thái Lan. Chiếc HC vàng này cũng giúp trở thành cua-rơ đầu tiên trong lịch sử xe đạp Việt Nam được dự Olympic.
Nguyễn Thị Thật sinh năm 1993 tại An Giang. Cô bắt đầu thi đấu đỉnh cao nội dung đường trường ở Cúp Truyền hình An Giang từ 2010, thành tích đầu tiên được là HC đồng SEA Games 27. Sau đó Thật giành HC bạc Asiad tại Incheon, Hàn Quốc và 5 HC vàng các kì SEA Games năm 2015, 2017, 2019, 2021 và năm 2023. Sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của cô tiếp tục thăng hoa với 3 HC vàng giải vô địch đường trường châu Á các năm 2018, 2022, 2023 và 1 HC bạc năm 2024.
Thật là nữ vận động viên đầu tiên của xe đạp Việt Nam xuất ngoại và thi đấu thành công khi khoác áo cho CLB Bỉ Lotto-Soudal Ladies, rồi Roland Israel Premier Tech Roland - đội đua hàng đầu Thụy Sĩ.
VĐV "chốt sổ" danh sách dự Olympic Paris 2024 của thể thao Việt Nam là Trần Thị Nhi Yến, với suất đặc cách.
Nhi Yến sinh năm 2005 tại Long An, đang nổi lên như là nữ hoàng mới của đường chạy cự ly ngắn Việt Nam, sau khi đàn chị Lê Tú Chính xuống phong độ vì chấn thương.
Thành tích tốt nhất của Yến Nhi là HC bạc SEA Games 32 năm 2023 và HC bạc Giải điền kinh U20 châu Á năm 2024.