Chọn máy sấy quần áo nào?

Chọn máy giặt kiêm sấy để tiết kiệm tiền hay mua máy sấy rời để sấy nhanh và nhiều là những gì các gia đình còn băn khoăn.

Chọn máy sấy quần áo nào?

Chọn kiểu máy sấy

Tại Việt Nam, thông dụng nhất là hai dòng sản phẩm tủ sấy và máy sấy trông như máy giặt lồng ngang. Ưu điểm của tủ sấy là giá rẻ hơn, từ 500.000 cho tới 1,5 triệu đồng, sấy được từ 10 đến 15 kg. Khi hết mùa nồm ẩm, người dùng có thể tháo rời và cất gọn. Tuy nhiên, dòng sản phẩm này tốn nhiều thời gian để làm khô quần áo, gây tốn điện.

Loại thông dụng hơn là máy sấy với kiểu dáng như máy giặt lồng ngang, giá từ 5 tới 20 triệu đồng, tuỳ tính năng và khối lượng sấy. Loại này sấy khô nhanh và hiệu quả hơn, có tính năng tương thích cho nhiều loại quần áo và thêm khả năng kháng khuẩn. Tuy nhiên, người dùng cũng cần bố trí không gian để có thể kê thiết bị.

Loại máy sấy mini giá 2 triệu đồng chưa phổ biến bằng 2 sản phẩm trên. Với kích thước nhỏ, không có lồng quay, dòng này chỉ phù hợp để sấy đồ sơ sinh, trẻ em hoặc quần, áo mỏng nhu cầu cá nhân, không phù hợp gia đình.

Chọn máy sấy quần áo nào?

Công nghệ sấy thông hơi và sấy ngưng tụ

Có cùng thiết kế như máy giặt lồng ngang, máy sấy thông hơi và ngưng tụ chênh lệch nhiều về giá bán và cách sử dụng.

Máy sấy ngưng tụ rẻ hơn, giá bán từ 6 đến 9 triệu đồng cho model từ 7 đến 9 kg. Trong khi với khối lượng sấy tương tự, giá của máy sấy thông hơi từ 10 đến 16 triệu đồng.

Máy sấy thông hơi thường có lỗ thông hơi nóng, ẩm nằm ở mặt trước. Khi hoạt động, hơi nóng sẽ thoát ra từ đây. Vì thế, người dùng cần lưu ý vị trí kê máy để an toàn khi sử dụng. Sản phẩm phù hợp với nhà có phòng giặt riêng hoặc kê ngoài trời, ban công.

Máy sấy ngưng tụ sẽ dồn không khí nóng ẩm thành nước và dồn xuống một bồn riêng bên dưới, để thu dọn sau khi sử dụng. Hơi nóng không thoát ra ngoài nên người dùng có thể bố trí nơi đặt dễ dàng, nhiều không gian.

Chọn máy sấy quần áo nào?

Lưu ý điện năng

Tủ sấy có công suất thấp, từ 900 đến 1.500 W, nhưng lại tốn điện năng hơn máy sấy quần áo cửa ngang do thời gian sấy lâu. Vì thế, hiệu quả sử dụng của máy sấy quần áo cửa ngang được đánh giá cao hơn. Loại máy này thường có công suất trên 2.000 W, thời gian làm khô quần áo từ 20 phút cho tới 90 phút. Để tiết kiệm điện, người dùng nên lựa chọn dòng máy Inverter hay có cảm biến nhận biến độ ẩm bên trong để tối ưu năng lượng tiêu thụ.

Chọn máy sấy quần áo nào?

Tính năng đi kèm

Ngoài làm khô quần áo, các dòng máy sấy cửa ngang hiện nay đều có thêm nhiều tính năng làm sạch, kháng khuẩn, cũng như giữ độ bền cho quầo áo. Trước khi sấy, người dùng nên lưu ý chất liệu của quần áo - thường được nhà sản xuất ghi chú trong các tem mác của mặt trong - từ đó lựa chọn chế độ, thời gian hay mức độ sấy phù hợp.

Chọn máy sấy quần áo nào?

Máy giặt sấy 2 trong 1

Nếu giặt giũ hàng ngày và gia đình từ 2 đến 4 người, máy giặt có chức năng sấy là lựa chọn phù hợp vì tiết kiệm không gian. So với sử dụng máy giặt và máy sấy riêng, người dùng chỉ mất một lần đưa quần áo bẩn và lấy ra quần áo khô, không mất thời gian chuyển đổi giữa giặt sang sấy.

Giá thành của máy giặt kiêm sấy rẻ hơn mua máy giặt và máy sấy rời. Cụ thể, nhiều model giờ giá từ 12 đến 16 triệu đồng.

Tuy nhiên, các sản phẩm 2 trong 1 này khối lượng sấy luôn thấp hơn khá nhiều so với khối lượng giặt. Thông thường, máy giặt hỗ trợ 8 đến 9 kg nhưng khối lượng sấy chỉ 5 kg. Vì thế, khi có nhu cầu giặt và sấy, người dùng nên bỏ đồ vào vừa đủ để quần áo khô hiệu quả.

Theo VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast