“Cơn khát” chip toàn cầu

Tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn đang trở nên trầm trọng và dai dẳng hơn sau 4 tháng, gây ảnh hưởng nhất định tới các ông lớn ngành công nghệ như Apple, Samsung Electronics…, và thậm chí đã trở thành chủ đề chính trong các mối quan hệ chính trị, ngoại giao giữa các bên.

Từ một tính toán sai lầm

Chip bán dẫn là thành phần quan trọng của thiết bị điện tử hiện đại, có thể được tìm thấy trong hàng nghìn sản phẩm được sử dụng hàng ngày, bao gồm ô tô, máy tính, điện thoại thông minh và thiết bị y tế… Những con chip này là bộ não của tất cả các thiết bị điện tử, thực hiện các chức năng khác nhau, từ các tác vụ lặp đi lặp lại như bộ nhớ và bộ vi xử lý, đến các tác vụ phức tạp như trí tuệ nhân tạo và đồ họa cao cấp.

Chip bán dẫn vốn có giá thành không hề cao, nhưng bỗng nhiên trở thành mặt hàng khan hiếm. Jordan Wu - nhà đồng sáng lập và CEO của Himax Technologies Co., nói với Bloomberg: “Tôi chưa từng chứng kiến điều gì như thế này trong 20 năm qua, kể từ khi thành lập công ty. Mọi ngành đều thiếu chip”.

“Cơn khát” chip toàn cầu

Tổng thống Joe Biden với mẫu chip trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, trước khi ký lệnh hành pháp ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn với nền kinh tế Mỹ, hôm 24/2.

Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu được cho bắt nguồn từ một tính toán sai lầm khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái. Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng từ Trung Quốc ra toàn cầu, nhiều công ty dự đoán rằng người tiêu dùng sẽ giảm thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, khi bị “mắc kẹt” trong nhà, người tiêu dùng bắt đầu mua nhiều hơn các thiết bị công nghệ: Thêm máy tính xách tay để con mình có thể học từ xa; mua máy chơi game cầm tay, nồi chiên không dầu, máy xay… để giúp cuộc sống giãn cách xã hội bớt nhàm chán hơn. Đã có ví von gọi đại dịch Covid-19 là “một sự kiện Black Friday kéo dài”.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô cũng chịu tác động vì đại dịch. Họ buộc phải đóng cửa nhà máy trong thời kỳ giãn cách xã hội, khi nhu cầu sụt giảm vì khách hàng không thể đến cửa hàng. Họ yêu cầu các nhà cung cấp ngừng vận chuyển linh kiện, trong đó có chip - bộ phận ngày càng thiết yếu đối với ô tô. Đến cuối năm ngoái, người tiêu dùng bắt đầu được đi ra ngoài nhưng hạn chế sử dụng phương tiện công cộng. Các nhà sản xuất ô tô mở cửa trở lại và tìm đến những nhà sản xuất chip như TSMC (Đài Loan), Samsung (Hàn Quốc), và tất nhiên phải “xếp hàng” chờ đợi. Các nhà sản xuất chip không thể đáp ứng nhu cầu tăng vọt đối với các khách hàng vốn rất trung thành của mình.

Tình trạng thiếu hụt càng trầm trọng hơn trong năm nay, do một loạt sự gián đoạn xảy ra. Ví dụ nhà máy chip Renesas Electronics Nhật Bản bị cháy, hạn hán ở “xứ sở chip” Đài Loan (Trung Quốc), và đợt rét đậm ở Texas (Mỹ) khiến các nhà máy của Samsung, NXP Semiconductors và Infineon tại đây phải tạm thời dừng hoạt động. “Mọi thứ hiện tại không khác gì địa ngục trần gian”, Frank McKay, CPO của Jabil - công ty thu mua hàng tỷ USD chip mỗi năm để lắp ráp sản phẩm cho các khách hàng gồm Apple, Amazon, Cisco Systems và Tesla - nói. Frank cho biết, ngày nào cũng vậy, công ty của ông phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 100 linh kiện và phải nỗ lực đàm phán hết sức để có được.

Thế khó của các nhà sản xuất

Hạn chế về nguồn cung chip bán dẫn không phải là một vấn đề mới, tuy nhiên những gì từng diễn ra thường liên quan đến một số loại chip cụ thể. Khách hàng trên toàn cầu hiện nay cạnh tranh gay gắt để tìm một loại chip rẻ tiền hơn được sản xuất tại các nhà máy cũ, trong khi một thực tế là những nhà máy này rất khó có thể nâng cấp.

Chẳng hạn, nguồn cung chip vi mạch tích hợp cho các hệ thống ô tô đang đặc biệt thiếu hụt vì chúng thường được sản xuất trên đĩa silicon (wafer) rộng 8 inch, thay vì tấm 12 inch cao cấp hơn. Nhưng không công ty nào xây dựng thêm các dây chuyền sản xuất vì chúng không mang lại lợi nhuận. Sumco Corp - một trong những nhà sản xuất wafer hàng đầu, đã báo cáo năng lực sản xuất của dây chuyền thiết bị 8 inch là khoảng 5.000 tấm một tháng vào năm 2020 - ít hơn so với năm 2017. Việc mua thiết bị mới và bắt đầu với năng suất thấp hơn đồng nghĩa với việc chi phí của các nhà sản xuất sẽ bị đội lên cao hơn.

Trong khi đó, Mỹ, Nhật Bản và Đức - các quốc gia sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới - đang có những động thái tạo áp lực lên các bên sản xuất chip lớn tại châu Á, buộc họ phải ưu tiên các dòng chip sử dụng trên xe hơi lên trên nhu cầu của các khách hàng khác, trong đó bao gồm các nhà sản xuất điện thoại thông minh và máy tính. Chính phủ 3 quốc gia này lo ngại ngành xe hơi sẽ phát triển chậm lại, hoặc thậm chí phải cắt giảm sản xuất do thiếu chip, de dọa tới việc làm trong nước và sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, theo những người trong cuộc, áp lực chính trị nhằm ép các nhà sản xuất chip buộc phải ưu tiên nhu cầu tới từ các hãng sản xuất xe hơi chỉ làm trầm trọng hóa thêm tình hình thực tại của chuỗi cung ứng.

“Chúng tôi phải tái đàm phán với một số khách hàng và đồng thời phải đáp ứng những yêu cầu từ phía Chính phủ khi ưu tiên sản xuất các dòng chip sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất xe hơi, vốn đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu” - Mark Liu - Chủ tịch của TSMC nói, “điều này là trái ngược so với trước kia, khi hoạt động sản xuất chip dựa trên cơ sở ai tới trước sẽ được ưu tiên trước”.

Chỉ là bong bóng?

Cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ - Trung Quốc diễn ra trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cũng được cho đã có những tác động tiêu cực lên chuỗi cung ứng. Khi Washington áp dụng các biện pháp hạn chế lên khả năng tiếp cận của Tập đoàn Huawei của Trung Quốc đối với các công nghệ quan trọng của Mỹ, công ty này đã gia tăng tích trữ các mặt hàng linh kiện nhiều nhất có thể. Nhiều công ty Trung Quốc khác vốn lo sợ sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự cũng làm theo cách mà Huawei đã làm. Kết quả khiến nhu cầu đối với các loại chip và linh kiện tăng cao đột biến.

Hôm 12/4 vừa qua, Huawei trực tiếp đổ lỗi cho Mỹ khi gián tiếp gây ra một cuộc khủng hoảng trên quy mô toàn cầu khi cho rằng các lệnh cấm vận của Washington đối với các công ty công nghệ Trung Quốc đã gây ra tình trạng “mua sắm hoảng loạn” đối với các linh kiện và chip, gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. “Rõ ràng những biện pháp cấm vận phi lý từ phía Mỹ đối với Huawei và các công ty Trung Quốc khác đã hình thành nên tình trạng thiếu hụt linh kiện trên toàn ngành, và điều này hoàn toàn có thể gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu” - Eric Xu - Chủ tịch luân phiên của Huawei nói.

Tuy nhiên, các công ty hiện vẫn tỏ ra không chắc chắn về “cơn khát” chip hiện tại. Đối với họ, nhu cầu lớn hiện đến từ một loạt các đơn hàng phòng hộ, những nỗ lực tích trữ hàng hóa hoặc thậm chí là quyết tâm chiếm thị phần từ đối thủ, qua đó tạo nên “bong bóng chip bán dẫn” trên thị trường. Chủ tịch Liu của TSMC thừa nhận, phần lớn khách hàng muốn đặt hàng nhiều hơn gấp đôi nhu cầu để giảm thiểu rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra bởi những căng thẳng địa chính trị.

“Lực cầu mạnh như bây giờ sẽ không kéo dài mãi mãi, bởi người mua sẽ không một lúc sắm tới 5 chiếc điện thoại hay 5 chiếc xe hơi. Tôi lo lắng rằng sẽ có những điều chỉnh khi một trong những DN lớn trong ngành mạnh dạn hành động, và các đơn hàng sẽ bắt đầu sụt giảm” - một lãnh đạo trong chuỗi cung ứng chip nói với Nikkei Asia.

Theo Kinh tế & Đô thị

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast