Điện thoại “cục gạch” vẫn sống tốt ở Việt Nam

Tại thị trường Việt Nam, doanh số bán điện các dòng điện thoại phổ thông, không hệ điều hành vẫn đạt mức hàng trăm nghìn máy mỗi tháng.

Điện thoại “cục gạch” vẫn sống tốt ở Việt Nam

Các máy điện thoại phổ thông, không cảm ứng vẫn được một nhóm khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Aliexpress.

Không còn chiếm ưu thế, các mẫu di động cơ bản vẫn bán tốt ở Việt Nam với số lượng lớn. Đây là những dòng điện thoại phổ thông, không có hệ điều hành, được gọi chung là feature phone (điện thoại “cục gạch”).

Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường GfK, người dùng trong nước tiêu thụ khoảng 1,4 triệu chiếc điện thoại trong tháng 10. Khoảng 14% trong tổng số máy nói trên là các dòng điện thoại phổ thông. Mức này tương đương 200.000 thiết bị đã được người dùng Việt Nam tiêu thụ.

Con số này tương đương lượng máy bán ra của Apple, Oppo trong một tháng. Nếu tính về mặt thị phần, các máy điện thoại “cục gạch” có thể trở thành thương hiệu điện thoại lớn thứ 2-3 tại Việt Nam về số lượng, chỉ xếp sau Samsung.

Đồng thời, thành tích này không chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Thị phần của các dòng máy điện thoại phổ thông luôn được duy trì ở mức 14-20% tổng lượng thiết bị di động tại Việt Nam trong các năm qua. Có thời điểm trong năm 2021, lượng thiết bị được tiêu thụ vượt mức 420.000 máy, bằng 1/4 số lượng smartphone.

Lý giải về lượng bán ra ổn định của feature phone tại Việt Nam, đại diện hệ thống bán lẻ CellphoneS cho rằng giá thành rẻ, đem lại trải nghiệm cầm nắm, sử dụng trực quan, bền bỉ là một phần nguyên nhân. Đồng thời, việc cần thêm một chiếc máy có pin tốt để kết nối, nghe gọi liên tục cũng là nhu cầu của nhiều người, đi kèm với một máy smartphone.

Trả lời Zing, đại diện HMD Việt Nam cho biết nhóm khách hàng làm việc trong lĩnh vực nông, ngư nghiệp, xây dựng, hộ kinh doanh nhỏ chọn các máy feature phone nhờ khả năng nghe gọi tốt, bền bỉ và nhỏ gọn.

“Ngoài ra, nhóm người cao tuổi, quen với bàn phím cũng trung thành với loại sản phẩm này. Số ít người trẻ muốn”cai nghiện“mạng xã hội cũng tìm đến các dòng featrure phone”, ông Nguyễn Việt Hoàng, Tổng giám đốc HMD Đông Dương cho biết.

Tuy có tỷ trọng khá lớn, nhưng vì giá thành rẻ, trung bình khoảng 700.000 đồng/máy, nên doanh thu mang lại từ các thiết bị này không cao. “Điện thoại phổ thông chiếm khoảng 15% thị phần, nhưng doanh thu chiếm dưới 3%”, đại diện FPT Shop nói.

Bởi giá trung bình rẻ, lợi nhuận thấp cũng thấp hơn so với smartphone, các hệ thống bán lẻ cũng không quá “mặn mà” với các dòng máy này. Các thương hiệu điện thoại phổ thông không có nhiều chương trình quảng bá, khuyến mãi. Chủ yếu, người dùng có nhu cầu tự tìm tới sản phẩm, lựa chọn qua tư vấn của nhân viên bán hàng. Đồng thời, các lựa chọn ở phân khúc này cũng khá hạn chế.

Ví dụ, hệ thống bán lẻ Thế Giới Di Động, có mạng lưới phân phối rộng, khắp các quận, huyện trên toàn quốc hiện kinh doanh khoảng 15 dòng điện thoại phổ thông, giá dưới 1 triệu đồng. Số lượng còn ít hơn ở các đại lý khác.

Đổi lại, số lượng máy bán ra của các thiết bị dạng này là mơ ước với nhiều hãng smartphone ở Việt Nam. Ví dụ, mẫu Nokia 105 bán được hơn 35.000 máy trong tháng 10, Masstel IZI 10 đạt doanh số 24.000 thiết bị. Nokia vẫn là ông vua tầm giá với khoảng 50% thị phần tại Việt Nam. Trong khi đó, ở hạng mục điện thoại thông minh, thương hiệu này khó cạnh tranh, không có chỗ đứng.

Các máy điện thoại phổ thông bán tại Việt Nam đa phần có hỗ trợ kết nối 4G, thêm các tính năng cơ bản như nghe nhạc, duyệt web, nghe radio. Những thiết bị này vẫn đáp ứng được nhu cầu nghe gọi của khách hàng khi sóng 2G bị tắt thời gian tới.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast