Internet vệ tinh tại Việt Nam: Ít và đắt đỏ

Ý tưởng dùng Internet vệ tinh thường được đưa ra mỗi khi cáp quang biển gặp sự cố, nhưng giải pháp này chưa phổ biến, giá cước lên đến hàng triệu đồng.

Trong bài viết của VnExpress về Internet Việt Nam mong manh thế nào , nhiều độc giả đưa ra ý tưởng sử dụng Internet vệ tinh để tránh tình trạng kết nối bất ổn do phụ thuộc các tuyến cáp quang biển. “Các nhà mạng nên hợp lực nghiên cứu Internet vệ tinh như của Elon Musk để đỡ lo bị đứt cáp. Nếu Starlink vào Việt Nam, tôi cũng sẽ đăng ký dùng thử”, độc giả Trần Thắng bình luận.

Đây cũng là một trong các giải pháp được ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, đưa ra khi được hỏi về biện pháp giữ kết nối ổn định. “Ở khía cạnh công nghệ, có thể tính đến khả năng sử dụng dịch vụ truy cập Internet không dây qua vệ tinh như Starlink, trên cơ sở phù hợp lợi ích quốc gia và quy định pháp luật Việt Nam, để đa dạng kết nối Internet quốc tế cho những nhóm người dùng khác nhau”, ông nói.

Thực tế, hình thức kết nối này đã được một số nhà mạng nghiên cứu ứng dụng và được cơ quan quản lý quan tâm. Tuy nhiên, Tại Việt Nam, VNPT là đơn vị duy nhất sở hữu mạng thông tin vệ tinh. Hình thức kết nối này sử dụng các trạm vệ tinh cỡ nhỏ VSAT (Very Small Aperture Terminal) có đường kính ăng-ten từ 1,2 m đến 3 m và hệ thống thông tin vệ tinh băng rộng Vinasat để cung cấp các dịch vụ viễn thông trên nền giao thức IP.

Internet vệ tinh tại Việt Nam: Ít và đắt đỏ

Một đầu thu tín hiệu Internet vệ tinh Starlink. Ảnh: CNBC

Trên website, nhà mạng cho biết đang cung cấp dịch vụ VSAT-IP, cho phép truy cập Internet qua đường vệ tinh với tốc độ tối thiểu 384 Kbps và giá cước từ 1,6 đến 5,25 triệu đồng mỗi tháng.

Ngoài đăng ký gói thuê bao, người dùng sẽ cần mua thiết bị kết nối mạng, lắp bên ngoài căn nhà để sử dụng. Vệ tinh Vinasat-1 bắt đầu cung cấp dịch vụ từ tháng 6/2008 và đến nay sử dụng hết dung lượng, được mở rộng bởi Vinasat-2 từ 2012.

Tháng 4/2021, Viettel cũng đề xuất triển khai thí điểm dịch vụ Internet vệ tinh bằng chùm vệ tinh quỹ đạo thấp (LEO) để tăng khả năng phủ sóng cho mạng di động. Ông Lê Bá Tân, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty mạng lưới Viettel, khi đó đánh giá Internet vệ tinh là cách nhiều quốc gia đã triển khai để tăng độ phủ tới những khu vực xa xôi như miền núi hay hải đảo.

Giải pháp truyền Internet qua LEO được đánh giá có ưu điểm về chi phí xây dựng và phóng vệ tinh thấp. Do hoạt động ở tầm gần, khoảng cách từ 800 đến 1.600 km, Internet được cung cấp sẽ cho tốc độ cao, độ trễ thấp và băng thông lớn hơn. Nhược điểm của loại vệ tinh này là vòng đời ngắn, chỉ từ 5 đến 7 năm và người dùng phải mua bộ thu phát với giá cao.

Hai năm trước, người dùng tại Việt Nam cũng xôn xao khi dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk cho đặt hàng ở Việt Nam. Website của dịch vụ này khi đó đưa ra thông điệp “đặt mục tiêu phủ sóng khu vực của bạn vào năm 2022”, khiến nhiều người kỳ vọng sắp có thêm hình thức kết nối mới.

Tuy nhiên đến nay, website đã gỡ thông điệp trên. Khi tìm kiếm Việt Nam trên bản đồ phủ sóng của Starlink, dịch vụ hiển thị “chưa có thông tin” về ngày hoạt động. Trong khi tại một số thị trường như Philippines, Malaysia, Singapore, Brunei, thời gian dự kiến bắt đầu trong năm 2023.

Dịch vụ Starlink yêu cầu đặt cọc 99 USD, nhưng chưa có thời gian dự kiến tại Việt Nam. Ảnh: Starlink

Đánh giá cao tiềm năng từ hình thức kết nối Internet này, trong dự thảo luật viễn thông sửa đổi cuối 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã bổ sung một số quy định với dịch vụ viễn thông sử dụng vệ tinh. Các quy định này nhằm đảm bảo Internet vệ tinh hoạt động đảm bảo an toàn, an ninh tại Việt Nam, đồng thời là nền tảng để dịch vụ này phát triển trong tương lai.

Thách thức với Internet vệ tinh

Tại buổi chia sẻ về giải pháp khắc phục sự cố cáp quang biển chiều 10/2, khi được hỏi về Internet vệ tinh, Cục trưởng Viễn thông Nguyễn Hồng Thắng cho rằng thách thức đầu tiên là mức giá.

Hiện tại, với kết nối Internet băng rộng cố định, người dùng Việt chỉ cần chi dưới 200 nghìn đồng cho băng thông trên 100 Mbps, miễn phí thiết bị đầu cuối. Trong khi đó, dịch vụ như của Starlink yêu cầu trả 599 USD (14 triệu đồng) cho thiết bị, chưa tính giá thuê bao 99 USD (2,3 triệu đồng) mỗi tháng, gấp 10 lần giá cước Internet ở Việt Nam. Tương tự, dịch vụ vệ tinh của VNPT cũng có mức giá thấp nhất 1,6 triệu đồng cho thuê bao tháng.

Nếu không quan tâm về giá, Internet vệ tinh tại Việt Nam cũng gặp những thách thức trong triển khai, cũng như các yêu cầu về đảm bảo chất lượng, an toàn, an ninh. Khi đưa ra đề xuất về Internet vệ tinh, ông Lê Bá Tân cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có đủ tiềm lực để tự triển khai chùm vệ tinh quỹ đạo thấp. Thay vào đó, nhà mạng sẽ phải sử dụng và phụ thuộc vào hệ thống vệ tinh có sẵn của các công ty nước ngoài.

Trong khi đó, các dịch vụ nước ngoài như Starlink được xếp vào dịch vụ xuyên biên giới, phải tuân thủ quy định trong Luật Viễn thông. “Đây là ngành kinh doanh có điều kiện nên có những điều khoản rất chặt. Điều này vừa để bảo vệ thị trường trong nước, vừa bảo đảm về an toàn thông tin”, Cục trưởng Viễn thông nói.

Trước đó, bàn về chính sách quản lý và phát triển dịch vụ thông tin vệ tinh trong dự thảo sửa đổi Luật viễn thông, bà Phan Thanh Huyền thuộc Vụ Pháp chế - Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá dịch vụ vệ tinh với đặc tính vùng phủ sóng rất rộng, có thể hoạt động, cung cấp dịch vụ mà không cần hiện diện cả về kỹ thuật và thương mại tại nước sở tại.

Với công nghệ ngày một phát triển, việc cung cấp dịch vụ qua vệ tinh đang dễ dàng hơn, có nhiều dịch vụ mang tính chất thu thập dữ liệu như hình ảnh, truy cập băng rộng tốc độ cao. Điều này, theo bà Huyền, tiềm ẩn nhiều nguy cơ như dữ liệu của người dùng ở Việt Nam đi thẳng ra nước ngoài và có nguy cơ bị các doanh nghiệp nước ngoài thu thập, sử dụng bất hợp pháp; nguy cơ mất dữ liệu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng; nguy cơ mất an toàn mạng lưới, an ninh thông tin.

Nếu muốn phủ sóng tại Việt Nam, các dự án Internet vệ tinh như của Elon Musk phải có thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp Việt đã được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông truyền dẫn qua vệ tinh. Ngoài ra, dự thảo luật sửa đổi cũng bổ sung quy định về đặt trạm cổng (gateway) vệ tinh tại Việt Nam.

Tính đến giữa năm 2022, Starlink có khoảng 3.500 vệ tinh hoạt động, cung cấp Internet cho khoảng 500.000 người dùng tại 37 quốc gia.

Trả lời VnExpress , nhà phân tích Marvin Tan của công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường viễn thông Telegeography, đánh giá kết nối vệ tinh chưa thể đóng vai trò thay thế cho cáp quang tại Việt Nam hiện nay “Chúng thường được sử dụng để cung cấp kết nối Internet cho các địa điểm ở xa và khó tiếp cận, nhưng không đủ dung lượng để thay thế cáp quang dưới biển và trên mặt đất”, ông Tan nói.

Theo Lưu Quý/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast