iPhone 14 sẽ dùng chip đời cũ của iPhone 13

Đây là năm đầu tiên Apple sử dụng vi xử lý cũ cho iPhone thế hệ mới của mình.

Theo phóng viên Mark Gurman của Bloomberg, Apple sẽ tập trung nghiên cứu con chip mới trên máy tính Mac. Do đó, iPhone 14 và Apple Watch chịu ảnh hưởng trực tiếp khi sử dụng lại chip đời cũ.

Dòng chip do Apple tự phát triển trên máy tính Mac đã khuynh đảo ngành công nghiệp bán dẫn trong gần 2 năm qua. Chỉ trong vòng 18 tháng, Apple đã trình làng dòng chip Apple M1, M1 Pro, M1 Ultra rồi M2. Do đó, Mark Gurman dự đoán nhiều dòng chip mới của Táo khuyết sẽ tiếp tục xuất hiện trong năm tới bao gồm M2 Pro, M2 Max, M2 Ultra và M3.

iPhone 14 bị cho ra rìa

Để đạt được tiến độ này, đội ngũ kỹ sư của tập đoàn đã phải trải qua nhiều công đoạn thử nghiệm, nghiên cứu và sản xuất linh kiện cho con chip mới. Tuy nhiên, việc Apple tập trung nhân lực cho vi xử lý trên máy Mac đã ảnh hưởng không nhỏ đến các dòng sản phẩm khác của hãng, phóng viên của Bloomberg nhận định.

iPhone 14 sẽ dùng chip đời cũ của iPhone 13

Apple có thể sẽ phá vỡ truyền thống của mình khi dùng chip công nghệ cũ cho iPhone 14. Ảnh: Cnet

Cụ thể, tiến độ sản xuất iPhone, Apple Watch và modem 5G sẽ bị đình trệ do Apple bận sản xuất chip cho máy tính Mac và tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Bloomberg, 2022 sẽ là năm đầu tiên Táo khuyết không sử dụng tiến trình mới cho con chip trên dòng flagship iPhone của mình kể từ khi hãng chuyển sang vi xử lý dòng A, tự thiết kế. Do đó, iPhone 14 và 14 Max sẽ sử dụng A15 Bionic cũ từng xuất hiện trên iPhone 13. Trong khi đó, iPhone 14 Pro và 14 Pro Max sẽ được trang bị chip thế hệ mới A16 Bionic.

Mặt khác, Apple Watch cũng sẽ dùng vi xử lý cũ, có sức mạnh tương tự những người tiền nhiệm suốt 3 năm qua, điều chưa có tiền lệ trước đây. Mark Gurman dự đoán rằng con chip S8 trên Apple Watch Series 8 sẽ có hiệu năng giống với S7 năm 2021 và S6 năm 2020.

Đây có thể không phải là tin tức bất ngờ với người dùng Táo khuyết vì trong những năm gần đây các cải tiến hiệu năng trên các vi xử lý của iPhone đã có dấu hiệu chững lại.

Mặc dù sở hữu công nghệ tân tiến nhưng con chip A15 trên iPhone 13 lại không được Apple chú trọng giới thiệu, thậm chí còn không so sánh tốc độ với chip A14 cũ. Hãng chỉ cho biết cho biết sức mạnh của A15 Bionic nhanh hơn 50% so với các đối thủ. Trong khi đó, trước đây, hãng công nghệ thường có thói quen so sánh hiệu suất so với chipset thế hệ trước đó.

Đánh mất nhân tài vì quá tập trung cho Mac

Phóng viên Bloomberg nhận định việc đẩy mạnh công nghệ trên Mac là một điều nên làm. Tuy nhiên, Apple cũng không nên lơ là với con chip trên các dòng sản phẩm khác vì 60% doanh thu hàng năm của hãng đến từ các thiết bị không sử dụng chip M1, M2 như iPhone, iPad.

Mặt khác, nếu mảng sản xuất chip chỉ tập trung vào một dòng thiết bị sẽ dễ khiến nhân viên rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nhiều kỹ sư cho biết đội ngũ của họ đang phải làm việc với tiêu chuẩn chính xác quá cao, thiếu môi trường tự do làm việc. Do đó, trong vài năm trở lại đây, nhóm kỹ sư của Apple đã đánh mất một lượng lớn nhân tài.

Hàng loạt các dòng chip “cây nhà lá vườn” được Apple phát triển và đưa lên máy tính Mac. Ảnh: Bloomberg

Bên cạnh iPhone và iPad, gã khổng lồ công nghệ Mỹ cũng gặp khó khăn với modem 5G tự sản xuất của mình. Trong những năm gần đây, Apple đã nỗ lực phát triển modem chip 5G của riêng mình nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào Qualcomm.

Tuy nhiên, nhà phân tích Ming-Chi Kuo cho biết những nỗ lực của Apple có thể đã thất bại khi quá trình phát triển modem 5G của Apple bị đình trệ.

Theo Bloomberg, có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh thời điểm Apple ra mắt modem mới của riêng mình. Một số chuyên gia dự đoán con chip công nghệ mới này sẽ xuất hiện vào năm 2023.

Song, Mark Gurman lại cho rằng hãng công nghệ mới chỉ phát triển dự án gần đây nên thời điểm công bố thiết bị sớm nhất phải là vào năm 2024. Điều này sẽ giúp Apple có thêm thời gian để tăng tính tương thích với các trạm 2G, 3G, 4G và 5G trên toàn cầu, từ đó cho ra hiệu năng tốt hơn dòng sản phẩm của đối thủ Qualcomm.

Cũng theo Bloomberg, Apple đang trong quá trình hợp nhất các dòng chip của mình. Bằng chứng là hãng đã đưa vi xử lý trên máy tính Mac lên iPad và thiết bị đeo thực tế hỗn hợp sắp tới, đồng thời dùng con chip của Apple Watch cho HomePod. Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai, có thể Táo khuyết sẽ không cần phải sản xuất chip riêng cho từng dòng sản phẩm của mình.

Hãng công nghệ cũng đang phải chịu nhiều áp lực từ tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn trên toàn cầu và chi phí vận hành tăng cao. Vì dây chuyền sản xuất chip 3 nm của TSMC sẽ không hoạt động hàng loạt trước năm 2023 nên một vài sản phẩm của Apple sẽ bị đình trệ sản xuất.

Bên cạnh đó, phí tổn vận chuyển và sản xuất linh kiện ngày một tăng, khiến các dòng chip mới như A16 trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết. Điều này buộc tập đoàn phải tăng giá iPhone, khiến người dùng e ngại trước thời buổi lạm phát.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast