Làn sóng đòi công lý và bồi thường cho những nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam

Chất độc da cam/đi-ô-xin mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam gây tác hại nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người. Chính phủ Mỹ đã phải đền bù 1,52 tỷ USD/năm cho các cựu binh Mỹ bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin.

Đòi công lý và bồi thường cho các nạnnhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam.
Đòi công lý và bồi thường cho các nạnnhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam.

Hiện nay, ở Việt Nam có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin và hàng trăm triệu ha đất đai bị nhiễm chất độc này. Khắp thế giới đang dấy lên làn sóng đòi công lý và bồi thường cho các nạn nhân chất da cam ở Việt Nam, cũng như giải quyết những hậu quả liên quan.

Theo số liệu của các nhà khoa học Mỹ, từ năm 1961 đến 1971, đã có khoảng 80 triệu lít hóa chất độc, 61% là chất da cam, chứa 366 kg đi-ô-xin được quân đội Mỹ rải xuống miền nam Việt Nam. Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam, có 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó ba triệu người nhiễm chất độc này. Ðầu năm nay, Tòa án Tối cao Mỹ đã quyết định không xem xét đơn của các nạn nhân chất da cam người Việt Nam và Mỹ kiện các công ty sản xuất hóa chất diệt cỏ được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Trước đó, đơn kiện của các nạn nhân đã bị Tòa Phúc thẩm Niu Oóc bác bỏ, mặc dù theo nhiều nhà phân tích, các nghiên cứu khoa học và thực tế đều chứng minh rằng, chất da cam sử dụng trong chiến tranh Việt Nam có liên quan các bệnh ung thư, tiểu đường và các trường hợp thai dị dạng.

Kết quả nghiên cứu mới nhất do Viện Y học Mỹ (IOM) thực hiện cho thấy, quân nhân Mỹ cũng như những người khác bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin và những chất diệt cỏ tương tự được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, có nguy cơ tăng cao mắc bệnh liệt rung (pa-kin-xơn) và những vấn đề nghiêm trọng về tim. Các nhà nghiên cứu xác định rằng, mặc dù các nhân tố như hút thuốc lá, tuổi tác, trọng lượng cơ thể... cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh, song những người bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin từ nhiều thập kỷ trước đây có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Ðối với bệnh pa-kin-xơn, sau khi xem xét 16 công trình nghiên cứu, các nhà nghiên cứu cũng kết luận rằng, những người bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.

Bà Ma-giô-ri Côn, Giáo sư Trường Luật Thomas Jefferson và Chủ tịch Hội Luật gia Mỹ, mới đây đã đăng bài "Chất độc da cam tiếp tục hủy hoại Việt Nam" trên trang mạng của báo Bưu điện Háp-phinh-tơn, trong đó nêu rõ: "Ðã đến lúc phải thực hiện lời hứa của Ních-xơn và sửa chữa những sai lầm khủng khiếp mà Chính phủ Mỹ đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam". Bà Côn, người đóng vai trò thẩm phán tại Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam diễn ra tại thủ đô Pa-ri, Pháp, hồi tháng 5 vừa qua, viết rằng, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam chất độc da cam có chứa lượng lớn đi-ô-xin, một trong những loại hóa chất độc hại nhất đối với con người và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là một chất gây ung thư và Học viện Y của Mỹ công nhận là chất gây dị tật bẩm sinh. Bà cho rằng, những người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc này đã và đang bị ung thư, tổn thương gan và các bệnh về tim, chịu dị tật trong khả năng sinh sản và các bệnh về da và thần kinh. Theo bà, những nạn nhân này đều bị giảm tuổi thọ. Nhiều khu rừng tại miền nam Việt Nam đã bị tàn phá nặng, khó có thể hồi sinh và nếu được, thì cũng mất từ 50 năm đến 200 năm.

Cũng theo luật gia Mỹ này, binh sĩ Mỹ từng phục vụ tại chiến trường Việt Nam cũng phải gánh chịu những loại bệnh tương tự. Sau khi họ kiện các công ty hóa chất, kể cả Công ty Dow và Monsanto là những công ty đã sản xuất và bán chất độc da cam cho Chính phủ Mỹ, vụ kiện đã được giải quyết ngoài phiên tòa với việc trả cho một vài người đứng đơn kiện vài nghìn USD mỗi người. Sau đó, các cựu chiến binh Mỹ đã giành được thắng lợi từ cơ quan lập pháp để đền bù cho việc bị phơi nhiễm chất độc da cam và họ nhận được 1,52 tỷ USD mỗi năm dưới dạng tiền trợ cấp.

Bà Côn nêu ra sự phi lý và bất công khi những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện các công ty hóa chất (Mỹ) tại Tòa án liên bang (Mỹ), thẩm phán Giắc Uên-xtên thuộc Tòa án địa hạt Brooklyn của Mỹ lại bác bỏ đơn kiện này. Bà nhấn mạnh, đối với nhiều người Việt Nam và cựu chiến binh Mỹ cùng gia đình của họ, cuộc chiến tranh này vẫn tiếp tục gây thiệt hại. Bà Côn kêu gọi QH Mỹ thông qua điều luật đền bù cho các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam như đã từng đền bù cho nạn nhân là cựu chiến binh Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam.

Trung tuần tháng 5 vừa qua, tại thủ đô Pa-ri, Pháp, đã diễn ra Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Sau khi nghiên cứu các bằng chứng đầy thuyết phục gồm lời kể của 27 nhân chứng là các nạn nhân và chuyên gia, vết thương của nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/đi-ô-xin, các báo cáo khoa học về hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin hủy hoại con người và môi trường, Tòa khẳng định, Chính phủ Mỹ và các công ty hóa học Mỹ ý thức được chất đi-ô-xin là một chất độc cực kỳ nguy hiểm, gây ra những hậu quả nặng nề và lâu dài không chỉ đối với con người, môi trường mà cả nền kinh tế của Việt Nam. Dựa trên các điều luật quốc tế, Tòa khẳng định, việc sử dụng đi-ô-xin là một tội ác chiến tranh chống loài người. Tòa kết luận, Chính phủ Mỹ là thủ phạm sử dụng chất đi-ô-xin mà hậu quả của nó đối với môi trường của Việt Nam có thể coi là "diệt chủng môi trường"; các công ty hóa chất là tòng phạm của các hành động này của Chính phủ Mỹ. Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất cung cấp chất độc da cam phải bồi thường toàn bộ cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin và gia đình của họ; Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất trên cũng phải tìm cách cải thiện môi trường và tẩy độc chất đi-ô-xin trong nước, trong đất ở các khu vực bị nhiễm độc ở Việt Nam, đặc biệt tại các điểm nóng, nơi có các căn cứ quân sự.

Báo Người Béc-lin, tờ báo có số phát hành khá lớn ở Ðức, số ra mới đây dành gần trọn một trang đăng bài "Di sản độc hại" của tác giả Ca-xten Xtôm-mơ, viết về những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam. Bài báo cho biết, tại Việt Nam, chiến tranh đã chấm dứt 34 năm, song những "di sản" để lại vẫn thật khủng khiếp, với khoảng ba triệu nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Tác giả khẳng định, dù Hiệp định Giơ-ne-vơ cấm sử dụng hóa chất trong chiến tranh, song với những hợp đồng trị giá nhiều triệu USD, các công ty hóa chất Mỹ như Dow Chemicals, Hercules Inc., Occidental Chemical và Monsanto vẫn cung cấp cho quân đội Mỹ hàng trăm nghìn thùng hóa chất chứa chất đi-ô-xin cực độc có màu hồng, xanh, trắng và đặc biệt là màu da cam để sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Ði-ô-xin đã ngấm sâu xuống đất, gây biến đổi gien ở người, trở thành tác nhân gây ra các dạng ung thư và khuyết tật bẩm sinh, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ người Việt Nam. Bài báo bày tỏ sự cảm thông đối với những nạn nhân bất hạnh, ca ngợi niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống của những nạn nhân chất da cam ở Việt Nam. Trước đó, Tổ chức Ðoàn kết quốc tế (SODI) ở Ðức đã tổ chức "Ngày quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin" nhằm tuyên truyền, thu thập chữ ký và kêu gọi người dân Ðức và người nước ngoài ủng hộ các hoạt động đòi công lý và bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin.

Tại Nga, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở TP Ê-ca-tê-rin-bua đã phát động đợt quyên góp ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Hoạt động thu hút sự tham gia đông đảo của bà con người Việt tại Ê-ca-tê-rin-bua với tổng số tiền quyên góp được lên đến hàng trăm nghìn rúp và được chuyển trực tiếp về quỹ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Nhiều người dân Nga và các dân tộc khác rất xúc động khi chứng kiến các hoạt động tuyên truyền và quyên góp của cộng đồng người Việt Nam, bày tỏ sự cảm thông sâu sắc và xin được đóng góp ủng hộ. Tại Anh, nhân dịp diễn ra hội chợ mùa Hè "Coin Street Festival" bên bờ sông Thêm ở Luân Ðôn, Hội Hữu nghị Anh - Việt (BVFS) đã tổ chức bán hàng gây quỹ ủng hộ trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tại Việt Nam. Số tiền bán hàng được chuyển tới Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, để hỗ trợ trẻ em nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin thực hiện các ca phẫu thuật chỉnh hình hoặc mua xe lăn. Chủ tịch BVFS L.An-đi-xơ cho biết, bán hàng gây quỹ ủng hộ nạn nhân da cam/đi-ô-xin Việt Nam là hoạt động thường xuyên của BVFS. Ông nêu rõ, BVFS sẽ tiếp tục con đường đấu tranh để giành lại công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam. Hiện BVFS đã thiết lập một đơn kiến nghị trực tuyến gửi tới Tổng thống Mỹ B.Obama và các nghị sĩ Mỹ, phản đối quyết định bất công của tòa án nước này. Ðến nay, đơn kiến nghị này đã được đông đảo người Việt Nam trong và ngoài nước cũng như nhiều người nước ngoài ký tên ủng hộ.

Tại Mỹ, Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương và Môi trường toàn cầu thuộc Ủy ban Ðối ngoại Hạ viện nước này đã tổ chức hai phiên điều trần về vấn đề chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Tiểu ban, Hạ nghị sĩ Ê-ni Pha-lê-ô-ma-vê-a-ga. Hạ nghị sĩ Pha-lê-ô-ma-vê-a-ga thừa nhận, Mỹ chưa giải quyết thỏa đáng vấn đề nhức nhối này. Ông khẳng định, sử dụng chất độc da cam/đi-ô-xin trong chiến tranh Việt Nam là một quyết định tồi tệ của Oa-sinh-tơn, tỏ ý bất bình trước việc Mỹ chưa giải quyết đầy đủ vấn đề được coi là một trang đen tối trong lịch sử nước Mỹ này và nêu rõ: "Chính phủ Mỹ làm điều gì sai thì phải chịu trách nhiệm và sửa chữa, chứ đừng coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra".

Nguồn: Báo Nhân dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast