Tổng thống I-ran sẵn sàng tranh luận với Tổng thống Mỹ

Ngày 7-9, Tổng thống I-ran M.A-ma-đi-nê-giát tuyên bố: Tê-hê-ran sẵn sàng tiến hành những cuộc đàm phán "công bằng và hợp lý" với các cường quốc thế giới trong nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 7-9 ở Tê-hê-ran, Tổng thống A-ma-đi-nê-giát cho biết, ông sẵn sàng "tranh luận và thảo luận" với Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma trong một cuộc gặp công khai trước sự chứng kiến của giới truyền thông khi dự phiên họp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tháng này.

Ông A-ma-đi-nê-giát nhấn mạnh, I-ran sẽ sớm đệ trình gói đề xuất lên 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với Đức (nhóm P5+1).

Tổng thống A-ma-đi-nê-giát trong cuộc họp báo ở Tê-hê-ran ngày 7-9. Ảnh: Roi-tơ.
Tổng thống A-ma-đi-nê-giát trong cuộc họp báo ở Tê-hê-ran ngày 7-9. Ảnh: Roi-tơ.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ I-an Ke-li, cho đến thời điểm này, chính quyền Tổng thống Ô-ba-ma chưa nhận được từ Tê-hê-ran bất kỳ đề xuất mới và câu trả lời nào đối với những sáng kiến do nhóm P5+1 đưa ra trong tháng 4. Ông Ke-li cũng cho rằng, những tuyên bố trên của ông A-ma-đi-nê-giát chỉ nhằm giảm bớt sức ép quốc tế trước cuộc thảo luận của nhóm P5+1 tại Phrăng-phuốc (Đức) và trước khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc dự kiến diễn ra trong tháng này.

Tuy nhiên, trong khi khẳng định “chào đón” các cuộc đối thoại với nhóm P5+1, ông A-ma-đi-nê-giát lại tuyên bố sẽ không thương lượng về quyền phát triển công nghệ hạt nhân "không thể phủ nhận" của mình. "Quan điểm của chúng tôi là vấn đề hạt nhân đã khép lại. Chúng tôi sẽ không bao giờ đàm phán về các quyền hiển nhiên của mình". Tổng thống A-ma-đi-nê-giát nêu rõ, Tê-hê-ran sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân của mình trong khuôn khổ các quy định toàn cầu và hợp tác chặt chẽ với IAEA. Theo ông, bất kỳ cuộc đối thoại nào về vấn đề hạt nhân đều phải tập trung vào "hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình" và ngăn chặn "phổ biến vũ khí hạt nhân". Người đứng đầu chính quyền I-ran cho rằng, phương Tây cần thay đổi thái độ với I-ran và thừa nhận các quyền hợp pháp của nước này, đồng thời nhấn mạnh, phương Tây sẽ không được lợi gì nếu tiếp tục theo đuổi các chính sách trước đây với I-ran.

Sức ép của cộng đồng quốc tế đang gia tăng với Tê-hê-ran trước vòng đàm phán mới bàn về các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với nước này trong trường hợp I-ran từ chối trở lại bàn đàm phán giữa lúc có những nghi ngờ tồn tại lâu nay rằng Tê-hê-ran đang phát triển vũ khí hạt nhân. I-ran tuyên bố sẽ không bao giờ ngừng hoạt động làm giàu u-ra-ni nhưng sẵn sàng đưa ra sự đảm bảo rằng các hoạt động hạt nhân của họ sẽ không hướng tới việc chế tạo vũ khí. Tuần trước, chính Tổng giám đốc sắp mãn nhiệm của IAEA M.En Ba-ra-đây đã nói rằng, “mối đe doạ hạt nhân từ phía I-ran đã bị thổi phồng và trong vài năm tới I-ran chưa thể chế tạo vũ khí hạt nhân”.

Việc I-ran không đình chỉ việc làm giàu u-ra-ni cũng như không làm sáng tỏ những câu hỏi kéo dài khác về các hoạt động hạt nhân của nước này đã đẩy IAEA lâm vào "thế bí". Tổng giám đốc IAEA En Ba-ra-đây thừa nhận, đây là một thực tế mà IAEA đang vướng phải. Ông Ba-ra-đây đã thúc giục I-ran "tái can dự một cách thực sự" với IAEA để chứng minh rằng chương trình hạt nhân của nước này không vì mục đích quân sự.

Nguồn: QĐND Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast