Vì sao bạn ‘không thể cưỡng lại’ cái điện thoại?

Khi bạn đăng một nội dung nào đó lên Facebook, không phải lúc nào bạn cũng biết trước cách đón nhận nó của mọi người. Những cái “Like” ồ ạt hay sự thờ ơ có thể là nguyên nhân khiến bạn tiếp tục đăng status “điên cuồng” hơn.

vi sao ban  the cuong lai cai dien thoai

Ảnh: REUTERS

Nếu bạn từng có lúc ngồi chơi với trẻ nhỏ, bạn sẽ nhận thấy là chúng rất thích các hành động lặp lại mà với người lớn thì vô cùng tẻ nhạt. Chúng sẽ rất vui sướng bấm đi bấm lại vào cùng một cái nút nào đó để bật chỉ một chiếc đèn, hay gây ra một âm thanh nào đó lặp đi lặp lại.

Trẻ em làm như vậy vì chúng thích phản ứng tích cực (theo cảm nhận của chúng) từ hành động lặp lại đó. Đơn giản vì chúng thích cái đèn đẹp hay cảm giác khi tạo ra một âm thanh kỳ lạ nào đó.

Thích lặp lại hưng phấn

Tuy nhiên người lớn cũng lặp lại các hành động của mình khi có những mong muốn tương tự như vậy, chỉ là khác đi so với trẻ ở những mối quan tâm mà thôi. Khi chúng ta được tưởng thưởng vì đã thực hiện một hành động đơn giản nào đó, chúng ta có thể sẽ bắt đầu một chứng nghiện.

Xu hướng nghiện này đặc biệt đúng nếu chúng ta không biết khi nào hành động đơn giản của mình sẽ được tưởng thưởng.

Giống như những chú chim bồ câu, chúng ta bị hối thúc nhiều hơn trong việc tìm kiếm phản hồi khi đó là điều không được đảm bảo

Tiến sĩ Adam Alter

Vào những năm 1970, nhà tâm lý học Michael Zeiler tiến hành một thí nghiệm thú vị với những chú chim bồ câu. Ông tạo ra một chiếc lồng có một cái nút mà khi bồ câu dùng mỏ mổ vào đó, nó sẽ được thưởng thức ăn.

Tuy nhiên ông Zeiler đã thay đổi tần suất tưởng thưởng cho bồ câu. Theo đó ông nhận thấy nếu lần nào bồ câu mổ vào nút cũng nhận được thức ăn, nó sẽ giảm bớt mức độ thường xuyên của hành động này.

Tuy nhiên nếu tần suất tưởng thưởng cho bồ câu chỉ là 50-70% số lần mổ, những chú chim này sẽ mổ vào chiếc nút thường xuyên và "kiên trì" hơn.

Vì nhà nghiên cứu Zeiler đã biến việc thưởng thức ăn cho bồ câu thông qua việc mổ vào cái nút thành chuyện "không thể đoán trước", theo đó chất kích thích thần kinh dopamine trong não cũng tăng cao hơn, đây chính là nguyên nhân khiến cờ bạc trở thành cơn nghiện ám ảnh không thể dứt nổi với nhiều người.

vi sao ban  the cuong lai cai dien thoai

Ảnh: REUTERS

"Những chú bồ câu" trên Facebook

Nhìn vào cách thức hoạt động của mạng xã hội hiện nay, như Facebook chẳng hạn, bạn có thể nhìn ngay ra cơ chế nghiện tương tự như những chú bồ câu trong thí nghiệm của nhà tâm lý học Michael Zeiler. Nút "like" trong Facebook là ví dụ tuyệt vời cho vấn đề này.

Nút "Like" ra đời năm 2008, khi Facebook muốn cung cấp cho người dùng một cách đơn giản và mau chóng để thể hiện phản hồi của họ với các bức ảnh hay thông tin do bạn bè trong mạng lưới đưa lên.

Tuy nhiên sự phản hồi này là rất vô cùng, hoàn toàn không thể đoán trước. Thế nên không có gì lạ khi mỗi khi chúng ta đưa nội dung nào đó lên Facebook, rõ ràng ta đều có những hồi hộp không biết nội dung đó có được mọi người thích hay không.

Vì lẽ đó, "bỗng dưng" mỗi nội dung đăng tải lên Facebook trở thành một "canh bạc" cảm xúc với nhiều người, vì họ có thể "suy diễn" khi không nhận được các like là bạn bè đang bỏ mặc họ hay nội dung của họ đưa lên là thứ dở tệ hoặc ngược lại.

Và đến bây giờ thì hẳn là bạn đã không còn ngạc nhiên khi thấy hầu như mọi nền tảng mạng xã hội hiện có, trong đó có thể kể tới những nền tảng quen thuộc như Youtube, LinkedIn, Instagram… đều có những nút phản hồi "gây nghiện" kiểu như nút Like của Facebook.

Thật dễ hiểu là các "ông trùm" công nghệ đứng sau các nền tảng này đã "bắt thóp" được tâm lý cư dân mạng, và việc sử dụng những "nút bấm hưng phấn" này sẽ là chất gây nghiện tuyệt vời mà họ "tiêm" vào tâm lý người dùng hàng ngày là chuyện đã nằm trong chiến lược đầy ý thức của họ.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast