Thời mua ô tô như bao cấp tại Việt Nam: Cầm phiếu chờ tới lượt, có tiền chưa chắc đã có xe

Nhiều mẫu xe ở trong tình trạng khan hàng, khách đặt cọc nhiều tháng liền mà không có xe. Có người chấp nhận trả thêm tiền nhưng vẫn không thể có xe sớm.

Tình trạng đặt cọc chờ xe trong năm 2018 tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2019. Rất nhiều mẫu xe đang trong tình trạng khan hàng mà đa số trong đó là xe phổ thông giá từ 600 triệu đến hơn 1 tỷ đồng. Hyundai Santa Fe, Kona, Kia Cerato, Mitsubishi Xpander… là những "hàng hot" đang được không ít người tiêu dùng trong nước mòn mỏi chờ đợi.

Xe đã có nhưng lượng không đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Xpander là một ví dụ tiêu biểu cho tình trạng xếp hàng chờ mua xe của người Việt. Mitsubishi Motors Việt Nam (MMV) mở đặt cọc cho xe Xpander từ tháng 9. Người đặt trước sẽ được nhận xe trước. Mỗi người cầm một tờ phiếu đặt xe tương ứng với số thứ tự của mình để chờ tới lượt nhận. Có khách đặt cọc từ cuối tháng 12/2018 và được báo đến tháng 4/2019 mới được giao xe.

Người mua đặt cọc để sở hữu một chiếc xe mà mình chưa được sờ thực tế. Dẫu biết chiếc xe mới nào cũng tương tự nhau, tâm lý mua hàng vẫn bị ảnh hưởng bởi cảm giác mơ hồ khi chưa thấy chiếc xe mình được nhận.

"Chưa biết cái xe 2019 giao mình có gì khác với 2018 không nhưng không đặt thì chẳng biết phải làm sao. Đặt trước người ta mới có xe giao trước. Cứ chần chừ rồi không có xe mà đi," một người đặt xe Xpander tháng 11/2018 được hẹn giao trong tháng 1/2019 cho biết. Những hình ảnh này lại gợi nhớ đến thời bao cấp cầm tem phiếu xếp hàng chờ mua lương thực, chậm chân còn phải về tay trắng.

Khách hàng muốn mua Xpander phải đặt cọc, cầm phiếu và chờ đúng đến lượt.

Doanh số trung bình tháng của Xpander trong đợt đầu mở bán là khoảng 280 xe. Lô hàng nhập về tháng 10 chỉ đủ trả cho đơn đặt tháng 9. MMV chưa tiết lộ con số đơn đặt hàng cụ thể đối với mẫu Xpander cho tới thời điểm này nhưng theo quan sát ở đại lý và nhóm sử dụng dòng xe này trên mạng xã hội, lượng khách chờ còn khá nhiều. Số đơn giao xe sau Tết không nhỏ.

Santa Fe 2019 là xe lắp ráp trong nước nhưng cũng trong tình trạng cầu vượt cung. Hyundai Thành Công (HTC) cho biết lô xe trước Tết có khoảng 1.000 chiếc trong khi hợp đồng đặt cọc xấp xỉ 3.000. Với sự chênh lệch cung cầu lớn như vậy, việc xếp hàng chờ xe là điều chắc chắn xảy ra.

Tuy nhiên, khác với Xpander, mẫu xe Santa Fe cởi mở hơn với những người có tiền. Chỉ cần người mua chịu trả thêm 100 triệu (có nơi thông báo 140 triệu đồng) là xe có sẵn để giao ngay, không kể đặt cọc sớm hay muộn. Một khách hàng tại Nha Trang chồng tiền đặt xe từ tháng 6/2018 với lời hứa hẹn giao xe với đúng giá công bố của HTC nhưng trên thực tế đang được đại lý đưa ra đề nghị nộp thêm tiền mới giao xe.

Santa Fe 2019 đang được đại lý hét giá cao hơn cả trăm triệu đồng mới giao ngay, bất chấp đơn đặt cọc đó trước hay sau.

Không chỉ Santa Fe mới ra mắt, mẫu xe đàn em Kona đã mở bán được 3 tháng cũng không đủ hàng giao khách. Tư vấn bán hàng một đại lý cho biết đối với Kona cũng phải đặt, giao sau khoảng 3 tuần, tùy màu. Một phần lượng xe về đại lý tháng sau phải trả cho đơn đặt từ tháng trước đó. Trên thực tế, có khách hàng cho biết họ phải thêm 5 triệu đồng mới được giao dù đã đặt cọc từ trước. Mẫu xe Tucson cũng không đủ xe giao.

Doanh số Kona tăng trưởng trong 3 tháng liên tiếp, vươn lên số 1 phân khúc, cho thấy sức hút của mẫu xe gầm cao đô thị này ngày càng lớn. HTC bán được 859 xe Kona trong tháng cuối năm 2018 và đà tăng trưởng hứa hẹn sẽ tiếp tục duy trì nếu sản lượng xe lắp ráp đáp ứng được nhu cầu khách hàng.

Kia Cerato, mẫu sedan phổ thông quen thuộc bán chạy thứ 2 phân khúc, cũng không đủ xe giao khách. THACO hé lộ mẫu xe này có tới 2.000 đơn đặt hàng sau 20 ngày ra mắt (tính từ 21/12/2018), trong đó có khoảng 1.200 xe đã bán. Vẫn còn một lượng khách hàng phải đặt cọc chờ xe nếu muốn lấy sớm. Thời gian giao xe Cerato không cụ thể như Xpander. Nguồn hàng phụ thuộc vào lượng xe có sẵn tại từng đại lý.

Ra mắt đúng thời điểm "nóng", người tiêu dùng có nhu cầu xe đi Tết cao, Cerato cũng rơi vào tình trạng "cháy hàng".

Tình trạng chờ tới lượt mua còn xảy ra với nhiều mẫu xe khác, như bộ đôi Honda CR-V và HR-V. Những hợp đồng cọc 20 triệu, 50 triệu hay nhiều hơn xuất hiện đi cùng mong mỏi nhận xe của người mua. Có những mẫu xe chưa ra mắt đã có khách sẵn sàng xuống tiền cọc, như Honda Brio hay BR-V, và sau đó tiếp tục là sự chờ đợi mà chưa biết bao giờ mới có xe để sở hữu.

Theo Trí thức trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói