Một loại bánh hưởng ứng ngày dâu tây ở Nhật Bản - Ảnh: Twitter
Ngày dâu tây bắt nguồn từ chính tên của dâu tây trong tiếng Nhật: Ichigo. Ichi có nghĩa là 1 và go có nghĩa là 5. Như vậy, ngày dâu tây được chọn là ngày 15-1.
Vào ngày này trong năm, nhu cầu tiêu thụ dâu tây tăng lên do các cửa hàng tận dụng ngày này để làm ra những món ngon hảo hạng từ dâu.
Bánh kem dâu tây xinh xắn - Ảnh: Moshi
Các cửa hàng bánh ngọt sẽ bày bán nhiều bánh và kẹo dâu tây. Nhà hàng và quán cà phê sẽ phục vụ món tráng miện dâu tây đặc biệt.
Bánh kẹp dâu tây với kem - Ảnh: Japan Times
Dâu tây ở Nhật Bản rất đa dạng và có nhiều giống đắt tiền. Hiện có gần 300 giống dâu tây đã được đăng ký tại Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản.
Kẹo socola KitKat làm từ dâu Tochi Otome - Ảnh: Meccha Japan
Theo Japan Times, tỉnh Tochigi nổi tiếng với giống dâu Tochi Otome - một giống dâu tương đối nhỏ, ngọt và thơm.
Tỉnh Fukuoka - nơi đứng thứ 2 về sản xuất dâu tây sau Tochigi - nổi tiếng với giống dâu Amao. Dâu Amao có quả mọng khổng lồ, ngọt ngào, có kích thước lớn hơn các giống dâu khác.
Dâu Amao - Ảnh: Food Gallery
Các nhà sản xuất dâu tây Nhật Bản cạnh tranh gay gắt để có giống dâu ngọt nhất, thơm nhất. Một số loại dâu có tên giàu trí tượng tượng như Beni Hoppe (Má hồng), Hatsukoi no Kaori (Hương vị tình đầu) - không chỉ đặc biệt ở cái tên mà còn gây chú ý bởi vẻ ngoài có màu trắng.
Dâu Hatsukoi no Kaori - Ảnh: SoraNews
Dâu tây cao cấp thường rất được người Nhật ưa dùng làm quà tặng. Những phần quà với dâu có quả tròn đẹp, được đóng gói cẩn thận, có giá tới hàng trăm yên.
Mùa xuân cũng là mùa hái dâu ở Nhật Bản. Nhiều nhà sản xuất dâu tây mở cửa nhà kính của họ cho công chúng tham quan và hái dâu tùy thích trong một khoảng thời gian nhất định.