Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng: Đức Thọ sáng tạo, quyết liệt trong sáp nhập xã, tổ chức bộ máy

Chiều 7/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng cùng đoàn công tác có buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ các xã: Đức Lâm, Trung Lễ, Đức Thủy (Đức Thọ - Hà Tĩnh) và Thường trực huyện ủy Đức Thọ về tình hình KT-XH, QP-AN, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ đến nay và việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Dự buổi làm việc có Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát; về phía tỉnh Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Thị Gái.

Báo cáo với Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng đoàn công tác về tình hình KT-XH, QP-AN, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bí thư huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX nhiệm kỳ 2015 – 2020, đến nay, Đức Thọ có 15/23 chỉ tiêu KT-XH đạt và vượt kế hoạch; có 2 chỉ tiêu đạt từ 80-98% kế hoạch; 6 chỉ tiêu đạt từ 50-80% kế hoạch.

Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện từ đầu nhiệm kỳ đến nay

Một số chỉ tiêu KT-XH quan trọng đạt và vượt kế hoạch như: Thu nhập bình quân đầu người đạt 40,5 triệu đồng (năm 2015 là 28,2 triệu đồng); tổng thu ngân sách vượt kế hoạch tỉnh giao, bình quân hằng năm đạt trên 172 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 3,99%.

Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, đảm bảo QP-AN không ngừng được củng cố, tăng cường.

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Đức Thọ tập trung cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đến nay, có 25/27 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Địa phương đang tập trung huy động nguồn lực, xây dựng huyện đạt chuẩn NTM trước tháng 6/2020

Thực hiện Nghị quyết 37 - NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính, Đức Thọ có 21 xã, thị trấn không không đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích và dân số, phải sáp nhập thành 9 xã. Như vậy, sau sáp nhập, Đức Thọ còn 16 xã, thị trấn.

Sau khi thành lập 9 xã mới, tổng số cán bộ là 169 người, trong đó, dự kiến bố trí theo quy định 107 người, còn dôi dư 62 người.

Qua lấy ý kiến cử tri các xã về chủ trương sáp nhập đã nhận được sự đồng thuận rất cao với tỷ lệ 99,7%. Đặc biệt, nhiều cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách quán triệt sâu sắc chủ trương sáp nhập cùng với việc tinh giản biên chế, đã gương mẫu đi đầu làm đơn xin nghỉ công tác.

Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, văn bản hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Thọ đã, đang thực hiện việc sắp xếp, bố trí bộ máy cán bộ tại các xã sáp nhập, trong đó hiện đang chỉ đạo điểm 3 xã: Đức Lâm, Trung Lễ, Đức Thủy (thành lập xã mới Lâm Trung Thủy).

Công tác tổ chức thực hiện sắp xếp nhân sự đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; đảm bảo quy trình thủ tục theo điều lệ Đảng và các văn bản hướng dẫn của Trung ương.

Bí thư huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá tình thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, tinh giảm bộ máy, đồng thời đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan đến chính sách phụ cấp cán bộ thôn xóm, bố trí cán bộ dôi dư sau sáp nhập xã...

Bí thư, Chủ tịch xã Đức Thủy Đinh Văn Nam: Quá trình lấy ý kiến về bộ máy, nhân sự đã rất khách quan, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên.

Bí thư Đảng ủy xã Đức Lâm Phạm Xuân Trúc: Nên cho chuyển số cán bộ dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, có trình độ chuyên môn phù hợp sang làm công chức chuyên môn; chế độ cán bộ thôn xóm thấp, không đảm bảo cho hoạt động

Tại buổi làm việc, đại diện các xã: Đức Lâm, Trung Lễ, Đức Thủy cũng đã có nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng thuận, thống nhất cao trong việc sáp nhập xã, sắp xếp bộ máy.

Đại biểu cũng thẳng thắn nêu những khó khăn vướng mắc tại cơ sở, đặc biệt là chế độ phụ cấp, bố trí cán bộ dôi dư.

Kết luận buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đức Thọ trong phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, xây dựng NTM. Đặc biệt, Đức Thọ là địa phương đi đầu, có cách làm sáng tạo, quyết liệt trong việc thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính cấp xã.

“Cấp ủy, chính quyền các cấp ở Đức Thọ đã có những cách làm sáng tạo, quyết liệt trong sáp nhập xã, sắp xếp, tổ chức bộ máy. Quá trình thực hiện đã tạo được sự đồng tình, đồng thuận cao trong toàn Đảng bộ, trong nhân dân. Đặc biệt, có những cán bộ, đảng viên, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì sự phát triển chung. Những ý kiến phát biểu tâm huyết, đầy trách nhiệm của các cán bộ, đảng viên hôm nay đã thể hiện rõ Đảng bộ mạnh, trí tuệ, đoàn kết. Đây là cở sở vững chắc để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị” - Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng chia sẻ với địa phương về những khó khăn trong thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư hay phụ cấp cán bộ thôn xóm còn thấp, ảnh hưởng đến công việc.

Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tin tưởng, với truyền thống văn hóa, cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đức Thọ sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, sớm hoàn thành sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính cấp xã, chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; xứng đáng là quê hương Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tặng quà cho 5 gia đình chính sách tại các xã Đức Lâm, Trung Lễ, Đức Thủy.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói