Đại biểu dự họp ở điểm cầu Hà Tĩnh
Sau 3 năm thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch và các văn bản hướng dẫn thi hành; các phòng tư pháp, ủy ban nhân dân cấp xã trên toàn quốc đã thực hiện chứng thực 440.951.213 bản sao từ bản chính; chứng thực 14.705.211 việc chứng thực chữ ký; chứng thực 3.136.950 việc chứng thực chữ ký người dịch và 4.439.074 việc chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Tại các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện chứng thực 45.719.901 bản sao từ bản chính; chứng thực 1.509.473 việc chứng thực chữ ký.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã thực hiện chứng thực 7.535 bản sao từ bản chính; chứng thực 44.949 việc chứng thực chữ ký (trong đó có 30.308 việc chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản và 14.857 việc chứng thực chữ ký người dịch).
Tại hội nghị, đại biểu tại các điểm cầu đã nêu lên những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai Nghị định như: Tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao chứng thực khi thực hiện thủ tục hành chính còn khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành; một số địa phương để xảy ra tình trạng chứng thực bản sao một cách tràn lan, ồ ạt, không theo đúng quy định pháp luật. Nhiều cơ quan có thẩm quyền chứng thực thực hiện việc chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch hoặc lạm dụng văn bản chứng thực chữ ký, sử dụng văn bản chứng thực chữ ký thay cho bản chính giấy tờ khác.
Một số địa phương không thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng quy trình phê duyệt danh sách cộng tác viên dịch thuật và ký hợp đồng cộng tác viên dịch thuật theo quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề cập một số quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch chưa chặt chẽ; công tác thu phí chứng thực ở một số nơi chưa bảo đảm đúng quy định...
Trong 3 năm qua, các phòng tư pháp và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chứng thực 82.767 hợp đồng, giao dịch.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác chứng thực, thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị Bộ Tư pháp, các bộ, ngành và các tỉnh, thành tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, đặc biệt là các quy định về việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký người dịch và thu phí chứng thực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về chứng thực và các văn bản pháp luật có liên quan; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chứng thực, quan tâm, coi trọng công tác chứng thực, bố trí người có năng lực, trình độ để làm công tác chứng thực.
Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính yêu cầu nộp bản sao có chứng thực để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đề xuất hoàn thiện thể chế pháp luật về chứng thực; củng cố mối quan hệ phân công, phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan để đảm bảo hoạt động chứng thực được hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chứng thực theo hướng xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu chứng thực áp dụng chung trên phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.