Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành cùng dự.
Hiện nay, cả nước có 69 thiết chế văn hóa cấp tỉnh, 647/713 quận huyện có trung tâm văn hóa- thể thao hoặc nhà văn hóa huyện; hơn 64% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa - thể thao; hơn 3.200 thư viện cấp xã, 16.000 tủ sách, thư viện cơ sở phục vụ nhu cầu đọc của người dân.
Đến nay, đã có hơn 69.000 làng, thôn, ấp được công nhận danh hiệu văn hóa; gần 2.700 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Thông qua đề án tăng cường hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2011- 2015, đã hỗ trợ xây dựng 472 nhà văn hóa xã với kinh phí hơn 107 tỷ đồng; xây gần 1.000 nhà văn hóa thôn với kinh phí hơn 58 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 141 tỷ đồng mua trang thiết bị nhà văn hóa.
Nhà văn hóa thôn Văn Khang, xã Đức Tùng (Đức Thọ - Hà Tĩnh)
Từ phong trào văn hóa, nhiều mô hình, gương sáng điển hình trên các lĩnh vực đã được phát hiện và nhân rộng. Nếp sống của người dân, cơ quan, doanh nghiệp cũng có nhiều thay đổi tích cực. Nhận thức, hành vi của người dân trong tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội đã theo hướng văn minh, tiết kiệm, giữ gìn các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, đẩy lùi hiện tượng tiêu cực, lạc hậu…
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 18 năm phát động và thực hiện, phong trào vẫn còn nhiều hạn chế. Theo đó, một số đại biểu cho rằng, nhiệm vụ và tiêu chuẩn con người văn hóa vẫn chưa rõ ràng, cần cụ thể hơn. Nhiều địa phương đánh giá kết quả còn nặng về bình chọn danh hiệu mà chưa đi sâu vào thực chất.
Cơ chế quản lý, vận hành nhà văn hóa, đặc biệt là nhà văn hóa tại khu vực thành thị chưa thực sự hoàn thiện; việc thực hiện nhiều tiêu chí văn hóa còn mang tính hành chính; tệ nạn xã hội còn nhiều; cơ chế đặc thù cho công tác văn hóa vùng dân tộc thiểu số cần được quan tâm hơn…
Các thiết chế thể thao ở vùng nông thôn Hà Tĩnh được đầu tư đồng bộ, giúp người dân rèn luyện sức khỏe
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đạt được. Đồng thời nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến xây dựng đời sống văn hóa bên cạnh củng cố đời sống vật chất; coi đây là chủ trương lớn, là nền tảng để xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Sau gần 20 thực hiện, phong trào đã lan tỏa mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, thực sự là sợi dây gắn kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động khác.
Đời sống văn hóa ở những miền quê nông thôn mới Hà Tĩnh không ngừng được nâng cao
Phân tích những hạn chế, Thủ tướng cho rằng, do nhận thức chưa đầy đủ vai trò, ý nghĩa của phong trào nên nhiều nơi còn mang tính hình thức, mỏng về số lượng, nhẹ về chất lượng; kết quả chưa bền vững, đồng đều giữa các vùng miền; sự phối hợp giữa các cấp ban ngành thiếu chặt chẽ, năng lực cán bộ cơ sở còn hạn chế.
Thủ tướng yêu cầu các ban ngành, địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch để thực hiện sâu rộng, toàn diện phong trào; tăng cường công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình người tốt, việc tốt. Việc bình xét phải được thực hiện thực chất, công bằng để danh hiệu văn hóa duy trì bền vững;
Cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc trong sự đa dạng; xây dựng hình ảnh con người Việt Nam đủ trình độ, tự tin, bản lĩnh để hội nhập quốc tế.
Đến nay, Hà Tĩnh đã có 314.861/368.672 gia đình được công nhận gia đình văn hóa (đạt 85,4%); 1.792/2.123 thôn, tổ dân phố văn hóa (đạt 84,4%); 383 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; có 166/262 hội trường đa năng cấp xã, phường, thị trấn đạt chuẩn, 146/262 khu thể thao cấp xã đạt chuẩn, 1.561/2.123 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đạt chuẩn, 1.390/2.123 khu thể thao thôn, tổ dân phố đạt chuẩn về quy mô, diện tích hoạt động. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã có 120 xã đạt chuẩn nông thôn mới. |