Tô thắm hình ảnh "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang"

(Baohatinh.vn) - Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, tùy theo hình thái xã hội mà người phụ nữ có những địa vị khác nhau nhưng họ vẫn luôn đóng vai trò quan trọng và là bộ phận không thể tách rời. Trong thời đại ngày nay, khi quyền bình đẳng giới được cả nhân loại quan tâm, phụ nữ càng có cơ hội khẳng định vai trò, vị thế của mình.

“Ánh sáng êm dịu” kiến tạo hạnh phúc gia đình

Victor Hugo từng ca ngợi: “Bên cạnh ánh sáng lung linh của các vì sao còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của tâm hồn người phụ nữ”. Được coi là “phái yếu” nhưng phụ nữ lại chính là ngọn lửa âm ỉ giữ ấm cho hạnh phúc gia đình. Đầu tiên là ở thiên chức làm vợ, làm mẹ. Bất kỳ người con gái nào lớn lên cũng đều được dạy dỗ để trở thành một người vợ hiền, một người mẹ đảm.

Một gia đình không thể có hạnh phúc trọn vẹn nếu như người phụ nữ không chu toàn. Ảnh: internet

Cha ông ta đã nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Một gia đình không thể có hạnh phúc trọn vẹn nếu như người phụ nữ không chu toàn. Có thể thấy rằng, ở Việt Nam, trong thời kỳ lịch sử nào, vai trò của người mẹ trong gia đình cũng luôn được coi trọng. Chẳng những thế mà dân gian vẫn luôn dạy: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” hay “Cha sinh chẳng tày mẹ dưỡng”…

Để có được cái “nghĩa” đó, sự “dưỡng” đó, đòi hỏi người phụ nữ phải thực hành các thiên chức của mình một cách nhân hậu và trí tuệ. Đó là cả một quá trình được dưỡng dục từ gia đình và những nỗ lực học hỏi không ngừng của bản thân. Học hỏi chính những điều hay lẽ phải từ trong gia tộc, dòng họ, từ cộng đồng, từ truyền thống văn hóa dân tộc cho đến những nét mới, văn minh, hiện đại từ phụ nữ các dân tộc khác trên thế giới. Có như vậy, người mẹ trong gia đình mới phát huy được vai trò của mình, mới đáp ứng được những yêu cầu của thời đại.

Thời đại nào cũng đòi hỏi người phụ nữ phải thực hành các thiên chức làm vợ, làm mẹ của mình một cách nhân hậu và trí tuệ. Ảnh: internet

Cùng với thực hiện thiên chức làm mẹ thì người phụ nữ Việt Nam trong thời đại nào cũng luôn coi trọng thiên chức làm vợ. Từ người nội trợ cho đến người có địa vị trong xã hội, người phụ nữ vẫn luôn có đức hy sinh đối với người chồng theo những cách khác nhau. Họ luôn trau dồi tình cảm, đức hạnh để trở thành một người vợ hiền thảo, sẵn sàng lùi bước, nhường đường cho chồng hoặc trong những trường hợp cụ thể, luôn sẵn sàng cùng chồng, thay chồng gánh vác những việc đại sự. Họ vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến trong những bước đường phát triển của người chồng. Sự yêu thương, thấu hiểu, đồng cảm của người vợ, ở một phương diện nào đó chính là gia tài, là “phúc đức” của người chồng trong hành trình xây dựng sự nghiệp, xây dựng tổ ấm.

Nỗ lực khẳng định vị thế trong xã hội

Không chỉ “đảm việc nước”, trong thời đại ngày nay, phụ nữ nhiều nước trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng luôn nỗ lực học tập, trau dồi và phát triển bản thân, tham gia vào nhiều tổ chức chính trị, bộ máy chính quyền các cấp, nhiều hoạt động KT-XH và có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của đất nước.

Ngày càng nhiều mô hình sản xuất do phụ nữ làm chủ phát huy hiệu quả.

Về điều này, Nhà sử học Trần Quốc Vượng (1934-2005) cũng đã khẳng định: “Trên chặng đường chuyển hóa từ mẫu hệ sang phụ hệ và cả mãi về sau này, xã hội Việt Nam cổ truyền đã thừa hưởng và vẫn bảo lưu một truyền thống vững chắc và tốt đẹp: đó là vai trò quan trọng của người đàn bà, người mẹ, trong gia đình, ngoài xã hội”.

Có thể thấy rất rõ điều đó qua những tấm gương nữ giới sáng ngời trong lịch sử như: 2 nữ vương đầu tiên trong lịch sử Trưng Trắc, Trưng Nhị; nhiếp chính Ỷ Lan; Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu; nữ chiến sỹ cách mạng đầu tiên Nguyễn Thị Minh Khai; nữ anh hùng Quân đội nhân dân đầu tiên Nguyễn Thị Chiên; nữ tướng Nguyễn Thị Định; nữ Phó Chủ tịch nước đầu tiên Nguyễn Thị Bình… Họ chính là tấm gương sáng ngời về nghĩa khí, trí tuệ, đạo đức… để cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam noi theo, phấn đấu.

Bà Nguyễn Thị Bình (trái) và bà Nguyễn Thị Định trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: internet

Trong thời kỳ hiện đại, khi vấn đề bình đẳng giới được quan tâm đúng mức, vị thế người phụ nữ ngày càng được củng cố. Điều đó thể hiện trong những quy định ở Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và Hiến pháp năm 2013: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”, “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”, “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước cũng ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác phụ nữ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới.

Cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp ở Hà Tĩnh đã triển khai nhiều mô hình thiết thực trong cộng đồng.

Đáp lại sự quan tâm đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Trong đó, nhiều cán bộ nữ được giao trọng trách, giữ những cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, cũng như các cương vị lãnh đạo, quản lý các cấp.

Khi đời sống xã hội ngày càng phát triển, thế giới rộng mở hơn, phụ nữ Việt Nam lại càng có nhiều cơ hội tỏa sáng trên nhiều lĩnh vực. Không chỉ là nhà cách mạng, nhà chính trị, họ còn là nhà khoa học, là nhà thơ, nhà văn, nghệ sỹ, vận động viên…, có thể sánh vai cùng phụ nữ khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào cộng đồng doanh nghiệp, trở thành những doanh nhân thành công trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, có những nữ doanh nhân đã tạo lập được thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng trong khu vực và thế giới, trở thành cảm hứng cho các thế hệ phụ nữ Việt như: Mai Kiều Liên (Vinamilk), Thái Hương (TH True milk), Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet Air), Lê Hoàng Diệp Thảo (đồng sáng lập thương hiệu Cà phê Trung Nguyên)…

Lãnh đạo tỉnh biểu dương các nữ doanh nhân tiêu biểu năm 2023.

“Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” là 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phong tặng cho người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến nhưng đó cũng là sự đúc rút từ truyền thống, là sự kỳ vọng ở tương lai. Ngày nay, phụ nữ Việt Nam luôn coi đó là kim chỉ nam để tiếp tục xây dựng hình ảnh người phụ nữ yêu nước, yêu gia đình, có tri thức, có sức khỏe, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chủ đề Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói