Trên địa bàn TX Hồng Lĩnh hiện có 55 doanh nghiệp với nhiều loại hình như: nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp quy mô nhỏ... có tổ chức công đoàn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho chủ doanh nghiệp và người lao động được cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành liên quan đặc biệt quan tâm.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã Hồng Lĩnh Lê Văn Trình cho biết: “Từ đầu năm đến nay, LĐLĐ thị xã đã phối hợp các cấp, ngành liên quan tổ chức 7 lớp tập huấn các quy định pháp luật cho gần 2.000 lượt cán bộ, đoàn viên, người lao động trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền bao gồm: chính sách lao động, việc làm; chế độ bảo hiểm; an toàn, vệ sinh lao động; an toàn giao thông; phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội... Doanh nghiệp phối hợp tốt, người lao động tích cực tham gia đã giúp nâng cao chất lượng của chương trình tập huấn”.
Là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của nước ngoài với trên 1.200 lao động, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực may mặc - một lĩnh vực thường xuyên xảy ra tình trạng biến động lao động nên Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh đặc biệt coi trọng công tác giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật lao động cho công nhân.
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho công nhân tham gia các lớp tập huấn do các ban, ngành tổ chức, công ty còn tăng cường tuyên truyền trực tiếp tại nơi làm việc cho từng bộ phận, từng công nhân. Nhờ đó, những xung đột trong quan hệ lao động đã được các bên liên quan giải quyết ổn thỏa, hoạt động sản xuất, kinh doanh dần đi vào ổn định.
Chị Dương Thị Thức - công nhân bộ phận kiểm tra cho biết: “Thường xuyên được tham gia tập huấn, đặc biệt là chế độ, chính sách về lao động giúp chúng tôi hiểu hơn trách nhiệm, quyền lợi của bản thân và chủ doanh nghiệp. Từ đó, công nhân vừa biết cách bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình, vừa có ý thức xây dựng, cống hiến cho công ty”.
Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao (xã Việt Tiến - Thạch Hà) là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật. Lĩnh vực đặc thù, môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của công nhân nên BCH công đoàn cơ sở công ty cũng rất quan tâm đến việc nâng cao ý thức của người lao động về các quy định trong quá trình làm việc.
Chị Nguyễn Thị Huyền - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tham gia các hội nghị tập huấn về pháp luật lao động do công đoàn cấp trên tổ chức. Những kiến thức được trang bị giúp công đoàn thực hiện tốt vai trò tham mưu lãnh đạo công ty xây dựng chế độ, chính sách đúng quy định; hướng dẫn người lao động ký kết hợp đồng lao động, đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động…”.
Việc nắm rõ, chấp hành nghiêm quy định pháp luật lao động chính là cơ sở để gần 10 năm đi vào hoạt động, công ty luôn đảm bảo chế độ lương, thưởng và giữ chân được người lao động. Hiện nay, thu nhập bình quân tại công ty khoảng 8 triệu đồng/người/tháng; công nhân được hỗ trợ bữa ăn ca và các chế độ phụ cấp khác…
Tại Khu kinh tế Vũng Áng - địa bàn tập trung đông doanh nghiệp và công nhân lao động nhất của tỉnh, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai thường xuyên với nhiều hình thức phong phú.
Chủ tịch Công đoàn Các khu kinh tế tỉnh Nguyễn Đức Thạch cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Công đoàn Các khu kinh tế tỉnh đã chủ trì và phối hợp tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền, đối thoại pháp luật, triển khai nghị quyết cho hàng nghìn lượt cán bộ công đoàn, người lao động, chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Phương pháp tuyên truyền được đổi mới, triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện của từng đơn vị như: tuyên truyền tại nơi làm việc; hội nghị trực tiếp; truyền thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội; tủ sách pháp luật; treo pano, áp phích… nhằm cung cấp thông tin, định hướng dư luận trong CNLĐ, góp phần vào sự ổn định và phát triển của khu kinh tế”.
Theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh, toàn tỉnh hiện có gần 70.000 đoàn viên, trong đó, gần 26.500 đoàn viên khối doanh nghiệp. Đoàn viên thuộc khối doanh nghiệp phần lớn là lao động phổ thông, trình độ, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Vì vậy, các cấp công đoàn luôn chú trọng và chủ động trong phối hợp tuyên truyền pháp luật cho nhóm đối tượng này.
Từ đầu năm đến nay, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp tổ chức 2 lớp tuyên truyền pháp luật về chính sách lao động nữ, luật an toàn giao thông cho gần 500 đoàn viên, CNLĐ; công đoàn cấp huyện, ngành và công đoàn cơ sở tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật cho hàng nghìn lượt người lao động; 5 công đoàn ngành, 328 công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc…
Ngoài ra, các cấp công đoàn cũng phổ biến các quy định pháp luật mới liên quan đến đời sống của người lao động như BHXH, an toàn giao thông, căn cước công dân; triển khai cho cán bộ, đoàn viên, người lao động góp ý vào dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi…
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đoàn viên, người lao động, đặc biệt là trong các doanh nghiệp, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn các cấp tăng cường triển khai hoạt động này theo hướng đổi mới nội dung, phương thức. Nhờ đó, đã thu hút đông đảo đoàn viên, lao động tham gia; tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động. Điều này đã góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong các doanh nghiệp, đơn vị; kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.